Một ông bố trẻ tên Earl Wilson đã đăng tải lên Facebook cá nhân câu chuyện thật của gia đình mình như một lời cảnh báo tới các ông bố bà mẹ có con nhỏ, đặc biệt là những phụ huynh thường xuyên cho con sử dụng núm vú giả.
Theo anh Wilson, gia đình anh đã mua chiếc núm vú giả của thương hiệu Tommee Tippee tại một chi nhánh của chuỗi cửa hàng B&M ở Doncaster, South Yorkshire, Anh.
Trong lúc cô con gái 18 tháng đang mải mê ngậm chiếc núm vú giả thì phần vú cao su đột ngột rời ra khiến cho cô bé bị nghẹn tái xanh mặt, suýt chút nữa dẫn tới tử vong.
Phần đầu núm vú cao su bị rời ra làm con gái anh Wilson suýt chút nữa chết ngạt.
Anh Wilson đã chia sẻ trên Facebook cá nhân như sau:
"Các bố mẹ hãy hết sức cẩn thận khi cho con sử dụng núm vú giả. Sáng hôm 27/2 vừa qua, con gái tôi đã suýt nữa bị nghẹn chết khi đang ngậm một chiếc núm vú của Tommee Tippee.
Nếu vợ tôi không nhanh trí xử lý tình hình thì tôi không dám tưởng tượng chuyện gì đã xảy ra nữa. Con gái tôi mặt xám ngoét. May mà vợ tôi đã lấy được đầu vú cao su ra khỏi họng con bé.
Tuy nhiên, tôi cảm thấy rất lo ngại vì hầu hết các bố mẹ đều cho con ngậm núm vú giả khi đi ngủ. Nếu chuyện đó xảy ra vào ban đêm, tôi không nghĩ con gái mình có thể thoát nạn. Tôi đã tới cửa hàng B&M ở đường York để nói rõ về sự việc và họ nói sẽ liên lạc với tổng công ty".
Chia sẻ của anh Earl Wilson trên Facebook cá nhân đã thu hút nhiều lượt chia sẻ và bình luận của các ông bố bà mẹ.
Những dòng chia sẻ của anh Wilson đã khuấy đảo cộng đồng mạng với hàng nghìn chia sẻ và bình luận của các ông bố bà mẹ. Trong đó, nhiều bà mẹ cho biết con họ cũng từng bị nghẹn vì núm vú giả.
"Con gái tôi cũng suýt nữa nghẹt thở vì một chiếc núm vú giả. Ở bên ngoài, tôi chợt nghe thấy tiếng con như nghẹt lại nên vội chạy vào phòng kiểm tra thì thấy cả đầu núm vú bị rời ra rơi vào miệng con bé.
Tôi cho rằng đầu vú của Tommee Tippee quá nhỏ nên mới dễ bị rời ra như vậy. Thiết nghĩ, hãng sản xuất nên có động thái cụ thể để xử lý sai sót của sản phẩm", một bà mẹ có con cũng từng bị nghẹn khi sử dụng núm vú của Tommee Tippee cho biết.
Sản phẩm núm vú giả cho các bé từ 6 đến 18 tháng cửa Tommee Tippee.
Sau khi liên lạc với các phụ huynh phản ánh về tình trạng đầu vú cao su bị rời ra và đề nghị họ gửi sản phẩm lỗi về công ty để kiểm tra, hãng Tommee Tippee đã hứa sẽ xem xét và làm thực nghiệm đầy đủ để tìm ra nguyên nhân.
Tuy nhiên, sau đó hãng này khẳng định tất cả sản phẩm của họ đều "tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt của Châu Âu". Sau những dòng cảnh báo trên Facebook cá nhân của Wilson, hãng cũng không nhận thêm phản ánh nào từ phía người dùng.
Người phát ngôn của hãng Tommee Tippee cho hay sự an toàn và sức khỏe của các em bé chính là tôn chỉ của công ty và họ rất coi trọng điều đó.
"Chúng tôi gửi lời xin lỗi chân thành tới gia đình anh Earl về những nỗi lo lắng mà họ phải trải qua. Chúng tôi sẽ điều tra làm rõ sự việc. Đòng thời, công ty cũng đã yêu cầu chị Sam, vợ anh Earl gửi lại sản phẩm bị lỗi để kiểm tra.
Chúng tôi muốn khẳng định với các bậc phụ huynh rằng tất cả các sản phẩm của chúng tôi đều tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn của Châu Âu.
Tuy nhiên, giống như tất cả các nhà sản xuất khác, chúng tôi luôn khuyến cáo phụ huynh nên kiểm tra núm vú thường xuyên xem có vết rách nào hay không trước khi sử dụng để tránh các trường hợp xấu xảy ra", đại diện của hãng Tommee Tippee cho biết.
Các nguy cơ thường gặp với trẻ ngậm núm vú giả
Theo nhiều khảo sát, điều tra, những đứa trẻ hay ngậm núm vú giả có nguy cơ mắc các bệnh về răng miệng và viêm tai giữa cao hơn những bé không ngậm. Các chuyên gia cho rằng việc ngậm núm vú cao su lâu ngày sẽ gây ảnh hưởng xấu sự phát triển tự nhiên của răng và hàm.
Bên cạnh đó, chiếc núm vú có thể trở thành ổ chứa vi khuẩn, gây các bệnh vì đường tiêu hóa nếu không được tiệt trùng cẩn thận.
Một mối nguy hiểm tiềm ẩn nữa mà các ông bố bà mẹ có con nhỏ thường quên mất đó là chiếc núm vú bị nứt có thể bị đứt ra khiến các bé nuốt phải, gây ngạt thở không phát hiện kịp thời.
Đâu chỉ có vậy, theo kết quả nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí khoa học Journal of Applied Toxicology, những chiếc núm vú giả hay miếng gặm nướu còn có thể chứa những chất hóa học gây rối loạn nội tiết và propylparaben (thuộc họ paraben) thường được dùng trong mỹ phẩm.
Cách sử dụng núm vú giả cho trẻ đúng cách
Chính bởi các lý do trên, nếu cho con sử dụng núm vú giả, cha mẹ cần hết sức cẩn trọng và ghi nhớ những điều sau:
- Chọn sản phẩm có xuất xứ rõ ràng với các chất liệu an toàn, không chứa BPA.
- Nên chọn núm vú giả có lỗ thông khí và phần đế lớn hơn miệng bé.
- Vệ sinh sạch sẽ núm vú giả trước khi cho bé ngậm, sau đó tiệt trùng bằng cách luộc lại bằng nước sôi.
- Thường xuyên kiểm tra núm vú giả để phát hiện các vết rách có thể khiến đầu vú cao su bị đứt ra, khiến bé nuốt phải bị hóc và gây tắc đường hô hấp.
- Theo các chuyên gia, tốt nhất cha mẹ nên dừng thói quen ngậm núm vú giả khi bé lên 2 nếu không muốn gây ảnh hưởng đến sự phát triển của răng sau này.
Cách xử lý khi trẻ bị ngạt khi nuốt phải dị vật
Trong trường hợp trẻ bị hóc do nuốt phải dị vật, làm nghẹt đường hô hấp và dẫn đến khó thở, các bậc phụ huynh hãy nhớ làm theo đúng các bước được các chuyên gia hướng dẫn trong video dưới đây:
Clip: Sơ cứu trẻ bị ngạt do nuốt phải dị vật làm tắc đường thở.