Bí ẩn sư đoàn xe tăng Triều Tiên từng đánh tan tác Mỹ trong quá khứ

Quốc Vinh |

Sư đoàn Tăng Thiết giáp 105 của Triều Tiên từng được biết đến với chiến dịch tấn công thọc sâu vào lãnh thổ Hàn Quốc, đánh quân Mỹ và đồng minh một phen thất kinh.

Trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào có khả năng xảy ra trên bán đảo Triều Tiên, lực lượng Mỹ và Hàn Quốc sẽ đối mặt với một đối thủ quen thuộc: Sư đoàn Tăng Thiết giáp 105 của Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA).

Được trang bị xe tăng và xe bọc thép hiện đại nhất Triều Tiên, Sư đoàn 105 từng thể hiện sức mạnh đáng nể trong Chiến tranh Triều Tiên, khi từng thọc sâu vào lãnh thổ Hàn Quốc và khiến lực lượng Mỹ một phen lao đao.

Sau Thế chiến II, bán đảo Triều Tiên bị chia cắt ở vĩ tuyến 38, với lực lượng Liên Xô hậu thuẫn Triều Tiên ở phía Bắc và Mỹ cùng đồng minh phương Tây hậu thuẫn cho Hàn Quốc ở phía Nam.

Khi đó Liên Xô đã bắt đầu đào tạo và trang bị vũ khí cho Quân đội Nhân dân Triều Tiên. Đội quân này nhanh chóng phát triển với quy mô 10 sư đoàn và đáng chú ý nhất là Sư đoàn Tăng Thiết giáp 105.

Tiền thân của Sư đoàn Tăng Thiết giáp 105 là Trung Đoàn Xe tăng 15, một đơn vị xe tăng được thành lập vào năm 1948 và được chỉ huy bởi Đại tá Yu Kyong Su - cựu Trung úy Hồng quân - anh rể của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành.

Nhiều binh lính trong Trung Đoàn 15 là những cựu chiến binh từng phục vụ trong quân đội Liên Xô và Trung Quốc. Lực lượng này sớm phát triển từ quy mô nhỏ với hai xe tăng T-34 trở thành Lữ đoàn Tăng Thiết giáp 105 với 120 xe tăng T-34.

Lữ đoàn được trang bị xe tăng T-34/85 và được xác định ngay từ đầu như một mũi nhọn của quân đội Triều Tiên cho mục đích thống nhất bán đảo bằng vũ lực.

Xe tăng T-34/85 với pháo phòng không ZIS /S-53 85mm từng là trụ cột của Hồng quân khi tràn vào Berlin chỉ 5 năm trước đó. T-34/85 có giáp mỏng hơn mẫu xe tăng M26 Pershing của Mỹ nhưng đủ hỏa lực xuyên giáp chiếc Pershing.

Lữ đoàn Tăng Thiết giáp 105 bao gồm ba tiểu đoàn xe tăng 107, 109 và 203. Mỗi tiểu đoàn biên chế 40 xe tăng. Một tiểu đoàn khác số hiệu 308, được trang bị 16 khẩu pháo tự hành SU-76 và được hỗ trợ bởi Trung đoàn Bộ binh Cơ giới 206.

Bí ẩn sư đoàn xe tăng Triều Tiên từng đánh tan tác Mỹ trong quá khứ - Ảnh 1.

Xe tăng Triều Tiên trong cuộc diễu binh quân sự.

Vào tháng 6/1950, lực lượng KPA tràn xuống phía Nam, thọc sâu vào lãnh thổ Hàn Quốc. Đối thủ của Lữ đoàn Tăng Thiết giáp 105 khi đó là một lực lượng Hàn Quốc "yếu ớt" chỉ được đào tạo và trang bị khiêm tốn và gần như không thể sẵn sàng chiến đấu. Quân đội Seoul chủ yếu là lực lượng bộ binh, không có một đơn vị tăng thiết giáp nào đối chọi.

Tất cả những gì Hàn Quốc và Mỹ có trong tay là 39 chiếc xe bọc thép M8 Greyhound lỗi thời và 140 súng chống tăng vô cùng cũ kỹ. Ngoài ra, 1.222 khẩu bazooka trang bị cho lực lượng bộ binh cũng chỉ là đồ cổ từ thời Thế chiến II.

Lữ đoàn 105 không chiến đấu tập trung mà chia ra thành các trung đoàn hỗ trợ cho bộ binh. Ba trung đoàn tham gia vào các cuộc tấn công này đã đánh tan Sư đoàn Bộ binh số 1 và số 7 của Hàn Quốc. Xe tăng Triều Tiên dính đạn nhưng chỉ bị hỏng hóc không đáng kể.

Đội xe tăng của Triều Tiên tràn qua Seoul, chiếm nơi này vào ngày thứ tư của cuộc chiến. Tuy nhiên do thiếu hỗ trợ kỹ thuật, đội tăng Triều Tiên không tiếp tục chiến dịch được lâu mà phải tạm rút để chờ đợi.

Ngay sau đó, lữ đoàn được nâng lên thành sư đoàn và đổi tên thành Sư đoàn Tăng Thiết giáp 105.

Sư đoàn 105 gặp phải lực lượng chiến đấu đầu tiên của Mỹ. Đặc nhiệm Smith, không vận từ Nhật Bản nhưng trang bị vũ khí sơ sài. Trong cuộc đối đầu với 33 xe tăng thuộc Sư đoàn 105, lính Mỹ thảm bại nặng nề, chỉ vô hiệu hóa hoàn toàn được 2 xe tăng Triều Tiên, trong khi tổn thất lên tới 150 người chết và bị thương.

Phải mất vài tháng sau đó, khi Mỹ và đồng minh bổ sung nhân lực đến Hàn Quốc, sư đoàn tăng của Triều Tiên mới bắt đầu hụt hơi. Mặc dù Sư đoàn 105 chịu nhiều tổn thất trong các cuộc giao tranh sau đó nhưng đổi lại Hàn Quốc cũng nếm trải nhiều thiệt hại đáng kể.

Trong trận chiến cuối cùng, Triều Tiên mất 239 xe tăng, trong khi phía Mỹ mất 60 chiếc. Sư đoàn thiết giáp Triều Tiên bị tê liệt gần như hoàn toàn. Đơn vị này được tái cơ cấu vào năm 1951 nhưng không tham gia chiến đấu cho đến khi hòa bình lập lại trên bán đảo Triều Tiên.

Vào đầu những năm 1960, Sư đoàn 105 được khôi phục lại và được biết đến là đơn vị cơ giới hiện đại và mạnh nhất của Triều Tiên ngày nay. Sư đoàn được cấu thành từ hai lữ đoàn xe tăng và một lữ đoàn bộ binh cơ giới. Xe tăng chủ lực là "Pokpung-ho".

Theo chuyên gia phân tích quốc phòng Kyle Mizokami của tờ National Interest, Sư đoàn Tăng Thiết giáp 105 của Triều Tiên vẫn luôn được coi là một trong những đơn vị xe tăng chất lượng nhất ở châu Á, với một lịch sử hiển hách đủ để ứng phó trước bất kỳ cuộc chiến nào trong tương lai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại