Đài CNN hôm 8-12 cho biết Hao Fan 6 là 1 trong 4 tàu Triều Tiên nằm trong danh sách trừng phạt của LHQ. Trước đó, năm 2016, tàu Jie Shun của nước này bị chính quyền Ai Cập bắt giữ vì buôn lậu hàng ngàn khẩu súng phóng lựu. Còn tàu Chon Chon Gang bị nhà chức trách Panama phát hiện chở máy bay chiến đấu MiG, hệ thống phòng không và chất nổ được nguỵ trang dưới những túi đường năm 2013.
Trong bối cảnh Triều Tiên mở rộng mạng lưới vận tải đường biển, LHQ vừa thông qua nghị quyết ngăn chặn Bình Nhưỡng xuất khẩu các loại hàng hóa như than đá và quặng kim loại.
Cuối tháng 11, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson kêu gọi cộng đồng quốc tế bổ sung lệnh trừng phạt, bao gồm dừng hoạt động vận chuyển hàng hoá đến và đi từ Triều Tiên bằng đường biển.
Tàu Hao Fan 6 được nhìn thấy ở Hàn Quốc năm 2015. Ảnh: CNN
Riêng Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt trừng phạt 59 tàu giao dịch với Triều Tiên nhưng các nhà quan sát cho biết có tới 180 tàu đang có mối liên hệ với Bình Nhưỡng.
Là một tàu có trọng tải lớn, Hao Fan 6 chở được 8.343 tấn hàng hóa, theo đài CNN. Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) quy định các tàu lớn phải trang bị hệ thống nhận dạng tự động (AIS) nhằm phục vụ mục đích giám sát. Tuy nhiên, các tàu Triều Tiên được cho là tắt hệ thống này để tránh bị theo dõi hoặc các mối đe doạ tiềm tàng.
Trợ lý Marshall Billingslea làm việc cho Bộ Tài chính Mỹ hồi tháng 9 cung cấp hình ảnh vệ tinh và dữ liệu AIS cho thấy 3 tàu vận chuyển than trái phép của Triều Tiên đã tắt AIS khi di chuyển giữa Trung Quốc và Nga.
Sau khi biến mất từ ngày 10-10, tàu Hao Fan 6 - lúc đó đang ở gần thành phố cảng Lan Sơn của Trung Quốc - không bật AIS cho đến cuối tháng. Tới ngày 23-11, Hao Fan 6 mới mở lại tín hiệu và lúc này tàu ở trên biển Hoa Đông, cách xa nơi phát tín hiệu lần cuối tới hàng trăm km. Tại khu vực này, con tàu cứ chạy vòng tròn trong hơn 2 tuần.
Dữ liệu của Big Ocean Data cho thấy từ ngày 31-10 tới 4-12, tàu Hao Fan 6 chạy vòng tròn trên biển Hoa Đông. Con tàu tắt tín hiệu về vị trí của mình từ giữa tháng 10 trước khi bật lại vào ngày 13-11. Nguồn: Big Ocean Data
Theo các chuyên gia được đài CNN hỏi ý kiến, chuyện tàu Triều Tiên chạy vòng vòng là rất kỳ lạ, có thể là một cách để đánh lạc hướng các nhà điều tra.
Dường như con tàu không có nơi nào để đi, không có cảng nhà để về và di chuyển không hướng đi rõ ràng. Trông Hao Fan 6 cứ như đang trôi dạt.
Cho tới khi CNN đăng tải bài viết này hôm 8-12, con tàu vẫn tiếp tục chạy vòng tròn.
Dữ liệu ghi nhận cho thấy con tàu này cập cảng Triều Tiên 3 lần hồi năm 2016, hoạt động trên các tuyến vận tải than truyền thống.
Nếu Hao Fan 6 vận chuyển than đá, nó sẽ vi phạm Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ được thông qua vào tháng 3-2016.
Trong 2 năm qua, tàu Hao Fan 6 thường xuyên qua lại giữa Triều Tiên - Trung Quốc - Nga. Nguồn: Big Ocean Data
Than đem lại nguồn thu quan trọng cho Bình Nhưỡng. Năm 2015, xuất khẩu than mang về gần 1 tỉ USD cho nước này, theo số liệu của LHQ. Các công ty Trung Quốc là những khách hàng lớn của Triều Tiên vì khoảng cách gần và than có giá rẻ.
Trên giấy tờ, Hao Fan 6 do một công ty đặt trụ sở tại Hồng Kông - Trendy Sunshine Hong Kong Limited – sở hữu. Một cuộc điều tra của CNN vào tháng 10 cho thấy các công ty bị tố cáo giúp đỡ Triều Tiên trốn tránh lệnh trừng phạt đã tạo ra các công ty bình phong ở Hồng Kông do ở đây có luật giám sát tương đối lỏng lẻo.
Trendy Sunshine nhận quản lý Hao Fan 6 từ Công ty Zhejiang Haofan Shipping vào ngày 24-2-2017. Cùng thời điểm, Zhejiang Haofan Shipping chuyển quyền sở hữu một con tàu tên Hao Fan 2 cho Công ty Advance Superstar (Hong Kong) Limited. Trong khi đó, Zhejiang Haofan hiện tại chỉ sở hữu một con tàu duy nhất mang tên Hao Fan 3.
Giống như Hao Fan 6, Hao Fan 3 bị phát hiện tắt AIS khi di chuyển qua Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, cả Hao Fan 2 và Hao Fan 3 đều không nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ hoặc LHQ.