Lăng mộ Tần Thủy Hoàng được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 246 đến 208 trước Công nguyên, cùng thời điểm Tần Thủy Hoàng - vị hoàng đế nổi tiếng tàn bạo và nghiêm khắc vẫn còn sống và trị vì đất nước Trung Hoa ngàn năm lịch sử.
Tần Thủy Hoàng - tên thật là Doanh Chính, trị vì nước Tần (Trung Quốc) từ năm 246 đến năm 221 trước Công nguyên. Địa danh lịch sử nổi tiếng này đến nay vẫn có những bí ẩn mà người đời sau vẫn chưa thể tìm ra lời giải đáp. Loạt bài Bí ẩn lăng mộ Tần Thủy Hoàng sẽ giúp độc giả biết nhiều hơn về những bí ẩn này.
Đội quân đất nung “không ai giống ai”
Hơn 8.000 là số tượng binh sĩ bằng đất nung mà các nhà khảo cổ học ước tính được hiện có trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Con số hơn 2.000 tượng đã khám phá được quá ít so với phần bí ẩn còn lại.
Đây còn được gọi là tượng binh mã Tần Thủy Hoàng hay tượng đội quân và ngựa, lần đầu tiên con người phát hiện được là ngày 29 tháng 3 năm 1974, trước khi người ta xác định đây chính là lăng mộ Tần Thủy Hoàng ít hôm.
Đội quân đất nung được chôn theo Hoàng đế Tần Thủy Hoàng trong thời gian từ năm 210 đến năm 209 trước Công nguyên.
Việc khai quật kéo dài do binh mã bằng đất nung rất dễ vỡ và nó khiến cho việc bảo vệ những bức tượng này rất khó khăn do những tác động của tự nhiên như quá trình phong hóa, bị vi khuẩn hủy hoại.
Các bức tượng được nặn từ đất sét, nung trong lò ở nhiệt độ thấp và được phết một lớp sơn bên ngoài để tăng độ bền.
Những bức tượng này có khuôn mặt, kích cỡ, màu sơn không tượng nào giống nhau, sống động như một đội quân thật.
Vẻ mặt đầy bí ẩn của các bức tượng được cho là mô phỏng theo chính xác từng người trong một đội quân thân tín của vị vua Tần.
Các bức tượng trong nhiều tư thế như đứng thẳng cúi đầu, cầm những vũ khí thật như cung, giáo, mác hay cưỡi xe ngựa với các cỗ xe và ngựa cũng làm bằng đất.
Cho đến nay, người ta vẫn chưa thể hình dung ra lí do xác thực nhất cho việc Tần Thủy Hoàng muốn đem nguyên cả một đội quân đất nung này xuống lăng mộ cùng mình. Quần thể này được đặt trong 3 hầm mộ riêng biệt.
Hầm mộ thứ nhất nằm ở mặt Tây có pho tượng của 6.000 binh mã, là đội quân chủ lực của Tần Thủy Hoàng.
Hầm mộ thứ hai chứa khoảng 1.400 pho tượng kỵ binh và bộ binh đi cùng xe ngựa trên diện tích 19.659 mét vuông. Hầm mộ thứ ba là đội chỉ huy các cấp khác nhau và một xe tứ mã gồm 68 pho tượng nằm trên diện tích 1524 mét vuông.
Con sông tử thần chia cắt thế giới âm – dương
Đó là thế giới trong lăng mộ với thế giới bên ngoài của con người. Con sông tử thần được nhắc đến ở đây chính là dòng sông thủy ngân lỏng.
Lớp thủy ngân bao bọc và ngăn cách lăng mộ với sự khai phá từ bên ngoài có nồng độ cực kỳ lớn, cao gấp 280 lần mức bình thường.
Thiết kế đặc biệt và vô cùng hiểm độc này do chính Tần Thủy Hoàng nghĩ ra. Với việc ông cho linh cữu của mình được chôn trong quan tài cùng nhiều ngọc ngà châu báu, nhiều tác phẩm thủ công và một mô hình vũ trụ hoàn chỉnh được khảm ngọc.
Vì thế, ông muốn sử dụng chính dòng sông thủy ngân để bảo quản, tránh sự xâm hại của vi khuẩn và đặc biệt là giết ngay lập tức kẻ nào có ý định xâm nhập lăng mộ; mặt khác nó giúp ông đạt được tham vọng trường sinh bất tử bằng "thuốc tiên" thủy ngân.
Nguồn thủy ngân khổng lồ đã được đưa từ đâu về để tạo thành hàng trăm con sông lớn nhỏ chảy khắp phần lăng mộ vẫn đang là một câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Nhiều người liên hệ đến lịch sử hai thiên niên kỷ trước, tại quận Ba thời Tần (tức thành phố Trùng Khánh ngày nay) có người quả phụ họ Thanh, chuyên nghề khai thác đá chu sa mà trở nên giàu có. Thậm chí Tần Thủy Hoàng còn cho xây dựng "Hoài Thanh Đài" ca ngợi công lao của người phụ nữ này.
Xâu chuỗi các dữ kiện, các nhà khoa học cho rằng chính nguồn đá chu sa của người phụ nữ này là nguyên liệu chính để luyện nên số lượng thủy ngân khổng lồ trong lăng mộ Hoàng đế nhà Tần.
Chu sa có thành phần chính là sulfur thủy ngân (II) (HgS) vốn được người Trung Hoa cổ đại sử dụng để luyện thủy ngân, thuốc và thủ cung sa đánh dấu trinh tiết người phụ nữ.