Dưới đây là bài viết trải nghiệm của nữ phóng viên CNN tại những Phòng nghiên cứu phát triển (R&D) của Samsung tại Hàn Quốc.
Tôi đang đứng bên ngoài Thành phố Kỹ thuật số Samsung (Samsung Digital City) – nơi tập trung của 35.000 nhân viên, làm việc, ăn, chơi và sinh sống tại Suwon, Hàn Quốc. Đây giống như một khuôn viên trường đại học hơn với những công viên xanh, rất nhiều người trẻ tuổi đi lại, những câu lạc bộ và quán cà phê. Cũng có những căng tin khổng lồ nơi chứa mọi thứ từ pizza đến kimchi, tất cả đều miễn phí.
Nói cách khác, đây là một nơi làm việc khá tuyệt vời.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, Samsung – nhà sản xuất điện thoại thông minh, thiết bị điện tử và chip nhớ lớn nhất thế giới lại thường xuyên trong trạng thái khủng hoảng. Một phần là bởi Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee từng nói rằng một công ty thành công cần phải duy trì được "độ nhạy cảm cao với khủng hoảng" – nghĩa là dù trong những thời điểm tốt đẹp nhất, họ vẫn cần phải lường trước được những thay đổi.
Điều đó chưa bao giờ đúng hơn bây giờ. Doanh thu điện thoại thông minh toàn cầu đang sụt giảm, gây áp lực lên mảng kinh doanh lớn nhất của Samsung Electronics. Chiến tranh thương mại nổ ra giữa Hàn Quốc và Nhật Bản khiến công ty này có nguy cơ bị tăng chi phí. Và nhà lãnh đạo trẻ tuổi, người thừa kế sáng giá của tập đoàn Lee Jae-yong, con trai chủ tịch lại đang đối mặt với khả năng ngồi tù.
Dưới áp lực từ nhiều phía, Samsung phải tự thúc đẩy mình tìm ra một thứ gì đó mới mẻ hậu điện thoại thông minh hay chip nhớ để có thể thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai của công ty. Họ đã rót khoảng 22 tỷ USD trong 3 năm qua vào những lĩnh vực 5G và điện tử tự động. Hầu hết những cải tiến đó đều ra đời từ những phòng nghiên cứu, phát triển tại Digital City.
Văn hóa khủng hoảng và không ngừng cải tiến
Trên đường đến những phòng nghiên cứu phát triển bí mật của Samsung, tôi có đi qua Bảo tàng sáng tạo của công ty, một khu vực công khai mở cho khách tham quan. Đó không chỉ là nơi trưng bày những sản phẩm của Samsung mà cả những cái tên lớn trong lịch sử ngành công nghệ tiêu dùng. Từ máy hút bụi Hoover, chiếc Sony Trinitron TV hay loại chip đời đầu của Intel.
Tuy nhiên khi bước vào các phòng nghiên cứu phát triển của Samsung hoàn toàn khác. Hệ thống bảo mật trong mọi tòa nhà theo dõi việc ra vào của tất cả mọi người, gồm cả nhân viên.
Dĩ nhiên, những đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Samsung như Apple, Huawei, Google và Amazon đều có phòng nghiên cứu bí mật. Tuy nhiên, Samsung vốn nổi tiếng có tốc độ nhanh hơn đối thủ. Chiến lược đó sẽ tạo ra trái ngọt khi mọi chuyện suôn sẻ - nhưng cũng có thể gây ra thất vọng lớn.
Một ví dụ là: Đầu năm nay, khi Samsung vội vã cho ra mắt dòng điện thoại gập Galaxy Fold, những người trải nghiệm đầu tiên phàn nàn rằng màn hình bị vỡ. Samsung hoãn kế hoạch ra mắt, thay đổi thiết kế và giờ mới cho ra phiên bản mới ở Hàn Quốc.
Với một công ty được xây dựng dựa trên văn hóa khủng hoảng, vòng quay sáng tạo, thất bại rồi lại sáng tạo dường như đã ăn sâu vào máu của họ. "Điểm mấu chốt khi gặp khủng hoảng là làm sao kiểm soát được rủi ro, làm sao để điều hành doanh nghiệp đó trong tương lai", theo CEO Samsung Electronics Hyun-Suk Kim. "Chúng tôi tin rằng khủng hoảng là cơ hội để đẩy tăng trưởng trong tương lai".
Tương lai hậu smartphone
Sau những vòng kiểm tra nghiêm ngặt, tôi bước vào căn phòng làm việc của dự án Digital Cockpit. Ở đây, Phó chủ tịch Samsung Taeing Yeo cùng đội ngũ của mình đang tháo dỡ một chiếc xe ô tô để cài đặt một màn hình điều khiển công nghệ cao.
Samsung nói rằng có thể cho ra mắt sản phẩm này vào năm 2020. Bên trong là 6 màn hình trải dài, biến nó thành một bảng điều khiển nhìn rất hiện đại. Thay vì dùng một tablet lớn như trong xe Tesla, Samsung đã chọn trải nghiệm bảng điều khiển ngang giống truyền thống.
Dĩ nhiên, Samsung không đơn độc trong tham vọng đánh chiếm thị trường xe kết nối, một vài tên tuổi lớn cũng tham gia vào cuộc chơi này như Intel hay Google.
Tuy nhiên, Samsung đang tiến về phía trước với tốc độ chóng mặt. 4 năm trước, công ty chưa có mặt trong cuộc chơi này vậy mà năm 2016, họ đã mua công ty có trụ sở tại Mỹ với giá 8 tỷ USD. Đến năm 2018, họ đã trở thành nhà phân phối số 1 về các sản phẩm giải trí trên xe hơi, thu về 5 tỷ USD doanh thu.
Một dự án khác là Relumino đang phát triển phầm mềm giúp những người mù có thể nhìn thấy ánh sáng. "Mọi thứ vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển, vì vậy chúng tôi còn con đường dài phía trước", Junghoon Cho – giám đốc dự án Relumino nói. "Tôi chỉ hy vọng rằng chúng tôi có thể giúp người mù cảm nhận thấy cuộc sống mà hầu hết mọi người bình thường đều có".
Để trải nghiệm cách thiết bị Samsung đang phát triển hoạt động, tôi đã đeo cặp kính đục khiến mọi thứ xung quanh tôi trở nên mờ đục.
Tuy nhiên khi đeo cặp kính thực tế ảo với điện thoại thông minh Samsung và ứng dụng Relumini, tôi ngay lập tức có thể nhận ra mọi thứ xung quanh mình.
Sử dụng rất nhiều thuật toán khác nhau, phần mềm Relumini nhận diện và phác thảo ra cho người dùng hình ảnh trước mắt.
Cũng có những đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực này như eSight và IrisVision cung cấp những thiết bị tương tự. Tuy nhiên Cho nói rằng các thuật toán của Relumini đẩy công nghệ này lên một tầm cao mới.
Đó không phải những sáng tạo duy nhất của Samsung. Tại C-Lab, trung tâm khởi nghiệp bên trong Samsung, hàng loạt thiết bị khác đang được ấp ủ. Đó có thể là chiếc máy in không dùng mực in trực tiếp lên giấy ghi chú, camera tầm nhiệt và tìm người mất tích cho lính cứu hỏa.
Với CEO Hyun-Suk Kim – người đã làm việc tại Samsung từ năm 1992, CLab đại diện cho một thứ văn hóa khác biệt cho Samsung Electronics. "Chúng tôi đang tạo ra một văn hóa startup bên trong gã khổng lồ Samsung. Chúng tôi muốn văn hóa của mình trở nên khác biệt".
"Đổi mới là công việc của chúng tôi. Lý do Samsung thành công là nhờ đổi mới".