Bên trong phòng thay đồ các CLB ở V-League: Niềm vui vẫn chưa trọn

NGUYÊN KHÔI |

Những năm qua, nhiều CLB ở V-League đã đầu tư cho phòng thay đồ để hình ảnh đội bóng trở nên 'long lanh' hơn trong mắt người hâm mộ. Dù vậy, nhiều CLB chỉ lo đầu tư cho phòng thay đồ của đội nhà hơn là đội khách.

Các cầu thủ CLB TP.HCM trong phòng thay đồ mới ở sân Lạch Tray - Ảnh: CAO TOÀN

Các cầu thủ CLB TP.HCM trong phòng thay đồ mới ở sân Lạch Tray - Ảnh: CAO TOÀN

Mới đây, những tấm hình ở phòng thay đồ dành cho đội khách ở sân Pleiku được các CĐV đưa lên các diễn đàn bóng đá đã gây "bão" không ít bởi sự sơ sài của nó.

Hoàng Anh Gia Lai đi tiên phong

Cuối năm 2014, CLB Hoàng Anh Gia Lai đã sửa lại phòng thay đồ như mô hình của CLB Arsenal (Anh) nhằm chuẩn bị cho V-League 2015. Theo đó, mỗi cầu thủ sẽ có một khoang riêng làm bằng gỗ rất sang trọng với giá treo áo thi đấu và hộc để giày riêng. Tất cả cầu thủ đều có chỗ ngồi hướng vào giữa nhằm giúp HLV dễ dàng trao đổi chiến thuật trước, trong và sau trận đấu.

Ngoài ra, phòng thay đồ của Hoàng Anh Gia Lai còn được trang bị bồn tắm nước lạnh để các cầu thủ có thể hồi phục sau trận đấu.

Sự tiên phong của CLB Hoàng Anh Gia Lai ở phòng thay đồ khi đó đã tạo nên sự đột phá rất lớn cho V-League. Bởi ba năm sau, khi làm quyền chủ tịch CLB TP.HCM, cựu tiền đạo Lê Công Vinh cũng quyết định cải tạo phòng thay đồ ở sân Thống Nhất theo tiêu chuẩn 5 sao.

Phòng thay đồ của CLB TP.HCM được thiết kế theo phong cách của CLB Bayern Munich (Đức) với sàn lát gỗ, máy lạnh, tủ treo quần áo, hộc để giày rất bắt mắt.

Thậm chí ảnh của từng cầu thủ CLB TP.HCM còn được treo ở phía trên khiến toàn đội không khỏi thích thú trước khi bước vào V-League 2017.

"Từng là cầu thủ nên tôi hiểu cảm giác cực kỳ phấn khích nếu mỗi người có một vị trí riêng trong phòng thay đồ. Tôi hy vọng điều này sẽ khiến các cầu thủ TP.HCM hưng phấn trước mỗi trận đấu trên sân nhà", Công Vinh chia sẻ.

Sự thay đổi tích cực

Hiện các CLB ở V-League đều đã sửa sang lại phòng thay đồ cho đẹp mắt. Ngay các CLB "nhà nghèo" như Sông Lam Nghệ An, Nam Định cũng đầu tư cho phòng thay đồ khá đẹp với tủ treo áo từng cầu thủ ngay chỗ ngồi.

Sau khi lên làm chủ tịch CLB Hải Phòng, doanh nhân Văn Trần Hoàn đã giúp sân Lạch Tray khoác lên mình chiếc áo mới. Trong đó, phòng thay đồ được sửa lại rất sang trọng và được các cầu thủ đánh giá là xịn nhất nhì V-League 2022. Còn CLB Hà Nội đã có lần thứ hai sửa sang phòng thay đồ ở sân Hàng Đẫy với chuẩn 5 sao sau lần đầu tiên vào năm 2018.

Ngoài khoang riêng của từng cầu thủ, phòng thay đồ của CLB Hà Nội có những giường massage chuyên dụng dành cho bộ phận y tế chăm sóc cho toàn đội.

Trong khi đó, hai phòng thay đồ mới của CLB B.Bình Dương cho cả đội nhà lẫn đội khách cũng rất ấn tượng với chi phí đầu tư lên đến 2,8 tỉ đồng. Khu vực dành cho từng cầu thủ có tên và ảnh của từng người, phía trên là theo thứ tự số áo, chỗ để giày. Thậm chí các cầu thủ còn có một tủ nhỏ cá nhân có khóa để cất giữ đồ giá trị (nếu có).

"Việc xây dựng phòng thay đồ cao cấp nhằm giúp hình ảnh đội bóng chỉn chu hơn. Ngoài ra, các cầu thủ cũng sẽ thi đấu tốt và cống hiến hơn", lãnh đạo CLB B.Bình Dương chia sẻ.

Vẫn còn nỗi buồn đội khách

Ngoài CLB B.Bình Dương và Hải Phòng đầu tư cho phòng thay đồ của đội nhà lẫn đội khách, đa số các CLB còn lại chỉ đầu tư chủ yếu cho phòng thay đồ của đội nhà. Điều đó đã dẫn đến sự cách biệt không nhỏ về chất lượng.

Câu chuyện phòng thay đồ của đội khách ở sân Pleiku là ví dụ. Phòng này cũng có tủ để đồ, nhưng nó được đặt ở một góc khác cùng những vật dụng cần thiết. Nhưng quan trọng là ghế được đặt một chỗ khác, móc treo ở phía trên bức tường thay vì mỗi cầu thủ có chỗ ngồi và tủ treo áo riêng đặt ngay phía sau như phòng thay đồ của đội chủ nhà.

Do đó, khi ảnh CLB Sài Gòn chụp và đưa lên mạng với hàm ý quần áo sẵn sàng cho trận đấu vẫn khiến người hâm mộ "sốc" vì nhìn sơ sài quá. Trao đổi cùng nhiều cầu thủ, họ đều thừa nhận phòng thay đồ của đội khách ở sân Pleiku là "chán" nhất hiện nay.

Còn với CLB TP.HCM, phòng thay đồ của đội khách không có tủ riêng cho từng cầu thủ, các cầu thủ ngồi trên ghế dài (có nệm) và có móc treo áo ở phía trên. CLB Hà Nội thì tận dụng chỗ ngồi và tủ đồ được làm năm 2018 tháo ra đưa sang phòng thay đồ dành cho đội khách.

"Phòng chờ khám ở bệnh viện"

Trong khi đó, dù chuyển về sân mới Hòa Xuân nhưng CLB SHB Đà Nẵng cũng chưa chú trọng lắm về phòng thay đồ. Trong phòng là những tủ sắt đặt một góc để cất đồ, ghế ngồi được đặt cạnh nhau thành từng hàng, áo thi đấu sẽ được đặt lên ghế.

Nhiều CĐV khi nhìn phòng thay đồ của CLB SHB Đà Nẵng hay nói vui là giống "phòng chờ khám ở bệnh viện" với dãy ghế màu xanh đặc trưng.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại