Tiếng thét lúc 3 giờ sáng
“Mình vừa thấy một chiếc váy rất đẹp, hôm nào rảnh chúng ta sẽ qua mua nó nhé”, Khánh Văn Di (Qing Wen Yi) nói với cô bạn thân.
Hôm nay là Chủ nhật, nhưng họ chẳng hề được nghỉ ngơi mà vẫn phải đến hồ bơi theo yêu cầu của các thầy. Tất nhiên Văn Di cùng mấy người bạn không lấy đó làm buồn phiền. Bởi với họ, bể bơi đã trở thành người bạn.
Ăn tối xong, Văn Di gọi về nhà hỏi thăm cha mẹ như mọi ngày. Sau đó, cô gái 17 tuổi lên mạng xã hội nói chuyện, trêu chọc bạn bè và chìm vào giấc ngủ.
Hình ảnh của Văn Di trên mạng xã hội.
Đến với bơi lội từ nhỏ, Khánh Văn Di được nhiều người gọi là cô gái sinh ra để bơi ếch. Tháng 10 năm 2015, cô giành 2 HCV ở các nội dung 100m và 200m bơi ếch tại đại hội thể thao trẻ Trung Quốc.
Vào lúc 3 giờ sáng, một tiếng thét thất thanh vang lên. Mọi người vùng dậy, bối rối nhìn nhau không biết chuyện gì xảy ra. Rất nhanh chóng, họ phát hiện tiếng thét là của Văn Di.
Sau khi la lớn, cô gái trẻ nằm yên bất động. Một cảm giác lo lắng và sợ hãi xâm chiếm những người xung quanh. Họ nhanh chóng đưa cô đến bệnh viện.
Tiếc rằng những cố gắng của bạn bè cô không được đền đáp. Một giờ sau, Văn Di qua đời tại bệnh viện.
Chỉ một tháng trước, cô còn đứng trên bục nhận chiếc HCV giải bơi trẻ toàn Trung Quốc, tương lai rộng mở. Nhận được tin báo, cha mẹ của Văn Di không tin vào tai mình. Cô con gái duy nhất, niềm hi vọng của họ đã ra đi quá đột ngột, đó là ngày 9/11/2015.
Hỏa táng
Từ chối tất cả những câu hỏi, cha mẹ Văn Di giữ im lặng một cách gần như tuyệt đối mỗi khi ai đó nhắc tới cái chết của con gái. Chưa đầy 48 tiếng sau khi qua đời, Văn Di được đưa đi hỏa táng.
Theo thông báo được phát đi, đó là ý nguyện của gia đình, họ muốn nữ kình ngư 17 tuổi sớm yên nghỉ.
Một chuyên gia Trung Quốc giải thích: “Bình thường, bơi lội không phải là môn thể thao nguy hiểm. Nhưng với các VĐV, khi hoạt động với cường độ cao, nhịp tim tăng lên đến trên 200 nhịp/phút, rủi ro có thể gia tăng”.
Bên cạnh đó, họ còn đưa kết quả xét nghiệm từ trung tâm Rutherford để khẳng định Văn Di không sử dụng chất cấm. Những lí lẽ trên đều nhằm giải thích rằng cô gái 17 tuổi qua đời do vấn đề tim mạch.
Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra.
Tại sao một nữ VĐV được kiểm tra sức khỏe thường xuyên, chế độ ăn uống tập luyện khoa học, lại không mắc bệnh tật gì lại ra đi đột ngột như vậy? Hỏa táng sớm liệu có đúng là ý nguyện của gia đình Văn Di?
Các số liệu cho thấy, tỉ lệ đột tử trong nhóm các VĐV thể thao đỉnh cao chỉ là 1/10000. Mới 2 tuần trước ngày mất, Văn Di còn được công nhận là hoàn toàn khỏe mạnh.
Tống Từ, người được coi là ông tổ ngành pháp y Trung Quốc, từng viết:
“Nếu có bất cứ sự thiếu chính xác nào trong khám nghiệm tử thi, những bất công sẽ ảnh hưởng đến cả người đã chết lẫn người còn sống. Để tránh xảy ra sai sót, phải ngay lập tức kiểm tra sau khi sự việc xảy ra”.
Trường hợp của Văn Di mang quá nhiều nghi vấn, thế nên việc “hỏa táng theo ý nguyện gia đình” là rất đáng ngờ.
Một phóng viên địa phương giấu tên chia sẻ: “Chúng tôi không thể tiếp cận được thông tin, không một chút nào cả. Ở Trung Quốc, người ta tôn trọng quyết định của cha mẹ. Nhưng cha mẹ không quyết định kỳ lạ thế”.
Bí mật bị che giấu?
Vài tháng sau tang lễ của Văn Di, thể thao Trung Quốc lại một lần nữa rúng động. Báo giới phát hiện ra tới 6 trường hợp VĐV có kết quả dương tính với chất cấm nhưng lại không được Cơ quan chống doping Trung Quốc (CHINADA) công bố.
Cơ quan chống doping thế giới (WADA) tỏ ra khá giận dữ và tuyên bố sẽ điều tra chuyện CHINADA che giấu vụ việc.
Ngoài ra, người ta còn biết rằng Zhou Ming, cựu HLV đội tuyển bơi Trung Quốc từng bị cấm hành nghề suốt đời vì cho các học trò của mình sử dụng doping, hiện vẫn đang làm việc cùng một số VĐV trẻ.
Tới lúc này, người ta mới lật lại vụ việc của Văn Di. Chỉ có điều, nữ kình ngư 17 tuổi đã sớm hỏa táng mà không qua khám nghiệm, chẳng còn bằng chứng nào đủ thuyết phục để kết luận.
Tờ Daily Mail dẫn một nguồn tin cho biết, tình trạng lạm dụng doping không chỉ diễn ra trong một, hai đơn vị mà đang có nguy cơ lan ra nhiều nơi tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Chừng nào người ta vẫn còn bị khát khao thành tích làm mờ mắt, chừng đó doping vẫn sẽ tồn tại và phá hủy cơ thể các VĐV, bằng cách này hay cách khác.