Giám đốc tài chính của một hệ thống y tế tại bang Massachusetts, Sergio Melgar cho biết họ đã hết sạch khẩu trang y tế chuyên dụng N95. Tuy nhiên, hãng sản xuất tới từ Trung Quốc chỉ sẵn sàng cung cấp thêm nếu được trả tiền trước.
Đó là vào khoảng nửa đêm ngày 20/03 và đã quá muộn để thực hiện một lệnh chuyển tiền. Do vậy, ông Melgar phải sử dụng thẻ tín dụng cá nhân và thanh toán khoản tiền lên tới 100.000 USD. Ông nghĩ rằng "Nếu tôi không làm vậy, chúng tôi sẽ hết sạch khẩu trang".
Những ngày trước đó, khi mà dịch bệnh đã thực sự bùng phát tại Mỹ, hoảng loạn trước sự thiếu hụt vật tư y tế, chính quyền của tổng thống Trump đã cảnh báo các bang rằng họ không nên trông chờ vào chính quyền liên bang trong việc đáp ứng nhu cầu cung ứng y tế. Trong một cuộc hội đàm vào 16/03, Tổng thống Trump đã bảo với các thống đốc rằng chính quyền liên bang sẽ cố gắng giúp đỡ đối với các thiết bị như máy trợ thở, máy hô hấp nhân tạo, còn các thiết bị khác thì các bang phải tự giải quyết.
Chỉ hai tuần sau, Giám đốc Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp (FEMA) Peter Gaynor đã nói với các nhà lập pháp rằng nguồn dự trữ liên bang - dùng để sử dụng khi mà xảy ra thiếu hụt trong những trường hợp y tế khẩn cấp - cũng đã cạn kiệt.
Chính quyền của Tổng thống Trump bị chỉ trích vì đã coi nhẹ mối nguy từ dịch bệnh và đưa ra những thông điệp lộn xộn về việc sử dụng khẩu trang và những cách khác nhau để phòng chống dịch bệnh. Đối với vấn đề cung cấp hỗ trợ y tế cho các tuyến đầu trong cuộc khủng hoảng, các động thái của chính quyền Trump cuối cùng vẫn chỉ là chuyển gánh nặng về cho chính quyền các bang để tự xử lý.
Có một mâu thuẫn thường trực trong nội bộ chính quyền Hoa Kỳ giữa một bên là những việc chính quyền liên bang nên làm và một bên là những việc mà nên để cho các bang tự xử lý. Rất khó để xác định xem liệu giải quyết các vấn đề tại cấp chính quyền liên bang có thể là lời giải hữu hiệu cho đại dịch Covid-19 hay không.
Jared Kushner, con rể đồng thời là chuyên gia tư vấn cho Tổng thống Trump, trong một buổi họp về tình trạng thiếu hụt nguồn cung vào giữa tháng ba đã nói rằng "Chung ta là một tổ chức với 56 khách hàng (ám chỉ các bang và vùng lãnh thổ của Mỹ). Vì vậy, nhiệm vụ của chúng ta không phải là đảm bảo nguồn cung cho họ mà chỉ là giúp họ."
Thay vào đó, cách thức tiếp cận của chính quyền liên bang đã biến các hệ thống bệnh viện và chính quyền các bang trở thành những kẻ thù của nhau.
Các nhà cung cấp dịch vụ y tế đã phải cầu xin và bới tìm mọi ngóc ngách để có đủ nguồn cung. Có trường hợp, bác sỹ do lo ngại đơn hàng khẩu trang và đồ bảo hộ của mình sẽ bị bang khác cướp mất đã phải chia đơn hàng của mình thành hai xe tải khác nhau nhằm đảm bảo ít nhất một xe cũng có thể tới được đích đến.
Các bang chống lại lẫn nhau. Có bang từ chối cung cấp thông tin về các nguồn cung cấp thiết bị vì sợ rằng họ sẽ bị trả giá cao hơn. Thống đốc bang giữ bí mật chi tiết các đơn hàng của mình hoặc cử cảnh sát bang canh giữ các kiện hàng của bang mình tại sân bay.
Trước đó, một số bang và quan chức trong chính quyền Trump đã hối thúc chính quyền liên bang tập trung hóa chuỗi cung ứng nhưng ý tưởng này chưa từng bao giờ được xem trọng trong nội bộ Nhà Trắng. Vào cuối tháng ba, chính quyền Trump bắt đầu đóng vai trò trực tiếp hơn trong việc đẩy nhanh công tác vận chuyển hàng cung cấp. Tuy nhiên, cho tới bây giờ, vấn đề thiếu hụt vẫn còn hiện hữu ở một số khu vực.
"Mọi người đang chết dần"
Một số quan chức cấp cao của chính quyền Trump đã có cảnh báo từ sớm. Peter Navarro, cố vấn các vấn đề liên quan tới chính sách sản xuất cho tổng thống Trump, đã cảnh báo về tình trạng khan hiếm khẩu trang, đồ bảo hộ và đã viết nhiều báo cáo nhấn mạnh vấn đề này. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, các quan chức chóp bu bao gồm cả những người chịu trách nhiệm về cung ứng, lại tập trung vào các vấn đề ngay trước mắt như dịch bệnh trên các tàu sân bay và bỏ qua những báo cáo này.
Trong các vấn đề được nêu ra, ông Navarro đề xuất xây dựng chuỗi cung ứng nội địa bằng việc ngừng xuất khẩu khẩu trang N95 và đảm bảo với các công ty của Mỹ rằng chính quyền liên bang sẽ mua sản phẩm của họ. Tuy nhiên, các quan chức Nhà trắng khác lại lo ngại rằng điều này sẽ gây hại tới khả năng kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc, một ưu tiên quan trọng vào thời điểm đó, và có thể dẫn tới các biện pháp trả đũa.
Mick Mulvaney, quyền chánh văn phòng Nhà trắng, đã triệu hồi ông Navarro vào văn phòng của mình và bảo rằng ông nên chú tâm vào công việc của mình hoặc bị sa thải. Phản hồi lại, ông Navarro đã bảo rằng "Mọi người đang chết dần. Ông cứ làm gì ông cần phải làm còn tôi sẽ làm việc tôi cần làm".
Sự thực là kho dự trữ vật tư y tế của Mỹ thực sự không quá lớn. Đặc biệt, khẩu trang N95, bộ đồ bảo hộ đã cạn kiện trong đơt dịch cúm H1N1 một thập kỷ trước và chưa được bổ sung. Nhiều khẩu trang còn đã quá hạn sử dụng.
Tỷ lệ khẩu trang N95 được sử dụng trung bình tại các bệnh viên là khoảng 350 tới 425 chiếc trên mỗi bệnh nhân nhiễm virus corona. Nếu như có sự tăng đột biến thì nước Mỹ sẽ gặp rắc rối. Một quan chức y tế đã giải trình trước Quốc hội vào ngày 26/02 rằng số lượng dự trữ khẩu trang N95 hiện chỉ còn 12 triệu chiếc trong khi số lượng mà đất nước này cần là 300 triệu.
Thống đốc các bang và nhân viên y tế đã kêu gọi chính quyền giải quyết vấn đề thiếu hụt bằng việc kích hoạt đạo luật Sản Xuất Quốc Phòng, đạo luật giúp Tổng thống được quyền huy động các công ty tư nhân để hỗ trợ quốc phòng. Lúc đầu, chính quyền tỏ ra miễn cưỡng. Họ cho rằng việc áp dụng đạo luật này sẽ khiến các công ty lo ngại chính quyền liên bang can thiệp vào chuỗi cung ứng hiện hữu và trưng dụng dây chuyển sản xuất của họ.
Nhưng cuối cùng đạo luật đã được vào ngày 27/03 để nâng cao sản lượng máy thở từ tháng tư, khẩu trang và que thử swab từ tháng năm, và thêm các bộ test Covid-19 vào tháng 8. Ông Navarro đã giúp hỗ trợ triển khai các vấn đề này.
Vào ngày 09/03, nhiều bang của nước Mỹ bao gồm Washington, Massachusetts, New York và Florida đã liên lạc với chính quyền liên bang và yêu cầu các thiết bị phòng hộ cá nhân. Tuy nhiên, chỉ có một phần yêu cầu của bang Washington là được đáp ứng.
"Tâm trạng thất vọng cùng cực"
Vào tuần đầu tiên của tháng 03, các quan chức của bang Washington, điểm nóng Covid-19 đầu tiên của quốc gia này, đã gửi yêu cầu đối với đồ bảo hộ tới kho dự trữ quốc gia. Nhưng câu trả lời là họ chỉ có thể yêu cầu số lượng thiết bị đủ dùng trong một tuần.
Bang Pennsylvania đệ yêu cầu đầu tiên vào đầu tháng 03. Tuy nhiên, khi chỉ ¼ số lượng yêu được đáp ứng trong một tháng sau, quan chức bang này nhận ra rằng kho dự trữ liên bang đã không đủ cung cấp.
Khi mà trách nhiệm được đẩy xuống cho thống đốc bang và lãnh đạo bệnh viện, một sự cạnh tranh xuất hiện giữa các bang nhằm tìm kiếm các nhà cung cấp. Một số bang trông cậy vào các tập đoàn khi họ đang xây dựng những đội mua sắm khẩn cấp, phối hợp với các hãng giao nhận quốc tế hoặc thậm chí là lừa đảo.
Tình hình càng rối loạn thêm khi chính quyền liên bang bắt đầu đẩy nhanh tiến độ vận chuyển hàng hóa từ nước ngoài về Hoa Kỳ, họ cũng bắt đầu chuyển hướng một số lô hàng thiết bị của các bang sang các điểm nóng hoặc tới kho dự trữ quốc gia, điều này có nghĩa rằng đơn hàng của một số bang bị chiếm đoạt.
Tiến sỹ Andrew Artenstein, giám đốc hệ thống y tế Baystate tại Massachusetts, đã sắp xếp một chuyến hàng khẩu trang từ Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu cấp thiết trên hệ thống các bệnh viện của mình. Tuy nhiên, lô hàng của ông đã được chuyển tới kho hàng tại một bang khác ở bờ tây nước Mỹ và ông lo ngại rằng nó sẽ không được vận chuyển về Massachusetts.
Vì vậy, ông Artenstein đã phải rời nhà từ 4 giờ sáng và một buổi sáng đầu tháng 04 để giải quyết đơn hàng của ông. Hai đặc vụ của Cục điều tra liên bang FBI đã gặp ông tại kho hàng.
Các đặc vụ đã dành hàng giờ đồng hồ thẩm vấn bác sỹ Artenstein về đơn hàng. Khi các đặc vụ bảo với ông rằng lô hàng khẩu trang có thể sẽ bị sung công, ông đã phải liên lạc với văn phòng nghị sĩ bang Richard Neal đồng thời là chủ tịch Ủy ban Tài chính và thuế vụ.
Cuối cùng, FBI cũng đã cho thông quan lô hàng, gồm nhiều hộp có chữ Trung Quốc trên bao bì, được phân chia và chất lên hai xe tải chở hàng vận chuyển. Bác sỹ Artenstein đã thuê hai chiếc xe này không phải vì bị giới hạn lượng hàng có thể chất lên mà muốn mỗi xe đi theo một con đường khác nhau nhằm nâng cao cơ hội hàng hóa có thể tới được Massachusetts. Ông lo sợ rằng với các ca nhiễm Covid đang gia tăng tại New York và New Jersey, lô hàng của ông sẽ bị dừng ở đường biên giới giữa các bang và buộc phải sung công hoặc chuyển cho bang khác cần chúng.
Cả hai xe vận chuyển đều trở về Baystate Health và được giảm sát nghiêm ngặt 24/7 tại kho lưu trữ.
Các bang đã phải lập các nhóm nhằm kiểm tra hàng trăm email chào mời hàng triệu khẩu trang nhưng chủ yếu toàn là những trò lừa đảo.
Một vài nhà phân phối thì kích động các bang chống lại nhau nhằm đẩy giá thành lên và các bang đã bắt đầu nghi ngờ các bang khác đã trả giá cao hơn nhằm mua được hàng. Ngoài ra, chính quyền liên bang cũng thi thoảng chen vào và điều hướng các lô hàng.
Thống đốc bang Maryland, đồng thời thành viên đảng Cộng hòa, ông Larry Hogan đã phải thuê nguyên chuyến bay của hãng hàng không Korean Air để chuyên trở 500.000 bộ test kit Covid-19 từ Seoul tới sân bay quốc tế Baltimore-Washington. Sau khi dỡ hàng, lô hàng được chuyên chở trên các xe tải của lực lượng vệ binh quốc gia của bang, và được hộ tống bởi lực lượng cảnh sát bang Maryland để chuyển các bộ test kit này tới kho hàng an toàn tại một địa điểm bí mật.
Trong một cuộc điều tra vào cuối tháng ba bởi Hội nghị các thị trưởng Hoa Kỳ, 91,5% trong tổng số 213 thành phố tham gia đều nói rằng họ không có đủ khẩu trang cho các đội phản ứng nhanh cũng như nhân lực y tế, và 88,2% trong số đó nói rằng họ không đủ thiết bị bảo hộ để trang bị cho các nhân viên y tế.
Dự án Airbridge
Vào tháng ba, Nhà Trắng đã giao nhiệm vụ cho ông Kushner phối hợp với khu vực tư nhân trong việc đối phó với dịch bệnh corona. Một phần công việc ông phụ trách bao gồm tìm kiếm giải pháp đối với tình trạng thiếu thốn vật tư tại các bang, thành phố và bệnh viện.
Ông bắt đầu bằng việc liên lạc với các tập đoàn như Facebook của Mark Zuckerberg hay Amazon của Jeff Bezos, để tìm kiếm sự tư vấn đối với chuỗi cung ứng logistic và thậm chí thuê cả hãng tư vấn McKinsey và các công ty khác. Sau đó, cùng với chuẩn đô đốc hải quân John Polowczyk, người từ tháng ba đã lãnh đạo một lực lượng đặc nhiệm về vấn đề chuỗi cung ứng, ông đã đưa ra dự án Airbridge.
Dự án với trọng tâm là một thỏa thuận của chính quyền liên bang để chi hơn 140 triệu USD nhằm vận chuyển khẩu trang, áo choàng y tế một cách nhanh chóng trên chuỗi cung ứng hiện tại của quốc gia.
Vào đầu tháng tư, nhiều ngày sau chuyến bay đầu tiên của Airbridge hạ cánh tại New York, giám đốc FEMA, ông Gaynor đã nói với các nhà lập pháp rằng chính phủ mong muốn tránh việc xây dựng ra một hệ thống phân phối liên bang mới.
Trong vòng ba tháng tiếp theo, dự án Airbridge đã nâng tốc độ vận chuyển của 5 triệu khẩu trang N95, 122 triệu khẩu trang phẫu thuật và 937 triệu găng tay với 249 chuyến bay, theo như số liệu của FEMA. Tuy nhiên, chính quyền liên bang không tiết lộ địa điểm mà các hàng hóa này cập bến.
Khi mà số ca nhiễm gia tăng chóng mặt trên khắp nước Mỹ vào hè năm nay, nhiều lời phàn nàn quen thuộc lại xuất hiện.
Kho dự trữ quốc tra hiện đã có 70 triệu khẩu trang N95 và con số này được hy vọng sẽ tăng lên 140 triệu vào cuối tháng 9. Tại thời điểm 21/08, kho dự trữ đã có 100.000 máy thở, tăng thêm 14.000 chiếc so với số liệu đầu năm.
Vào ngày 21/07, Tổng thống Trump đã tuyên bố chiến thắng cuộc khủng hoảng thiếu hụt vật tư, ông nói "Chính quyền của tôi hiện không còn phải xử lý bất kỳ một yêu cầu bổ sung thiết bị nào hay bất kỳ một vấn đề nào từ các thống đốc bang. Hiện không còn bang nào yêu cầu thêm bất cứ thứ gì."
Tuy nhiên, Thống đốc bang Maryland đồng thời thành viên đảng Cộng hòa, Hogan phản hồi vào ngày hôm sau rằng "Rõ ràng, đó không phải là như vậy".