Liệu Trung Quốc có đang xây dựng quá nhiều tượng Phật? Câu hỏi này đang được các chuyên gia phân tích khi trong vài thập niên trở lại đây, làn sóng xây dựng các công trình tâm linh ngập tràn tại quốc gia này.
Hàng loạt những kỷ lục, những tượng Phật đồ sộ được Trung Quốc cho xây dựng trong các năm gần đây. Năm 2017, một tượng Phật bằng đồng cao tương đương tòa nhà 22 tầng đã được khánh thành ở phía Bắc tỉnh Shanxi.
Bức tượng này được xây trong 8 năm với tổng giá trị 380 triệu Nhân dân tệ (57 triệu USD) với mục đích tâm linh, thu hút khách du lịch và ghi vào kỷ lục Guiness.
Dẫu vậy, những khách du lịch muốn chứng kiến tượng Phật lớn nhất thế giới thì phải sang tỉnh Henen bên cạnh.
Mở cửa vào năm 2008, ngôi chùa Spring Temple Buddha được xây dựng tại Lushan, một trong những huyện nghèo nhất của Trung Quốc với mức thu nhập bình quân đầu người hàng năm chỉ vào khoảng 12.800 Nhân dân tệ.
Bức tượng của ngôi chùa Spring mất 11 năm để xây dựng, cao 208 mét, tiêu tốn khoảng 108 kg vàng với tổng trị giá xây dựng 1,2 tỷ Nhân dân tệ.
Hàng năm, truyền thông Trung Quốc đều đưa tin về một bức tượng hay công trình tâm linh nào đó tại nước này được khánh thành. Hàng loạt những bức tượng đồ sộ, khu chùa cổ kính, đền đài, hồ nước… được xây dựng để thu hút khách du lịch đến thăm.
Không riêng gì Phật Giáo, những công trình liên quan đến Khổng Tử, Lão Tử hay thậm chí đến cả Chủ tịch Mao Trạch Đông cũng được xây dựng để nhằm thu hút du khách.
Hầu như tất cả những người quen thuộc với ngành du lịch Trung Quốc đều hiểu chính quyền địa phương rất thích những công trình như vậy. Ngoài lợi ích ngầm trong những dự án thầu xây dựng từ ngân sách nhà nước hay tư nhân, các công trình này còn thu hút được khách du lịch và làm tăng ngân sách địa phương.
Ngay khi du khách đến những khu vực được quảng bá rầm rộ này, họ mới nhận ra chúng cũng na ná nhau, từ những đền đài cho đến các bức tượng. Đây là đặc điểm chung của những vùng muốn phát triển du lịch nhưng không có nhiều danh lam thắng cảnh.
Một yếu tố nữa khiến ngành du lịch Trung Quốc tập trung vào mảng đền chùa, tâm linh là do các du khách đến đây thường không cầu ngắm cảnh mà là để thắp hương cúng bái. Như một lẽ tất nhiên, dù khung cảnh chẳng có gì mới nhưng họ vẫn sẽ đến và sẵn sàng chi tiền cho "niềm tin" của mình.
Du lịch tâm linh
Phật Giáo đã tồn tại khá lâu đời tại Trung Quốc từ thời nhà Hán (206 trước công nguyên-220 sau công nguyên). Bởi vậy rất nhiều khu vực nổi tiếng của Trung Quốc có những di tích mang nặng tính lịch sử tôn giáo.
Trước tình hình đó, những vùng không có được các di tích như vậy sẽ phải xây dựng những đền đài cao to, rộng lớn hay có gì đó đặc biệt để thu hút du khách và đây là nguyên nhân khiến hàng loạt công trình Phật giáo tại Trung Quốc được khánh thành.
Giám đốc Wang Zuo của Cơ quan quản lý tâm linh quốc gia Trung Quốc (NRAA) thừa nhận nhiều công trình Phật giáo được xây dựng chỉ vì hướng đến kích thước và thu hút du khách hơn là mang tính tâm linh.
"Nếu chỗ nào đó có bức tượng Phật đứng lớn nhất thì ở nơi khác sẽ xây bức tượng Phật ngồi lớn nhất, thế rồi nơi khác sẽ có bức tượng Phật nằm lớn nhất", ông Wang ngán ngẩm nói.
Rất rõ ràng, những cái nhất trong các công trình tâm linh mới thu hút được thêm du khách.
Cội nguồn của phong trào du lịch tâm linh tại Trung Quốc bắt nguồn từ thập niên 1990 khi một số công trình Phật giáo bắt đầu thu hút được lượng lớn du khách trong tình hình nền kinh tế đất nước bùng nổ.
Năm 1997, chính quyền thành phố Wuxi công bố kế hoạch xây dựng bức tượng phật Linh Sơn cao 88 mét, trở thành bức tượng Phật cao nhất thế giới cũng như thu hút được lượng lớn du khách.
Có lẽ thấy trước được việc Phật giáo sẽ bị lợi dụng làm du lịch, Chủ tịch Hội phật giáo Trung Quốc Zhao Puchu vào năm 1994 đã phải lên tiếng cảnh tỉnh rằng nước này không cần xây thêm bất cứ bức tượng nào nữa bởi nếu chỉ phục vụ cho tâm linh thì chúng đã quá đủ.
Không riêng gì hiệp hội Phật giáo, NRAA cùng nhiều cơ quan khác cũng đã cố gắng cảnh báo chính quyền Bắc Kinh về việc cấp phép xây dựng tượng Phật vô tội vạ mà không thực sự hướng đến tâm linh. Dẫu vậy, chính quyền địa phương dường như chẳng quan tâm khi chúng vẫn đem đến lợi nhuận.
Năm 2010, ngôi chùa Nanputua của thành phố Hạ Môn-Trung Quốc đã đón được 2 triệu lượt khách với tiền bán vé gần 900.000 USD.
Tất nhiên, thành công của Lingshan không phải chỉ do mỗi bức tượng. Chính quyền nơi đây đã cho xây dựng cả cung điện Brahma, một bảo tàng Phật giáo với thiết kế thủ công từng đạt giải Luban Prize năm 2009 cho thiết kế và kiến trúc.
Thế rồi Vịnh Nianhua gần đó với phong cách văn hóa cổ cũng được kết hợp nhằm tạo nên 1 quần thể du lịch hấp dẫn.
Nhờ sự kết hợp này mà Lingshan thu hút tới 4 triệu khách du lịch mỗi năm và trở thành điểm đến hấp dẫn theo bình chọn của Diễn đàn Phật giáo quốc tế (WBF).
Một nguyên nhân nữa khiến chính quyền các địa phương đua nhau xây tượng Phật là sự bùng nổ kinh tế của đồng bằng sông Dương Tử, qua đó thúc đẩy những ý tưởng mới ngay cả trong Phật giáo. Thêm vào đó nhu cầu du lịch, cúng bái ngày càng tăng của tầng lớp trung lưu cũng kích thích quá trình này.
Tuy vậy, dù những vùng như Lushan mang danh tiếng có tượng Phật lớn nhưng cư dân của vùng này vẫn phải sống trong nghèo khổ.
Kiến trúc của cung điện Brahma
Không riêng gì tượng Phật, nhiều ngôi làng giả cổ cũng đã được tái hiện tại Trung Quốc trong vài chục năm qua khắp Trung Quốc và chúng na ná nhau đến kỳ lạ. Đi cùng với những công trình này là hàng quán cùng nhiều dịch vụ đi kèm.
Có lẽ đã đến lúc các quan chức du lịch Trung Quốc tìm kiếm hướng đi mới thay vì bám víu lấy tôn giáo để phục vụ cho mục đích riêng của họ. Với sự lan tràn các đền chùa, tượng Phật như ngày nay, chẳng sớm thì muộn sẽ đến lúc các du khách bội thực và thờ ơ với chúng.