Bí ẩn số phận ngọc tỷ truyền quốc của Tần Thủy Hoàng: Cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ

Nguyễn Hằng |

Một trong những con dấu nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Trung Hoa chính là ngọc tỷ truyền quốc của Tần Thủy Hoàng.

Báu vật mà rất nhiều vua chúa trong lịch sử Trung Quốc muốn chiếm được, thực chất là một con dấu hay ấn chương được tạo nên từ viên ngọc quý Hòa thị bích (hay còn gọi là Ngọc bích họ Hòa) có vẻ ngoài hoàn hảo.

Bí ẩn Hòa thị bích và nỗi oan của Biện Hòa

Sử cũ kể lại rằng vào thời Xuân Thu, một người đàn ông nước Sở tên là Biện Hòa đã tình cờ nhặt được một viên đá ngọc ở trên núi. Biết đây là vật báu hiếm thấy trên đời nên Biện Hòa đã dâng tặng cho Sở Lệ Vương (trị vì 757-741 TCN).

Không biết là vật gì nên Sở Lệ Vương liền mời chuyên gia về ngọc tới để phân biệt. Tuy nhiên, đáng tiếc do viên đá ngọc này là loại quý hiếm không lộ nên người này chỉ cho rằng là đá thường mà không nhận ra đặc điểm của báu vật.

Bí ẩn số phận ngọc tỷ truyền quốc của Tần Thủy Hoàng: Cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ - Ảnh 1.

Tranh vẽ 3 lần dâng ngọc quý của Biện Hòa. Ảnh: Pinterest

Kết cục bi đát là Biện Hòa mắc tội khi quân và bị nhà vua ra lệnh chặt đứt chân trái. Sau đó, Sở Võ Vương lên ngôi và Biện Hòa lúc này lại tiếp tục dâng tặng đá ngọc quý lên, nhưng nhà vua trẻ cũng cho rằng đó thực chất chỉ là một hòn đá và thế là thêm một lần nữa người đàn ông bị hàm oan và mất tiếp cái chân phải.

Thời gian cứ thể trôi đi cho đến khi Sở Văn Vương lên ngôi, Biện Hòa bấy giờ đã tuổi già sức yếu lại còn bị tàn phế vì mất hai chân, ông ngồi ôm hòn đá quý ngồi dưới chân ngọn Sở Sơn mà gào khóc vô cùng thảm thiết, đến nỗi sau ba ngày ba đêm chảy cả máu mắt ra.

Nghe tin lạ này, Văn Vương đã phái người tới để hỏi nguyên nhân, Biện Hòa thưa rằng: "Tôi khóc không phải là thương cho hai chân tôi bị chặt, chỉ thương là ngọc thật mà cho là đá thường và bị xem là kẻ nói đối. Đó là lý do tại sao tôi lại than thở".

Nhà vua nghe xong liền cho ngọc công kiểm tra lại thật kỹ thì quả nhiên đây là viên ngọc bích tinh khiết hoàn hảo, xác thực lời của Biện Hòa là thật. Kể từ đó, viên ngọc quý có tên gọi là Hòa thị bích (hay Ngọc bích họ Hòa) và được coi là quốc bảo của nước Sở.

Câu chuyện về nguồn gốc của Hòa thị bích có lẽ còn được pha trộn giữa sự thật và truyền thuyết. Quốc bảo này bắt đầu "lưu lạc" khi Sở Thành Vương quyết định ban thưởng cho quan Lệnh doãn Chiêu Dương, người lập công to với nước Sở. Tuy nhiên, không may sau đó Chiêu Dương đã làm mất Hòa thị bích và không tìm ra thủ phạm.

Sức hấp dẫn của Ngọc bích họ Hòa, khiến quân vương đánh đổi tới 15 tòa thành

Vào năm 283 TCN, không rõ tại sao viên ngọc quý hiếm này lại tái xuất và trở thành quốc bảo của nước Triệu dưới giai đoạn trị vì của Triệu Huệ Văn Vương. Sau đó, câu chuyện về ngọc quý xuất hiện ở nước Triệu truyền đến tai của Tần Chiêu Tương Vương (cụ nội của Tần Thủy Hoàng).

Bí ẩn số phận ngọc tỷ truyền quốc của Tần Thủy Hoàng: Cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ - Ảnh 2.

Sức hấp dẫn của Ngọc bích họ Hòa khiến Tần Chiêu Tương Vương quyết định dùng 15 tòa thành để đánh đổi.

Tần Vương lúc đó là viết thư cho Triệu vương và đề nghị dùng tới 15 tòa thành để đổi lấy Hòa thị bích. Kết quả là Triệu vương đồng ý và Lan Tương Như được cử đi sứ sang nước Tần để đổi ngọc lấy thành.

Tuy nhiên, sau khi biết được Tần vương có ý định cướp ngọc mà không muốn đổi thành, Lan Tương Như đã dùng kế dọa đập vỡ Hòa thị bích, nhờ vậy mới đưa được báu vật trở về nước Triệu.

Mãi tới năm 228 TCN, khi nước Tần đánh bại nước Triệu thì mới có được Hòa thị bích. Sau khi đánh bại 6 nước chư hầu, hoàn thành đại nghiệp thống nhất Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh cho đẽo viên ngọc quý này thành ngọc tỷ truyền quốc vào năm 221 TCN.

Sử ký ghi chép rằng trên ngọc tỷ có khắc 8 chữ Triện "Thụ mạng ư thiên, ký thọ vĩnh xương" (nghĩa là "Nhận lệnh trời ban, tồn tại mãi mãi") do chính thừa tướng Lý Tư viết dựa theo ý chỉ của hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa.

Bí ẩn số phận ngọc tỷ truyền quốc của Tần Thủy Hoàng: Cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ - Ảnh 3.

Ngọc tỷ truyền quốc xuất hiện thời nhà Thanh.

Kể từ đó, Hòa thị bích trở thành Ngọc tỷ truyền quốc của nhà Tần, mang ý nghĩa tượng trưng cho vương triều chính thống, ngôi vị và quyền lực tối thượng của hoàng đế.

Dòng chữ trên ngọc tỷ Hòa thị bích thể hiện mong muốn bảo vật này có thể được truyền lại từ đời này sang đời khác, nhưng thật không ngờ, nhà Tần chỉ tồn tại ngắn ngủi và đến đời Tần Nhị Thế thì sụp đổ.

Sau khi Lưu Bang vào tới Hàm Dương, Tần Tử Anh - vị hoàng đế cuối cùng của nhà Tần, đã giao lại ngọc bích họ Hòa cho vị hoàng đế sáng lập ra nhà Hán. Viên ngọc quý lại trở thành ngọc tỷ truyền quốc của triều đại này.

Kể từ năm 221 TCN trở đi, Ngọc tỷ quyền lực của vị hoàng đế nổi tiếng Tần Thủy Hoàng được lưu truyền cho các vị đế vương đời sau, nhưng sau đó đột nhiên biến mất một cách đầy bí ẩn vào thời Ngũ Đại (khoảng giữa năm 907-960).

Số phận của viên ngọc quý mang nỗi hàm oan của Biện Hòa trở thành ngọc tỷ của nhiều triều đại, qua tay nhiều chủ và từ thời Tống Thái Tổ về sau, người ta không tìm thấy nó nữa. Dù vậy, có không ít lời đồn và ghi chép về ngọc tỷ truyền quốc của Tần Thủy Hoàng xuất hiện trong các thư tịch.

Cụ thể, vào thời nhà Minh, nhà Thanh, người ta cũng từng phát hiện ra ngọc bích họ Hòa nhưng đa số đều cho đó là đồ giả. Từ đó đến nay, tung tích của ngọc tỷ truyền quốc "hàng thật" vẫn còn là bí ẩn chưa có lời giải.

Tham khảo ảnh/nguồn: Ancientorigins, People’s Daily Online

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại