Nhắc đến Paris, ai cũng sẽ nghĩ đến tháp Eiffel, nhà thờ Đức Bà (hiện đang phục dựng sau vụ cháy hồi tháng 4/2019)... đến những câu chuyện lãng mạn của thành phố được mệnh danh là "kinh đô ánh sáng".
Nhưng bên dưới lòng thành phố tuyệt vời này lại đang ẩn chứa một sự thật rợn người. Sâu xuống lòng đất Paris khoảng 60m tồn tại một đường hầm dài đến 300km. Và căn hầm ấy hiện đang chứa khoảng... 6 triệu bộ xương người.
Sự ra đời của một hầm mộ ngầm
Thời kỳ công nghiệp chớm bùng nổ, Paris cũng giống như bao thành phố khác, cũng phải giải quyết rất nhiều vấn đề. Dân số tăng lên trong khi y học và cơ sở vật chất chưa thể đáp ứng đã khiến bệnh dịch dễ bùng phát, và số người chết cũng ngày càng tăng.
Hệ quả là đến cuối thế kỷ 18, nghĩa trang thành phố dần trở nên quá tải. Mùi hôi thối nồng nặc bốc ra từ Les Innocents - một trong những nghĩa trang lớn nhất vào giai đoạn 1700, bởi đã có quá nhiều thi thể được chôn cất ở đây.
Mùi hương ấy kinh khủng đến mức không người dân nào dám bén mảng lại gần khu vực này, còn giới kinh doanh xung quanh thì chứng kiến doanh thu sụt giảm thảm hại.
Đến tháng 5/1780, thành phố chính thức rơi vào tình trạng khủng hoảng nghĩa trang. Tại Les Innocents, những bia mộ vỡ vụn do phải nhồi nhét quá nhiều thi thể, rồi mưa xuống cuốn theo những cái xác chưa kịp phân hủy vào dòng nước, chảy xuống khu dân cư và gây ra những cảnh tượng thực sự kinh dị.
Trong vòng vài tháng, nhà chức trách Paris ra lệnh đóng cửa Les Innocents và tất cả các nghĩa trang khác, nghĩa là lúc này sẽ không có bất kỳ thi thể nào được chôn trong thành phố nữa.
Và dưới áp lực liên quan đến sức khỏe cộng đồng, họ phải tìm cách di dời số hài cốt đang có đến một địa điểm khác.
Nghe tưởng như rất khó, nhưng thật may là họ đã có cách giải quyết. Nếu bạn đã từng đọc những tác phẩm của Victor Hugo, chắc hẳn bạn sẽ biết thủ đô Paris có một mê cung của những đường hầm và cống ngầm dài hàng trăm cây số chạy chằng chịt như mạng nhện.
Những căn hầm này vốn để phục vụ khai thác mỏ, nhưng giờ sẽ là nơi tuyệt vời để trở thành một nghĩa trang thực sự. Họ gọi đó là Catacombes de Paris (Hầm mộ Paris) còn có tên gọi khác là Ossuaire municipal - Nghĩa trang thành phố.
Trong giai đoạn 1787 - 1814, những bộ hài cốt được chuyển dần vào hầm mỏ. Cổng vào được xây dựng ngay phía ngoài thành phố, với cái tên Barrière d'Enfer - nghĩa là cổng địa ngục.
Mà quả thật ở thời điểm ấy đó cũng là cái tên hết sức phù hợp, bởi xương người chết ban đầu được chất đống ngổn ngang trong đó. Mãi sau này, họ mới xếp gọn lại, như những gì chúng ta thấy ngày nay.
Tổng cộng có khoảng 6 triệu bộ hài cốt trong khu mộ này, trong đó có rất nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Pháp như Georges Danton, Maximilien de Robespierre, thậm chí cả Charles Perraut - cha đẻ của những câu chuyện cổ tích như "Cô bé quàng khăn đỏ", "Lọ Lem (Cinderella)" hay "Công chúa ngủ trong rừng".
Căn hầm dài 300km, nhưng ngày nay du khách chỉ được tham quan khoảng 1,9km thôi, còn các khu vực sâu hơn đã bị cấm tiếp cận kể từ năm 1955.
Nguyên do là bởi hệ thống hầm này thực sự chằng chịt giống như mê cung, cực kỳ dễ bị lạc. Như năm 2017, 3 thiếu niên đã bị lạc trong suốt 3 ngày trời vì trót đưa chân đi chơi hơi xa.
Nghĩ đến việc phải ở 3 ngày trong một căn hầm có đến 6 triệu bộ xương giăng xung quanh, có lẽ không nhiều người mong muốn tình huống ấy xảy ra với mình.
Tham khảo: IFL Science