Xếp thứ 3 trong danh sách "Top 10 loài rắn nguy hiểm nhất Australia" do Australiangeographic liệt kê, loài rắn hổ (Tiger snake) sở hữu chất độc thần kinh cực mạnh, có thể khiến nạn nhân đau đớn nhanh chóng, khó thở, tê liệt và tử vong nếu không được can thiệp y tế kịp thời.
Nguy hiểm cùng vẻ ngoài sặc sỡ như vằn da hổ là thế, vậy mà trên một hòn đảo Nam Australia, hàng trăm con rắn hổ mắc chung một hiện tượng: Mù mắt và đầu bị tổn thương.
Đây là đặc trưng của cư dân dài từ 1 đến 2 mét trên hòn đảo hoang? Hay chúng mắc phải hội chứng kỳ lạ gì?
Con mắt bị mù vĩnh viễn của rắn hổ. Ảnh: BBC
Cùng theo chân Sir David Attenborough, nhà tự nhiên học người Anh, tác giả của series phim tài liệu "Life in cold Blood" phát trên BBC, để tìm câu trả lời.
Chuyện là, rắn hổ không phải là "vương" của hòn đảo miền Nam Australia này, cùng sinh sống với nó là bầy mòng biển bạc.
Hai loài thiên địch này chẳng kẻ nào chịu nhịn kẻ nào. Nếu loài rắn hổ chứa nọc độc luôn nhăm nhe giết thịt loài chim trắng này thì mòng biển bạc cũng không phải dạng vừa.
Lợi thế của nó là đôi chân cao, đôi cánh cùng cái mỏ mạnh mẽ. Khi bắt gặp rắn hổ tiếp cận mình, chúng lại dùng mỏ "giã" hàng chục phát vào đầu con rắn hổ.
Đó là lý do, nhà làm phim Sir David Attenborough lý giải cho việc khi ông và đoàn phim đặt chân lên hòn đảo thì nhận thấy rắn hổ nơi đây phần lớn đều bị mù vĩnh viễn và tổn thương ở đầu.
Rắn hổ cực độc vẫn sống sót ngay cả khi bị mù - vì sao vậy?
Trong cái khó lại ló cái khôn. Đối với loài rắn, thị lực không phải là tất cả. Chúng vẫn có thể "ngửi" thấy đường và con mồi nhờ cái lưỡi cực nhạy đặc trưng của loài bò sát máu lạnh này.
Đúng là "oan gia ngõ hẹp" khi rắn hổ bị mòng biển bạc mẹ/bố khiến cho mù mắt và tổn thương đầu thì đổi lại, sinh vật sở hữu nọc độc đến con người cũng khiếp sợ này lại... ăn thịt con mòng biển bạc non.
Rắn hổ chuyên săn và giết con non. Ảnh minh họa: BBC
Lợi dụng các con chim mẹ/bố đi kiếm mồi, rắn hổ trườn vào tổ chim non rồi nhanh chóng hoàn thành bữa ăn dễ dàng của mình.
Đó là lý do, rắn hổ ở hòn đảo Nam Australia vẫn sống tốt ngay cả khi chúng bị mù.
Trích đoạn video của Sir David Attenborough trong series phim tài liệu "Life in cold Blood" về rắn hổ:
Giải mã nguyên nhân Rắn hổ bị mù trên hòn đảo Nam Úc. Video: BBC
Đôi nét về rắn hổ - Một trong 10 loài rắn độc nhất Australia (Úc)
Australiangeographic cho biết, Rắn hổ (tên khoa học là Notechis scutatus) là loài rắn bản địa của Úc. Loài này phân bố chủ yếu ở bờ biển đông nam Úc, từ New South Wales và Victoria đến Tasmania, và ở vùng Nam Úc xa xôi.
Rắn hổ: Loài rắn độc thứ 3 của Úc. Ảnh: Internet
Nọc độc của rắn hổ chỉ xếp sau rắn nâu miền đông và rắn nâu miền tây của Úc. Thành phần độc tố trong nọc độc của rắn hổ bao gồm chất độc thần kinh cực mạnh, chất đông máu, haemolysin, và chất độc myotoxin.
Loài này chịu trách nhiệm về số lần cắn cao thứ hai ở Úc. Khi bị cắn, triệu chứng của vết cắn bao gồm: Đau cục bộ ở vùng chân và cổ, ngứa ran, tê liệt, và đổ mồ hôi, tiếp theo là sự khởi phát nhanh chóng của khó thở và tê liệt.
Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Úc, tỉ lệ tử vong từ các vết cắn không được điều trị y tế là giữa 40 và 60%.
Rắn hổ trưởng thành thường xuất hiện các vằn như da hổ, từ màu vàng nhạt đến đen dọc theo một cơ thể rắn chắc, dài đến 2m. Phần bụng rắn có các màu từ vàng chanh đến da cam.
Có 6 loại rắn hổ khác nhau, tên gọi của chúng tùy thuộc và khu vực tự nhiên mà chúng sinh sống tại Úc, bao gồm: Rắn hổ miền Tây, rắn hổ đảo Chappell, rắn hổ đảo Vua, rắn hổ Tasmania, rắn hổ bán đảo, và rắn hổ thường.
Bài viết sử dụng nguồn: BBC Earth