Cái chết của "quái vật đại dương" Megalodon: Bí ẩn còn thách thức giới khoa học

Trang Ly |

Thách thức lớn nhất của nhà khoa học liên quan đến siêu cá mập Megalodon là giải mã tại sao sinh vật nặng trăm tấn này tuyệt chủng.

Siêu cá mập Megalodon, loài cá mập lớn nhất trong lịch sử Trái Đất, từng thống trị đại dương trong suốt 21 triệu năm, về sau đã biến mất một cách bí ẩn.

Nguyên nhân khiến loài cá mập dài hơn 18m, sở hữu khối cơ thể gấp 3 lần cá mập trắng ngày nay bị chết hàng loạt dẫn đến tuyệt chủng cách đây 2,5 triệu năm vẫn luôn là bài toán khiến các nhà sinh vật học không ngừng tìm kiếm.

Theo nhận định mới đây nhất của một nhóm các nhà khoa học thuộc trường Đại học California, Merced (Mỹ), nguyên nhân dẫn đến sự biến mất hoàn toàn của siêu cá mập Megalodon sắp sáng tỏ.

"Có rất nhiều giả thiết giải thích vì sao Megalodon tuyệt chủng. Giới khoa học đều công nhận rằng sự biến mất đột ngột con mồi ưa thích của Megalodon do biến đổi khí hậu đã làm xáo trộn nguồn cung ứng thức ăn dồi dào cho loài này hàng ngày. Tuy nhiên, đó mới chỉ là giả thuyết, chưa có bằng chứng xác thực. ", Giáo sư ngành cổ sinh vật học Sora Kim, dẫn đầu nhóm nghiên cứu, cho biết.

Vậy, đâu mới là "kim chỉ nam" cho câu hỏi lớn nhất liên quan đến sinh vật khổng lồ này?

Qua việc được Tổ chức Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) đầu tư 204.000 USD cho dự án nghiên cứu khoa học trong 3 năm, Giáo sư Sora Kim hy vọng nhóm của bà sẽ nắm được các thông tin liên quan đến tập tính cũng như chuỗi thức ăn của Megalodon.

Bước đầu nghiên cứu, Giáo sư Sora Kim cho biết, bộ hàm của Megalodon là "chìa khóa" để nhóm của bà truy tìm nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của siêu cá mập.

Cái chết của quái vật đại dương Megalodon: Bí ẩn còn thách thức giới khoa học  - Ảnh 1.

Bộ hàm khổng lồ của Megalodon so với cơ thể người và bộ hàm của cá mập trắng (nhỏ hơn). Ảnh: Internet

Bằng cách phân tích đồng vị canxi, stronti và các nguyên tố vi lượng khác được tìm thấy trong răng hóa thạch của Megalodon, nhóm của Giáo sư Sora Kim sẽ sớm trả lời được các câu hỏi như: Megalodon đã ăn gì? Chúng có thể điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của chính mình không? Môi trường của chúng như thế nào? Và tại sao chúng tuyệt chủng?

Nữ giáo sư kết luận: "Việc lấy đồng vị sẽ cung cấp nhiều câu trả lời dứt khoát hơn cho những câu hỏi này. Bí ẩn về sự tuyệt chủng của sinh vật khổng lồ sẽ được gợi mở từ từ trên cơ sở khoa học tin cậy, chắc chắn."

Nhóm nghiên cứu hy vọng rằng con đường nghiên cứu mới này có thể giải mã được bí ẩn lớn nhất của sinh vật khổng lồ, dữ tợn, từng "làm vương" dưới đáy biển.

Megalodon (gọi tắt là Meg) là loài cá mập lớn nhất từng tồn tại trên Trái Đất. Chúng nặng khoảng 100 tấn và dài gần 20m.

Với bộ hàm khổng lồ có răng dài khoảng 20cm, và lực cắn khủng khiếp lên đến 10,8 đến 18,2 tấn, siêu cá mập Meg được giới cổ sinh vật học xếp hạng là một trong những kẻ săn mồi lớn nhất và mạnh nhất trong lịch sử Trái Đất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại