Nhiễm bệnh ở trẻ em
Trong số gần 45.000 ca xác nhận dương tính với virus ở Trung Quốc tính tới ngày 11/2, chỉ có 1 trường hợp bệnh nhân dưới 20 tuổi tử vong. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Trung Quốc (CDC), không có ca tử vong nào đối với trẻ em dưới 10 tuổi.
Tiến sĩ Arthur Reingold, một chuyên gia dịch tễ học tại Đại học California ở Berkeley, nói các dữ liệu cho thấy trẻ em có mang virus corona nhưng không có những triệu chứng nghiêm trọng.
"Các bằng chứng cho tới nay cho thấy rằng nhiều trẻ em, ít nhất tại Trung Quốc, đã nhiễm bệnh nhưng lại có triệu chứng rất nhẹ hoặc thậm chí không có triệu chứng bệnh," ông Reingold trả lời CNN.
Tại Mỹ, nhiều trẻ em cũng đã nhiễm bệnh. Một học sinh trung học ở Washington, một thiếu niên ở Georgia, một học sinh tiểu học tại California và một em bé 3 tuổi ở Texas đã đều dương tính với căn bệnh.
Tuy nhiên, ông Reingold cho biết: "Trẻ em không có các triệu chứng nặng khi nhiễm virus corona. Kể cả khi có triệu chứng, chúng cũng không nghiêm trọng. Vậy nên, rất may mắn khi tỉ lệ trẻ em nguy kịch và tử vong ở mức rất thấp".
Trẻ em có thể lây virus sang người khác hay không?
Dù trẻ em không có triệu chứng nặng, nhưng điều đó không có nghĩa rằng các bệnh nhân nhỏ tuổi không lây nhiễm virus sang người khác. Ông Reingold nói có khả năng các số liệu thống kê chưa ghi nhận đầy đủ số lượng trẻ em nhiễm bệnh, một phần bởi vì các bệnh nhân này có ít triệu chứng, tuy nhiên vẫn cần phải lưu ý về việc lây virus corona từ trẻ em.
"Trẻ em là đối tượng có nhiều khả năng gây lây lan virus gây bệnh về đường hô hấp, ví dụ như bệnh cúm. Tất nhiên, trong trường hợp virus corona, mọi chuyện có thể khác. Nhưng chúng tôi không loại trừ khả năng trẻ em khiến dịch COVID-19 lan rộng".
Vì lí do này, các phụ huynh cần giám sát và khuyến khích trẻ nhỏ thực hiện các khuyến cáo của CDC, bao gồm rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc dung dịch rửa tay sát khuẩn. Ngoài ra, cần phải che miệng khi ho và tiêm vaccine đúng hạn.
Việc đóng cửa trường học cũng là một hình thức giúp kiểm soát và khoanh vùng dịch bệnh.
Ông Reingold giải thích rằng trong đợt bùng phát dịch H1N1 hồi năm 2009, việc đóng cửa sớm các trường học đã giúp trì hoãn đỉnh dịch trong vài tuần. Ông cũng cho rằng nếu đóng cửa trường học muộn hơn, thì việc đóng cửa sẽ không mang lại hiệu quả rõ rệt.
Đây là thách thức đối với các bậc cha mẹ bởi vì việc đóng cửa trường học sẽ đồng nghĩa với việc nhiều người sẽ phải nghỉ ở nhà để chăm sóc con cái.
Tại sao trẻ em không có triệu chứng nặng?
Theo tiến sĩ Reingold, đây vẫn là một bí ẩn lớn: "Nếu trẻ em nhiễm bệnh và không có triệu chứng nặng, thì lời giải khả thi nhất có lẽ nằm ở hệ miễn dịch".
Báo cáo của Sứ mệnh Chung Trung Quốc-WHO về virus corona mới đây cho biết: "Nếu không có kết quả xét nghiệm máu, việc xác định mức độ nhiễm bệnh ở trẻ em, vai trò của trẻ em trong lây lan dịch bệnh, liệu trẻ em có ít khả năng bị nhiễm bệnh hơn hay có các biểu hiện khác biệt là điều bất khả thi".
"Chúng ta đã thấy tỉ lệ tử vong thấp ở trẻ em. Đây là điều quan trọng và có thể cần tới nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn," Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, người đứng đầu chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO, cho hay.
Nghiên cứu về trẻ em với các triệu chứng nhẹ sẽ giúp các nhà khoa học hiểu tại sao những bệnh nhân thuộc độ tuổi khác lại có triệu chứng nặng như vậy. Điểm mấu chốt sẽ tập trung vào sự khác biệt trong hệ miễn dịch của trẻ em và các bệnh lý nền ở người lớn.
Một số chuyên gia cho rằng trẻ em thường không có bệnh phổi, bệnh tim hoặc có chứng bệnh khác nên virus corona khó có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Reingold nói: "Tôi nghĩ vấn đề có thể nằm ở chỗ hệ miễn dịch của trẻ em vẫn đang phát triển và vì vậy, trẻ em có phản ứng miễn dịch khác với người trường thành".