Lịch sử từng kể về câu chuyện của một vị "lãnh chúa" của người Mông trên cao nguyên Đồng Văn cai quản 4 huyện (Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn) với biệt tài mưu trí và dũng cảm, ngay cả quân Pháp và Tưởng Giới Thạch năm ấy cũng phải e ngại, nể nang một phần bởi những quyền lực của ông nắm giữ trong tay không hề nhỏ.
Vị lãnh chúa đó, không ai khác chính là Vua Mèo Vương Chính Đức.
Ngày nay, dù các câu chuyện kể về quyền lực của ông đa phần chỉ là huyền sử hoặc các câu chuyện truyền miệng của chính các hậu thế, nhưng có một minh chứng trường cửu mà người ta không thể nào phủ nhận về thực quyền và gia sản khổng lồ của Vua Mèo ngày ấy. Đó chính là tòa dinh thự uy nghi tọa lạc ở quả đồi hình mai rùa, thuộc thung lũng Sà Phìn - Hà Giang.
Được biết phải mất gần 9 năm ròng (khởi công vào năm 1919, tính đến nay đã 99 năm) cùng với lực lượng nhân công tài giỏi, tốn hơn 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương (ước tình tầm 150 tỷ đồng hiện nay), công trình mới được hoàn thành trước sự trầm trồ, nể phục của người dân.
Ghé thăm dinh thự Vua Mèo nằm ở thung lũng Sà Phìn, cách trung tâm huyện Đồng Văn (Hà Giang) gần 15km, ta sẽ thấy ở đây núi non trùng điệp, thiên nhiên hùng vĩ bao trùm cả một vùng trời mênh mông rộng lớn.
Trên một gò đất cao tựa hình mai rùa, dinh thự hiện ra uy nghi kì lạ, những hàng cây sa mộc cao vút, thẳng tắp trước nhà trên làn sương sớm làm dinh thự thoắt ẩn thoắt hiện, ảo diệu và huyền bí giống như lịch sử hình thành về nơi đây.
Đồn rằng, Vương Chính Đức năm ấy phải nhờ đến một thầy địa lý người Hán am hiểu tận tường về phong thuỷ, cất công đi tìm vị trí đắc lợi. Đi khắp Đồng Văn, tại Sà Phìn thầy địa lý khi đó thấy một khu đất có quả đồi hình mai rùa kì lạ, đằng sau là dãy núi hình ghế tựa, đằng trước có hai núi tượng trưng cho văn, võ đứng hầu.
Sau hai quả núi là dãy núi khác chắn ngang như rồng uốn lượn. Xung quanh núi cao bao bọc vững chắc, nếu xây nhà ở đây, ắt con cháu muôn đời giàu sang phú quý. Quả thực đây là mảnh đất ở của bậc anh kiệt.
Chọn được khu đất có vị trí đắc lợi, Vương Chính Đức khi đó giao cho cụ Hoàng (là mưu sĩ người kinh gốc Nam Định) và ông Cử Chúng Lù (người Mông, huyện Đồng Văn) phụ trách quân đội người Mông, nghiên cứu và phát hoạ toà nhà trên mảnh đất này.
Thậm chí ông còn mời thợ cả người Hán ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tên là Tống Bách Giao thực hiện thiết kế và thi công. Tòa dinh thự khởi công năm 1919 đến tận 1928 mới hoàn thiện.
Toàn bộ khu dinh thự có diện tích gần 3.000m2, được xây kiểu pháo thủ, lối dẫn vào dinh thự là hai hàng sa mộc cao vút, uy nghiêm. Xung quanh còn được bao bọc xung quanh bởi lớp đá dày 60 - 70 cm, cao từ 2 đến 3m. Phía sau nhà là 2 lô cốt kiên cố.
Những người dân trong làng kể lại: "Vào năm 1979, lúc đấy nổ ra cuộc chiến tranh biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam, phía Trung Quốc bắn pháo sang Sà Phìn (Sà Phìn cách Trung Quốc khoảng 1 cây số) tấn công. Với các loại pháo tầm cao bắn sang thì nó bị lọt ra khỏi đằng sau khu dinh thự.
Còn với các loại pháo tầm gần tấn công thì sẽ bị các ngọn núi thấp phía sau dinh thự che chắn và chặn lại". Điều đó lí giải cho việc đến tận ngày nay, khu dinh thự hầu như vẫn giữ được nguyên vẹn sau chiến tranh.
Đặt chân vào dinh cơ của Vua Mèo mới thấy được một phần của lịch sử thổi hồn vào những cổ vật, những lối kiến trúc đặc biệt được lưu giữ tại đây. Ngay trước cửa ra vào có hai câu đối được Vua Mèo cho chạm khắc tỉ mỉ, vế bên trái là: "Gia tích thiện nhân hiền xuất nhập" tức là gia đình tích đức thì người hiền tài sẽ luôn xuất hiện ra vào.
Bên phải là: "Môn trong người hào kiệt vãng lai" tức cửa rộng mở, chào đón hào kiệt đến thăm. 2 câu đối thể hiện sự hiếu khách của Vua Mèo, luôn chiêu đãi chào đón những người hiền tài, hào kiệt bốn phương.
Hiện hữu tại nơi đây là những điểm đặc biệt về phong cách kiến trúc, điêu khắc. Như được biết ngôi dinh thự được thiết kế theo kiểu của người Hán, nhưng những vật dụng trong nhà như lò sưởi hay lô cốt thì mang kiểu cách Pháp.
Dinh thự gồm 4 nhà ngang, 6 nhà dọc cao 2 tầng với tổng 64 phòng lớn nhỏ có sức chứa gần 100 người và được chia thành 3 dinh (tiền dinh, trung dinh, hậu dinh). Đặc biệt mỗi dinh đều có mỗi khoảng không ở giữa và theo quan niệm dân gian của người Việt ta thì đó được gọi là giếng trời, nhằm lấy ánh sáng, tạo thông thoáng và đem lại tinh hoa đất trời vào nhà.
Tiền dinh khi đó là nơi các binh sĩ thường đứng canh phòng và bảo vệ khu dinh thự được an toàn, nơi đây cũng là nơi tụ tập họp mặt quân sự lúc cần thiết. Hai bên dãy nhà tiền dinh cũng là nơi ăn ở của các thủ lĩnh, mưu sĩ, tổng quản…
Nhà chính tiền dinh chủ yếu là nơi tiếp khách của gia đình. Ngày nay, tại sân giữa tiền dinh có tấm biển sơn son thếp vàng với dòng chữ Hán "Biên chính khả phong" tức là chính quyền biên cương vững mạnh được nhà Nguyễn mang từ Huế đem tặng cho dinh thự Vua Mèo và tấn phong cho ông làm quan chức triều đình.
Trung dinh là nơi ăn nghỉ trú chân của họ hàng, người thân khi tới chơi. Tại đây cũng là nơi đặt bàn thờ tổ tiên của gia đình Vua Mèo kiêm phòng ăn để ông tiếp đãi những người tới thăm. Còn hậu dinh là nơi sinh hoạt chính của gia đình Vua Mèo cùng với vợ và các con nhỏ.
Được biết khi trước khi mất, ông chia toà dinh thự thành 3 phần. Tiền dinh cho cháu đích tôn Vương Quỳnh Sơn quản lý. Trung dinh cho Vương Chí Chư là con thứ ba quản lý. Hậu dinh do con út Vương Chí Sình quản.
Hiện tại, dinh thự Vua Mèo vẫn giữ được nét kiến trúc xưa cũ mặc dù nhiều sàn nhà gỗ đã bị cậy phá, một số chỉ còn trơ nền đất do thời điểm chiến tranh ác liệt. Một số lời đồn rằng một khối lượng lớn tài sản của Vua Mèo được chôn cất dưới nền nhà.
Khu dinh thự được nhà nước công nhận là di tích quốc gia vào năm 1933. Được biết đến năm 2004, gia đình họ Vương quyết định cống hiến nơi đây cho Nhà nước bảo tồn và phát triển cho việc du khách tới tham quan và du lịch.