Bị Ấn Độ phũ phàng lần này đến lần khác, vì sao Israel không phá "hôn nhân ở thiên đường"?

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Do có nhiều lợi ích chung chiến lược lâu dài, Ấn Độ và Israel sẵn sàng "hiểu ngầm" với nhau rằng không thể vì quan hệ với đối tác thứ ba nào khác mà mối quan hệ hai bên bị tổn hại.

Các cuộc gặp chiếc lược

Chuyến thăm Ấn Độ của thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu được cả hai phía đánh giá có ý nghĩa lịch sử, như chuyến thăm Israel của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hồi năm ngoái. 

Ông Modi là thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ tới thăm Israel. Với chuyến thăm này của ông Netanyahu, lần đầu tiên kể từ 15 năm nay mới lại có thủ tướng Israel tới thăm Ấn Độ. 

Ông Netanyahu dành hẳn 6 ngày thăm Ấn Độ, mang theo phái bộ kinh tế gồm 130 thành viên. Nhân sự kiện này, hai bên ký kết 9 thoả thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó không chỉ có hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư mà còn có cả hợp tác quân sự và quốc phòng, an ninh mạng và sản xuất phim ảnh. 

Cứ theo những phát biểu công khai của hai vị thủ tướng thì cặp quan hệ song phương này hiện tại rất tốt đẹp cho dù ông Netanyahu không nhắc lại mức độ ngợi ca như khi ông Modi thăm Israel, gọi mối quan hệ song phương này giống "một cuộc hôn nhân ở thiên đường".

Nếu nhìn nhận một cách toàn diện và thấu đáo thì thực chất cặp quan hệ Ấn Độ - Israel hiện không chỉ có hài hoà và thuận lợi. Những bất đồng quan điểm giữa hai nước không chỉ đa dạng mà còn phức tạp và nhạy cảm, không chỉ nhất thời mà còn mang tính chiến lược lâu dài. 

Vì thế, điều đặc biệt nhất ở chuyến thăm của ông Netanyahu là hai bên chủ ý thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác song phương trong nhận thức và tình cảnh chưa thể sớm khắc phục được mọi dị biệt. 

Ông Modi đón tiếp ông Netanyahu tại sân bay Delhi. Nguồn: Youtube

Hơn nữa, hai nước cũng không muốn để sự khác biệt quan điểm cản trở chuyện tăng cường quan hệ hợp tác song phương. 

Lợi ích chung của hai bên ở đây là tìm kiếm đồng minh mới về chính trị an ninh và đối tác mới về kinh tế, thương mại và đầu tư. 

Cho nên điều đáng được chú ý hơn cả trong mối quan hệ song phương này không phải là chuyến thăm đưa lại kết quả cụ thể gì, mà là cách thức hai bên dùng lợi ích chung và đồng thuận quan điểm để khắc chế dị biệt.

Mục đích của hai bên

Thật ra, ông Netanyahu tới thăm Ấn Độ vào thời điểm không được thuận lợi lắm đối với Israel.

Ấn Độ vừa huỷ bỏ thoả thuận tưởng đã ổn thoả về mua vũ khí hiện đại của Israel trị giá 500 triệu USD. 

Ấn Độ thuộc số 128 thành viên LHQ bỏ phiếu thuận cho nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐ LHQ) với nội dung bác bỏ quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump, công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem. 

Israel coi Iran là cừu thù không đội trời chung trong khi Ấn Độ coi Iran là đối tác chiến lược quan trọng và giúp Iran xây dựng hải cảng Chabahar. 

Hải cảng này là cửa ngõ cho Iran tiếp cận thị trường khu vực Nam Á và giúp Ấn Độ gây dựng, tăng cường sự hiện diện trực tiếp và ảnh hưởng ở Iran cũng như khắp vùng Vịnh.

Đối với ông Modi, thúc đẩy quan hệ với Iran là một trong những điều chỉnh chiến lược đối ngoại quan trọng nhất từ trước tới nay của New Delhi, bởi tất cả những chính quyền tiền nhiệm đều tập trung củng cố mối quan hệ với Israel. 

Ông Modi nhằm vào không ít công nghệ hiện đại của Iran cả cho mục đích dân sự lẫn quân sự, nhưng đồng thời còn cần Israel làm đồng minh để đối phó với bộ phận người Hồi giáo cực đoan ở nước này. 

Bị Ấn Độ phũ phàng lần này đến lần khác, vì sao Israel không phá hôn nhân ở thiên đường? - Ảnh 2.

Người Hồi giáo ở Ấn Độ. Ảnh: HT

Ở Ấn Độ hiện có khoảng 150 triệu người theo đạo Hồi và vướng mắc dai dẳng lâu nay của Ấn Độ với nước láng giềng Pakistan cũng lại liên quan đến người theo đạo Hồi. 

Ông Modi giúp cho Israel trở thành đối tác cung cấp vũ khí lớn thứ ba cho Ấn Độ, chỉ sau có Nga và Mỹ.

Đối với Israel, ông Modi cầm quyền ở Ấn Độ là "đúng người, đúng thời và đúng chỗ" mà Israel cần để biến Ấn Độ thành đồng minh và đối tác quan trọng nhất ở khu vực Nam Á. 

Bị Ấn Độ phũ phàng lần này đến lần khác, vì sao Israel không phá hôn nhân ở thiên đường? - Ảnh 3.

Theo Viện Nghiên cứu Hoà bình Stockholm (Sipri) của Thuỵ Điển, 41% xuất khẩu vũ khí năm 2016 của Israel được đưa tới Ấn Độ. 

Giá trị kinh tế thương mại kết hợp với mức độ tin cậy lẫn nhau về chính trị an ninh. Nếu Ấn Độ có quan hệ tốt với Iran và các nước Ả Rập thì Israel càng cần phải thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ để hạn chế bị tác động tiêu cực, và khi đó mới có thể phân hoá được Ấn Độ với các nước kia. 

Cả hai đều phải cân bằng quan hệ với các đối tác nên dễ dàng có thể hiểu và thông cảm lẫn nhau mỗi khi không thể quyết định khác. 

Giữa hai nước này hiện có sự hiểu biết ngầm với nhau là không vì quan hệ với đối tác thứ ba nào khác mà mối quan hệ song phương bị tổn hại. 

Thế đấy, đồng thuận chỉ có thể khắc chế được dị biệt khi lợi ích chung không chỉ thiết thực ở hiện tại mà còn có tầm vóc chiến lược lâu dài.

*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại