Ngay từ khi còn nhỏ, nhiều người thường được cha mẹ nhắc nhở nên cẩn thận khi cầm, nắm hoặc sử dụng những chiếc đĩa sứ vì chúng rất dễ vỡ. Vì vậy, khi chứng kiến một tòa tháp khổng lồ được xây bằng sứ có thể khiến không ít người ngạc nhiên.
Công trình tòa tháp Sứ kỳ vĩ ấy đã từng tồn tại ở Trung Quốc, và được coi là kỳ quan của Trung Quốc cổ đại.
Tòa tháp Sứ được xây dựng trong thời nhà Minh và mất tới 17 năm mới hoàn thành. Ảnh: Source
Theo đó, tòa tháp Sứ là một ngôi chùa (hay được gọi là Chùa Sứ), được xây dựng bên bờ sông Dương Tử ở Nam Kinh vào thời nhà Minh (đầu thế kỷ 15) của Trung Quốc.
Tòa tháp đặc biệt này là một phần thuộc khu phức hợp của Bao En Si (hay tạm dịch là "Đền thờ đền ơn đáp nghĩa").
Cụ thể, tháp Sứ được hoàng đế Vĩnh Lạc (thời nhà Minh) ra lệnh xây dựng ở thủ phủ của Nam Kinh và phải mất tới 17 năm mới hoàn thành.
Tòa tháp cùng với tổ hợp đền thờ xung quanh, được vị hoàng đế này cho xây dựng nhằm tôn vinh và thể hiện lòng hiếu thảo của ông đối với cha mẹ.
Do đó, khu đền thờ này mới được đặt tên là "Bao En Si". Dù mang ý nghĩa và giá trị lớn, nhưng ngôi đền thực tế lại không nổi tiếng bằng tòa tháp độc đáo kia.
Tháp Sứ có chiều cao 79 mét nên tại thời điểm xây dựng, đây là tòa tháp lớn nhất ở Trung Quốc. Ảnh: Source
Cao 79 mét tính từ nền bát giác, tòa tháp này có đường kính 30 mét, với 9 tầng được xây dựng bằng gạch men sứ trắng. Có tài liệu cho rằng, ban đầu tòa tháp dự định được xây dựng với chiều cao 101 mét bằng cách xây thêm 4 tầng.
Cửa vòm của tòa tháp từ thế kỷ 15 hiện nay được trưng bày tại Bảo tàng Nam Kinh. Ảnh: Internet
Tháp Sứ ở nam kinh có thể không phải là ngôi chùa cao nhất từng được xây dựng ở Trung Quốc, nhưng lại được cho là một trong những ngôi chùa đẹp nhất. Tên gọi của ngôi chùa này cũng bắt nguồn từ chính vật liệu xây dựng được sử dụng, đó là gạch men sứ trắng.
Tranh vẽ về khu tổ hợp tòa tháp sứ và đền "Bao En Si" ở thành phố Nam Kinh. Ảnh: Public Domain
Vào ban ngày, các tia nắng mặt trời chiếu lên những viên gạch sứ trắng, khiến tòa tháp trở trông rất lấp lánh. Khi đêm đến, khoảng 140 chiếc đèn lồng bằng sứ sẽ được thắp sáng càng tô điểm thêm cho cảnh sắc của ngôi chùa.
Bị phá hủy và hồi phục
Thật không may, công trình kiến trúc độc đáo này đã bị phá hủy trong chiến sự Thái Bình Thiên Quốc vào giữa thế kỷ 19 (khoảng năm 1856), khi phiến quân chống lại triều đình nhà Thanh, chiếm được thành phố Nam Kinh.
Vào năm 2008, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một số di vật quý giá của Phật giáo khi tiến hành khai quật tại khu vực tàn tích của Chùa Sứ.
Tòa tháp Sứ ở Nam Kinh được hồi sinh. Ảnh: Ancientorigins
Tòa tháp được hồi sinh có vẻ đẹp ấn tượng. Ảnh: CNN
Sau đó, vào năm 2010, Wang Jianlin, một tỷ phú người Trung Quốc đã tài trợ 1 tỷ nhân dân tệ (tương đường với hơn 3.500 tỷ đồng) cho dự án xây dựng công trình về Công viên di sản tháp Sứ trên bờ sông Dương Tử.
Sau 150 năm bị phá hủy, tòa tháp Sứ đã được tái hiện, phục dựng trở lại. Tòa tháp mới này được cho là mô phỏng tháp Sứ với 9 tầng. Nhưng thay vì chỉ có thang bộ, tòa tháp còn được trang bị cả thang máy.
Thiết kế của tòa tháp mới cũng rất ấn tượng. Việc tái thiết ngôi chùa tháp Sứ chủ yếu bằng các vật liệu như thép và thủy tinh.
Đặc biệt, phía bên trong tháp còn được ốp gương và hàng nghìn bóng đèn có thể thay đổi nhiều màu sắc, đại diện cho ánh sáng và "xá lợi" linh thiêng của Phật giáo.
Tượng Phật nổi 3D khổng lồ, được tạo thành từ những điểm nhỏ ánh sáng. Ảnh: CNN
Ánh sáng trong căn phòng này có khả năng thay đổi vài giây một lần, được gọi là "xá lợi ánh sáng". Ảnh: CNN
Bên cạnh tòa tháp "tráng lệ", Công viên di sản tháp Sứ còn có một bảo tàng với chủ đề Phật giáo, nổi bật với thiết kế đầu tượng Phật nổi 3D được làm bằng hàng ngàn điểm nhỏ ánh sáng. Công viên đặc biệt này đã được mở cửa cho du khách vào tham quan kể từ năm 2015.
Tháp Sứ ở Nam Kinh đã trở thành một điểm đến ấn tượng của du khách trong hành trình tìm hiểu và khám phá văn hóa, con người ở thành phố này.
Tham khảo nguồn: Ancientorigins, Thevintagenews, CNN