Bé 3 tuổi giẫm chân lên ghế, mẹ nói một câu khiến ai cũng ngán ngẩm: Còn dạy dỗ thế này thì hỏng cả con!

Ứng Hà Chi |

Lời nói của người mẹ bị nhiều người chê trách nặng nề.

Đối với những người làm cha, làm mẹ, bất kể lời nói và hành động nào của con, họ cũng chịu được. Họ yêu thương con vô điều kiện và không nỡ trách mắng khi con mắc lỗi sai. Đặc biệt là khi con còn nhỏ, họ sẽ thường xuề xòa cho qua mọi lỗi lầm.

Tuy nhiên, nếu cha mẹ không uốn nắn lời nói và hành động cho con từ sớm khi ở nhà thì khi ra ngoài, con sẽ thực hiện những hành vi không đúng chuẩn mực. Điều này gây phiền toái cho mọi người xung quanh. Câu chuyện dưới đây là hồi chuông cảnh tỉnh những bậc phụ huynh đang nuông chiều con quá mức, bỏ qua những lỗi sai con mắc phải.

Lệ Giang, 28 tuổi (Trung Quốc) có một cô con gái vừa tròn 3 tuổi. Vào ngày cuối tuần, cô đưa con gái đi uống cà phê với bạn. Con Lệ Giang đang tuổi hiếu động nên ngay sau khi vào quán đã nô đùa ầm ĩ, bày bừa đồ chơi khắp nơi. Thậm chí cô bé còn nghịch cốc hoa quả trên bàn khiến mọi thứ vương vãi.

Thấy con như vậy nhưng Lệ Giang vẫn tiếp tục tán gẫu với bạn thân. Cô không muốn con gái làm phiền mình nên để con mặc sức nghịch ngợm. Cô tặc lưỡi nghĩ rằng cứ để con bừa bộn, tý nữa cô sẽ thu dọn sau.

Con gái Lệ Giang tiếp tục chơi đùa, thậm chí cô bé còn đi cả giày rồi trèo lên ghế sô pha để nhún nhảy. Một vài vị khách ngồi bàn bên cạnh lắc đầu ngao ngán: "Sao mẹ lại để con đi giày bẩn rồi giẫm lên ghế vậy nhỉ? Sao không nhắc nhở con mình? Bẩn như vậy thì người đến sau làm sao có thể ngồi".

Bé 3 tuổi giẫm chân lên ghế, mẹ nói một câu khiến ai cũng ngán ngẩm: Còn dạy dỗ thế này thì hỏng cả con! - Ảnh 1.

Lệ Giang mặc kệ con gái đi cả giày rồi trèo lên ghế sô pha.

Lệ Giang thấy vậy liền đáp lại bằng thái độ khó chịu: "Giày con tôi rất sạch, giẫm lên ghế cũng chẳng sao". Một vị khách lên tiếng: "Vấn đề không phải là bẩn hay sạch mà là cách nuôi dạy con của cô. Cô như vậy có thể làm hư con đấy".

Sau đó, 2 bên cãi nhau to, mọi người xung quanh xì xào bàn tán. Con gái Lệ Giang sợ đến mức bật khóc nức nở. Thấy ồn ào, quản lý quán cà phê phải đứng ra hòa giải. Người quản lý phân tích cho Lệ Giang hiểu quy định chung của quán là phải luôn để trẻ trong tầm mắt bởi nếu không sẽ gây nguy hiểm cho trẻ và làm ảnh hưởng đến người khác. Lệ Giang hiểu ra vấn đề liền lấy khăn trong túi lau sạch vết chân trên ghế mà con giẫm lên.

Từ câu chuyện của Lệ Giang, các bậc phụ huynh cần có những phương pháp xử lý nếu con nghịch ngợm ở nơi công cộng. Cha mẹ có thể áp dụng các cách sau:

1. Ngăn chặn kịp thời hành vi của trẻ

Một đứa trẻ lớn lên trở thành người như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào cách giáo dục của cha mẹ. Sự hướng dẫn đúng đắn sẽ hình thành nhân cách tốt, đồng thời giúp trẻ có lời nói và lối cư xử chuẩn mực.

Nhiều bậc cha mẹ vì yêu thương, nuông chiều nên sẵn sàng tha thứ cho lỗi lầm con gây ra với lý do "con còn nhỏ, chưa hiểu chuyện". Tuy nhiên, đây là cách gián tiếp hủy hoại đứa trẻ, khiến trẻ lớn lên có thể trở thành người không có phép tắc.

Để ngăn ngừa tình trạng này, khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ cần nghiêm khắc nhưng vẫn có sự khéo léo trong việc chỉ ra lỗi sai. Hãy phân tích cho trẻ hiểu trẻ sai ở đâu, cách khắc phục ra sao, thậm chí áp dụng hình thức kỷ luật nếu lỗi sai nghiêm trọng. Trẻ cần phải nhận thức rõ lỗi lầm của mình mới có thể tiến bộ được.

Bé 3 tuổi giẫm chân lên ghế, mẹ nói một câu khiến ai cũng ngán ngẩm: Còn dạy dỗ thế này thì hỏng cả con! - Ảnh 2.

Khi con mắc lỗi, việc đầu tiên cha mẹ cần làm là giúp trẻ nhận biết lỗi sai. (Ảnh minh họa)

2. Cha mẹ cần là tấm gương sáng về nhân cách cho con

Đôi khi nhiều hành vi của trẻ không tự dưng mà có, phần lớn do bắt chước cha mẹ. Vì thế, cha mẹ cần chú ý tới lời nói, việc làm của mình trước mặt con. Hãy cố gắng là hình mẫu chuẩn mực để con noi theo.

Chỉ khi cha mẹ kiểm soát được lời nói, hành động, việc làm mới có thể trở thành gương sáng cho con. Ngược lại, con cái cũng chính là tấm gương phản chiếu tính tính cách của cha mẹ. Chẳng hạn nếu trẻ biết quan tâm, yêu thương, giúp đỡ người khác, chứng tỏ cha mẹ trẻ là người tốt bụng, nhân hậu. Hay trẻ biết giữ trật tự nơi đông người, xếp hàng khi thanh toán, chứng tỏ trẻ được dạy dỗ cẩn thận, tinh tế.

Bé 3 tuổi giẫm chân lên ghế, mẹ nói một câu khiến ai cũng ngán ngẩm: Còn dạy dỗ thế này thì hỏng cả con! - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

3. Dạy trẻ chấp hành các quy tắc trong cuộc sống

Đa số trẻ nhỏ thường nghịch ngợm, hiếu động, chưa phân biệt được điều gì nên và không nên. Vì thế, trẻ cần được cha mẹ uốn nắn sớm bằng cách đặt ra các quy tắc. Những quy định, quy tắc sẽ giúp trẻ trở thành người sống kỷ luật. Đây cũng là yếu tố giúp trẻ sớm thành công trong tương lai.

Cha mẹ không nên nghĩ rằng trẻ còn quá nhỏ để hiểu mọi chuyện. Chỉ cần cha mẹ lựa chọn thời điểm phù hợp để nhắc nhở trẻ, áp dụng hình thức thưởng phạt sẽ giúp trẻ hiểu ra những quy tắc.

4. Không chiều chuộng trẻ quá mức

Nuông chiều quá mức là cách hủy hoại tương lai đứa trẻ nhanh nhất. Chiều chuộng, yêu thương một cách mù quáng sẽ khiến đường đời sau này của trẻ trắc trở. Chỉ bằng cách dạy trẻ phân biệt đúng sai, hình thành nhân cách tốt mới giúp ích cho sự trưởng thành của trẻ.

Cha mẹ muốn con mình được người khác kính trọng, nể phục thì không được lơ là trong việc giáo dục khi con còn nhỏ. Chìa khóa thành công của một người không nằm ở chỉ số IQ mà là ở tính cách và lối hành xử.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại