Có một câu nói vui trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh rằng: "Giữa các cường quốc chỉ có một điểm chung duy nhất đó là họ không có điểm chung nào."
Quả thực, cuộc chiến "lạnh" giữa Mỹ và Liên Xô là cuộc đua không ngừng nghỉ về vũ khí, quân sự, vũ trụ và nó xảy ra trên mọi mặt trận từ trên cạn đến trên biển và không trung...
Khi một cường quốc này phóng thành công vệ tinh lên không trung thì cường quốc kia lại hạ thủy tàu ngầm nguyên tử với độ lặn sâu kỷ lục.
Chiến tranh Lạnh là cuộc đua không ngừng nghỉ về vũ khí, công nghệ, vũ trụ giữa Mỹ và Liên Xô.
Trong suốt 44 năm xảy ra Chiến tranh Lạnh, bên cạnh những cuộc đua không ngừng nghỉ đó, có rất nhiều hồ sơ bí mật xoay quanh cuộc chiến giữa "kẻ tám lạng, người nửa cân" này:
Những vụ thử nghiệm vũ khí tối mật, những vụ tai nạn bị giấu nhẹm hàng chục năm, những thí nghiệm chết người... mà phải đến khi Liên Xô tan rã, Chiến tranh Lạnh kết thúc, người ta mới có cơ hội tìm hiểu chúng.
Cuộc đua không mệt mỏi giữa "kẻ tám lạng, người nửa cân"
Quay trở lại thời điểm cách đây 62 năm, vào năn 1954, thời điểm Mỹ chế tạo thành công tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử đầu tiên trên thế giới - tàu ngầm USS Nautilus (SSN 571).
Tàu ngầm USS Nautilus (SSN 571) của Mỹ.
Ngoài việc chạy bằng năng lượng nguyên tử đầu tiên trên thế giới khiến nhiều quốc gia, đặc biệt là Liên Xô vừa lo ngại vừa "thèm khát", thì USS Nautilus còn có khả năng ở dưới nước tới 4 tháng mà không cần phải nổi lên mặt nước, và trở thành tàu ngầm hạt nhân đầu tiên xuyên qua Bắc Cực.
Sau 6 năm sau, Mỹ tiếp tục chế tạo thành công tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đạn đạo chiến lược đầu tiên trên thế giới, tàu ngầm USS George Washington (SSBN 598) với 16 quả tên lửa Polaris A-1.
Bằng loạt tàu ngầm đầu tiên mang kỷ lục thế giới, Mỹ dường như ở thế thượng phong so với đối thủ là Liên Xô.
Đặc biệt, với việc nước này điều tàu ngầm hạt nhân đến án ngữ vùng biển giữa Moscow và Leningrad (của Liên Xô) thì Liên Xô đã trở nên sốt sắng và lo lắng hơn bao giờ hết.
Trong suốt thập niên 1950, Liên Xô đã phá bỏ cái gọi là "không có điểm chung nào với các cường quốc khác" để theo Mỹ chế tạo tàu ngầm nguyên tử.
Vượt qua hàng loạt khó khăn và chướng ngại như rò rỉ phóng xạ, tàu ngầm nguyên tử đầu tiên của Liên Xô mang tên K-3 "Leninsky Komsomol" cuối cùng cũng hạ thủy vào năm 1958.
Một năm sau, năm 1959, tàu ngầm K-19 thuộc dự án 658 (lớp Hotel) đã đuổi kịp Mỹ, trở thành thế hệ tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đạn đạo đầu tiên của Liên Xô.
Tàu ngầm K-19 của Liên Xô.
Hai năm sau đó, năm 1961, nó lên đường làm nhiệm vụ tuần tra và tập trận tại vùng biển Bắc Đại Tây Dương, cũng như án ngữ tại vùng biển giữa thủ đô Washington D.C và thành phố New York (của Mỹ).
Bí mật chưa từng kể về "tàu ngầm ma" K-19
Sự ra đời của tàu ngầm K-19 của Hải quân Liên Xô mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc đua quân sự, công nghệ với Mỹ thời Chiến tranh Lạnh.
Mặc dù đi sau Mỹ nhưng K-19 khiến cho Liên Xô yên tâm án ngữ tại vùng biển quan trọng của Mỹ, đáp trả lại hành động Mỹ mang tàu ngầm đến cùng biển Moscow và Leningrad hồi năm 1961.
Có thể nói, tàu ngầm K-19 là sự nỗ lực, là niềm tự hào của hải quân Liên Xô. Thế nhưng, kể từ khi xây dựng đến khi ngừng hoạt động trong 32 năm (1958 - 1990), K-19 đã xảy ra rất nhiều sự cố bất thường, khiến người ta nghĩ rằng nó bị... dính "lời nguyền", "ma ám".
Những điềm xui bám riết tàu ngầm K-19 khiến hơn 42 người thiệt mạng trong suốt 32 năm...
... đã khiến người ta gọi là "tàu ngầm ma ám". Hình minh họa.
Dưới đây là những mốc sự cố bất thường mà "tàu ngầm ma ám" K-19 trải qua:
Một năm sau ngày Hải quân Liên Xô đề xuất chế tạo K-19, vào năm 1958, 8 công nhân đã thiệt mạng khi K-19 gặp hỏa hoạn (trong đó có 2 nam công nhân chết cháy, 6 phụ nữ chết ngạt khi dán lớp cách nhiệt).
Năm 1959, K-19 lại tiếp tục xảy ra hỏa hoạn, khiến 3 người thiệt mạng khi đang thi công. Vụ việc xảy ra vài tháng trước khi con tàu được hạ thủy và "rửa tội".
Vào ngày "rửa tội" con tàu, một thuyền trưởng cấp 3 của Hải quân Liên Xô đã ném không vỡ chai sâm-panh vào thành thân tàu. Đây được xem là "điểm gở" khiến nhiều người chứng kiến lễ hạ thủy lo lắng.
Đến năm 1960, K-19 tiếp tục gặp hàng loạt các sự cố khác khiến người ta phải sửa lại lò phản ứng hạt nhân, sơn lại toàn bộ phần tàu bên ngoài, hỏng hệ thống làm mát lò phản ứng và nắp đậy ống phóng bị bật lên khi lắp tên lửa. Sự cố này khiến 1 thủy thủ thiệt mạng.
Dường như, vận đen vận không ngừng buông bỏ tàu ngầm K-19. Sự cố hỏng hệ thống làm mát khi toàn đội thủy thủ hơn 100 người đang điều khiển con tàu trở về căn cứ sau khi tập trận tại biển Bắc Đại Tây Dương năm 1961, đã khiến 30 người thiệt mạng.
Vụ việc nghiêm trọng và ảnh hưởng tới uy tín của Liên Xô tới mức, chính phủ đã giấu nhẹm sự việc trong 30 năm dài. Chỉ khi, Liên Xô tan rã, người ta mới biết đến sự cố này.
Tàu USS Gato của Mỹ.
Các năm về sau, năm 1969, năm 1972, 1982 tàu ngầm K-19 tiếp tục gặp các sự cố như va chạm với tàu ngầm USS Gato của Mỹ tại biển Barents (một phần của Bắc Băng Dương) gây hư hại toàn bộ hệ thống sonar và ống phóng ngư lôi trước; hỏa hoạn vào năm 1972 khi đang ở độ sâu 120 mét; và chập điện năm 1982 khiến 1 thủy thủ thiệt mạng.
Năm 1990, sau 31 năm ngày hạ thủy, tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đạn đạo đầu tiên của Liên Xô chính thức ngừng hoạt động.
Sau 32 năm kể từ ngày chế tạo, hạ thủy và hoạt động, những tai nạn trên tàu K-19 đã khiến 42 người thiệt mạng. Những điềm xui bám riết con tàu làm nhiều công nhân và thủy thủ thiệt mạng đã khiến người ta tưởng nó bị ám lời nguyền và gọi nó với cái tên "tàu ngầm ma ám".