img

Kể từ khoảnh khắc cầm quân cờ đầu tiên, Siêu kỳ thủ Lê Quang Liêm đã trải qua 23 năm thi đấu, tham gia gần như đầy đủ các hệ thống giải trong nước và quốc tế, chạm trán nhiều đối thủ sừng sỏ. Anh tạo ra dấu ấn bằng các mốc son lịch sử cho cờ Vua Việt Nam: người Việt đầu tiên vô địch châu Á, Vô địch thế giới cờ chớp, top 20 kỳ thủ xuất sắc nhất thế giới... Không ồn ào, cũng chẳng phô trương, Lê Quang Liêm vẫn lặng lẽ bước trên con đường viết thêm nhiều trang sử mới để khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ cờ Vua thế giới.

Báu vật trăm năm cờ Vua Việt: Bán đất đấu giải, thuê thầy 1 chỉ vàng/giờ & kỳ tích để đời - Ảnh 1.

Vào năm 2006, một cú sốc lớn đến với cờ Vua Việt Nam khi nữ kỳ thủ top 15 thế giới Hoàng Thanh Trang tuyên bố chia tay đội tuyển để chuyển sang thi đấu cho Liên đoàn cờ Vua Hungary. Trước sự mất mát to lớn này, người yêu cờ Việt Nam day dứt với câu hỏi sau Trang sẽ là ai kế tục? Và Lê Quang Liêm đã xuất hiện ngay sau đó!

Liêm tiếp xúc với cờ Vua từ năm lên 7 tuổi do anh trai Lê Quang Long chỉ dẫn. Sau một thời gian ngắn, chính Quang Long cũng tự nhận ra mình không thể nào đánh bại được cậu em trai. Cũng từ giây phút ấy, một thiên tài cờ Vua của Việt Nam hình thành.

Ngoài anh trai, HLV tuyển quốc gia Lâm Minh Châu cũng sớm phát hiện ra tài năng đặc biệt của Lê Quang Liêm. Trong ký ức của người đàn ông sinh năm 1961, Liêm là cậu bé "rất bình thường", nhưng ẩn sâu trong cái bình thường đó là một siêu kỳ thủ "hiếm có khó tìm" trong lịch sử.

Báu vật trăm năm cờ Vua Việt: Bán đất đấu giải, thuê thầy 1 chỉ vàng/giờ & kỳ tích để đời - Ảnh 2.

"Để đánh giá ngay từ đầu thì tôi phải nói thật là Liêm không bộc lộ gì cả. Nó giống như một viên ngọc ẩn trong đá, phải trải qua thời gian thử thách, càng thử thách nhiều thì viên đá đó càng tỏa sáng. Tố chất của Liêm là có nhưng nó không rõ ràng mà phải có sự kiên trì, đam mê cộng với khổ luyện lâu dài thì mới thành công", ông Châu nói về cậu học trò thiên tài.

Giai đoạn 2000 -2005, Lê Quang Liêm đã ghi dấu ấn trong làng cờ Việt Nam bằng nhiều danh hiệu quốc gia, khu vực Đông Nam Á và đỉnh cao là chức Vô địch thế giới lứa tuổi U14. Bước qua tuổi 15, Quang Liêm chính thức đạt được danh hiệu Đại kiện tướng quốc tế (GM). Anh là kỳ thủ trẻ tuổi thứ 2 của Việt Nam vinh hạnh có danh hiệu này sau Nguyễn Ngọc Trường Sơn (đạt GM năm 2004, 14 tuổi).

Việc thường xuyên thi đấu ở các giải quốc tế đã nâng tầm đẳng cấp và giúp kỳ thủ Việt Nam tích lũy điểm số để từng bước thăng hạng. Năm 2011, tức 5 năm sau khi đạt GM, Lê Quang Liêm vượt qua cột mốc điểm Elo 2700 để trở thành Siêu Đại kiện tướng quốc tế đầu tiên trong lịch sử cờ Vua Việt Nam ở tuổi 20. Anh cũng là kỳ thủ châu Á thứ 4 nằm trong danh sách và duy nhất của Đông Nam Á có được niềm tự hào to lớn đó.

Các con số thống kê của Liên đoàn Cờ Vua Quốc tế FIDE chỉ ra rằng, trên thế giới có khoảng 600 triệu người chơi cờ Vua thường xuyên. Trong đó có hơn 1.500 người đạt được danh hiệu Đại kiện tướng quốc tế (ĐKTQT) và chỉ có 40 người đạt đến danh hiệu cao nhất là Siêu ĐKTQT.

Thực tế, cờ Vua Việt Nam không thiếu nhân tài nhưng để vươn lên đến đẳng cấp Siêu ĐKTQT thì chưa ai làm được. Trước Lê Quang Liêm, một tên tuổi để lại dấu ấn lớn, đặt nền móng ban đầu cho vị thế của Việt Nam trên đấu trường quốc tế, đó là Đại kiện tướng Đào Thiên Hải (SN 1978) - kỳ thủ đầu tiên lọt vào top 100 thế giới khi tròn 15 tuổi. Hải cũng từng có cơ hội chạm trán "Hoàng đế cờ Vua" Garry Kasparov vào năm 2001, một thành tích rất đáng gờm của kỳ thủ Việt Nam thời đó.

"Thần đồng cờ Vua" cùng thời với Liêm là Nguyễn Ngọc Trường Sơn cũng sớm đạt danh hiệu GM ở độ tuổi rất trẻ, nhưng đã gần 18 năm trôi qua, kỳ thủ quê Kiên Giang vẫn chưa thể chinh phục cột mốc Elo 2700.

So sánh để thấy thành tích của Quang Liêm vượt xa giá trị chuyên môn vốn đã cực khó, đồng thời nâng tầm tên tuổi của anh lên vị thế mới. Xét về mặt bằng chung của thể thao Việt Nam, hiếm ai được quốc tế săn đón như Liêm. Anh từng được mời sang đấu thuê tại các CLB hàng đầu của 4 cường quốc cờ Vua thế giới gồm Nga, Đức, Pháp và Trung Quốc. Ở bất cứ nơi nào góp mặt, Quang Liêm cũng đóng vai sứ giả đầy tự hào cho giới trẻ Việt, cũng như hoàn thành xuất sắc trọng trách của một ngôi sao.

HLV quốc gia Lâm Minh Châu cho rằng con số chỉ có 40 Siêu ĐKTQT trên toàn thế giới đã đủ nói lên ý nghĩa và tầm vóc "khủng" như thế nào. Và việc Lê Quang Liêm chạm tới cột mốc đỉnh cao đó xứng đáng đi vào lịch sử cờ Vua nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung.

Báu vật trăm năm cờ Vua Việt: Bán đất đấu giải, thuê thầy 1 chỉ vàng/giờ & kỳ tích để đời - Ảnh 3.
Báu vật trăm năm cờ Vua Việt: Bán đất đấu giải, thuê thầy 1 chỉ vàng/giờ & kỳ tích để đời - Ảnh 4.

Siêu Đại kiện tướng quốc tế duy nhất của Việt Nam đi lên bằng tài năng thiên phú, cộng với sự kiên trì khổ luyện và cả bệ phóng vững chắc từ gia đình và xã hội. Hiếm ai trong làng thể thao có được sự đào tạo bài bản trong việc học văn hóa cùng các kiến thức, kỹ năng toàn diện như Lê Quang Liêm.

Đầu năm 2001, khi Liêm đi Ấn Độ đấu giải nhưng lại không có tiền. Vợ chồng ông Lê Quang Quýnh và bà Trần Mỹ Lệ (bố mẹ Liêm) đã quyết định bán đi mảnh đất dự định xây nhà ở Quận 2, trích ra 30 triệu (khoảng 4,5 cây vàng thời đó) làm kinh phí để Liêm xuất ngoại thi đấu. Mảnh đất đó về sau giá trị tăng gấp nhiều lần nhưng gia đình không bao giờ hối tiếc.

Cũng từ thời điểm đó, gia đình đã bắt đầu tự lo chi phí để Liêm tham gia thi đấu quốc tế, mỗi chuyến đi dao động từ 50 - 70 triệu đồng. Ước tính số tiền mà gia đình đầu tư cho đam mê của Liêm hằng năm rơi vào khoảng 200 - 300 triệu. Hơn 20 năm trước, số tiền này rất lớn, có thể đủ để mua vài mảnh đất ở Sài Gòn.

Ngoài tập với các huấn luyện viên trong nước, Liêm cũng được lãnh đạo bộ môn tạo điều kiện học hỏi nhiều chuyên gia nước ngoài với mức phí rất đắt đỏ. Theo thông tin được tiết lộ vào năm 2006, Liêm từng thọ giáo chuyên gia người Nga Bareev (từng là HLV trưởng đội cờ Vua Nga) ở một resort tận Phan Thiết với học phí lên đến 50 USD/giờ (tương đương gần 1 chỉ vàng).

Báu vật trăm năm cờ Vua Việt: Bán đất đấu giải, thuê thầy 1 chỉ vàng/giờ & kỳ tích để đời - Ảnh 5.

Những con số thống kê cho thấy để có một Quang Liêm xuất sắc như hiện tại thì mức đầu tư là lớn như thế nào. Tuy nhiên, gia đình Liêm chưa bao giờ muốn nhắc đến những chuyện này: "Chúng tôi không nghĩ ngợi về tương lai con cái theo những hình thức giả định hoặc giá mà. Chúng tôi chỉ định hướng cho con theo cách ông bà mình dạy là "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh". Chúng tôi chỉ khuyên con là hãy chọn nghề mà các con thích, học giỏi và đam mê để có thể theo đến cùng thì cứ thế mà làm.

Khi Liêm còn phụ thuộc kinh tế gia đình, chúng tôi chưa bao giờ nói chuyện với con rằng "đi chuyến này tốn hết bao nhiêu, giải thưởng được bao nhiêu mới đủ bù…". Vì chúng tôi nghĩ nói ra điều đó là đặt thêm áp lực cho con, và làm hại tinh thần thi đấu của con".

Khi được hỏi đầu tư như vậy cho Liêm liệu có khó khăn gì đối với gia đình không, người bố đáp: "Chúng tôi vẫn hay nửa đùa nửa thật nói với nhau rằng Liêm sử dụng tiền thưởng theo kiểu lấy mỡ nó rán nó, nghĩa là lấy tiền thưởng kỳ này đầu tư cho kỳ sau… và cái chuỗi đó cứ lập đi lập lại xuyên suốt.

May mà mỡ luôn có để rán! (cười -PV)".

Thế mới thấy ngoài việc lấy "mỡ nó rán nó" thì kinh tế gia đình Lê Quang Liêm đóng góp rất lớn vào thành công của anh. Ngoài ra, một điều đặc biệt nữa đó là Liêm nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ phía lãnh đạo bộ môn của TP.HCM.

"Đầu năm 2007 sau khi Liêm vô địch giải Khu vực 3.3 và giành quyền tham dự Giải World Cup, chúng tôi có buổi làm việc với lãnh đạo bộ môn cờ thuộc Sở Thể dục Thể thao TP.HCM để trình bày kế hoạch phát triển chuyên môn của Liêm sau 3 năm và các cột mốc đạt được nếu thành phố có quỹ đầu tư cho Liêm tập luyện và thi đấu. Kết quả là lãnh đạo Sở đã thống nhất và luôn tạo điều kiện về tài chính, thủ tục để Liêm được đi thi đấu theo kế hoạch đã thống nhất. Sự hợp tác và tin tưởng nhau giữa Sở TDTT và gia đình, cũng như sự làm việc bền bỉ của Liêm đã tạo điều kiện để con trai chúng tôi có chỗ đứng trong giới cờ như hôm nay", ông Quýnh nói thêm.

Quang Liêm cũng thừa nhận con đường đi lên Siêu Đại kiện tướng của anh luôn được thành phố tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí trong nhiều chuyến thi đấu nước ngoài, học tập với chuyên gia. Đó cũng là thuận lợi của anh so với nhiều kỳ thủ khác.

Cái thuận lợi đó được xem là yếu tố then chốt giúp Liêm luôn tập trung thi đấu hết mình mà không cần phải bận tâm đến những vấn đề khác. Ngay chính Nguyễn Ngọc Trường Sơn cũng từng khẳng định: "Để một kỳ thủ có thể phát triển tới trình độ cao, đòi hỏi nhiều yếu tố như năng khiếu, đầu tư, sự chuyên nghiệp... Trước giờ ở Việt Nam chỉ có Quang Liêm là trường hợp đặc biệt, hội tụ đủ những yếu tố cần thiết đó". So với Liêm, Sơn không kém cạnh về tài năng nhưng kỳ thủ Kiên Giang không có sự đầu tư cần thiết để vươn đến đỉnh vinh quang như người đồng nghiệp.

Báu vật trăm năm cờ Vua Việt: Bán đất đấu giải, thuê thầy 1 chỉ vàng/giờ & kỳ tích để đời - Ảnh 6.
Báu vật trăm năm cờ Vua Việt: Bán đất đấu giải, thuê thầy 1 chỉ vàng/giờ & kỳ tích để đời - Ảnh 7.

Tính đến thời điểm hiện tại, Siêu Đại kiện tướng Lê Quang Liêm đã gắn bó với cờ Vua 23 năm và gặt được vô số thành tích mang tính lịch sử từ vô địch SEA Games (2011), vô địch châu Á (2019) đến cả chức vô địch thế giới nội dung cờ chớp (2013). Ngoài ra, anh cũng là kỳ thủ duy nhất từ trước đến nay của Việt Nam từng lọt vào top 20 thế giới vào năm 2018.

Nói đến Quang Liêm là người ta sẽ nghĩ đến những danh hiệu, những kỷ lục mà chắc chắn rằng sẽ còn rất lâu nữa cờ Vua Việt Nam mới có người đạt đến đỉnh cao như vậy. Cờ Vua là môn thể thao lặng lẽ nhưng lại đầy trí tuệ. Tuy nhiên chính cờ Vua lại trở thành niềm kiêu hãnh cho người hâm mộ, mà ở đó Quang Liêm là đại sứ đưa thể thao Việt Nam vươn tầm thế giới. Như lời Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã từng nói: "Ghi tên trên bản đồ thế giới chỉ có môn cờ Vua".

Trong tiềm thức của Quang Liêm việc đầu quân cho một Liên đoàn cờ Vua khác ngoài Việt Nam là điều anh chưa bao giờ nghĩ đến. Rất nhiều lần kỳ thủ sinh năm 1991 từng bày tỏ: "Tôi chưa nhận lời mời thi đấu cho Liên đoàn cờ Vua nước nào khác và cũng không có ý định này".

Chính HLV Lâm Minh Châu cũng rất cảm phục tinh thần của cậu học trò. Bài học mất đi Hoàng Thanh Trang trong quá khứ luôn khiến những người làm lãnh đạo cờ Vua phải suy nghĩ về chế độ đãi ngộ cho VĐV. Nhưng với Lê Quang Liêm thì có vẻ như những yếu tố bên ngoài khó lòng ảnh hưởng đến lý tưởng phục vụ cho nền cờ Vua của đất nước.

Báu vật trăm năm cờ Vua Việt: Bán đất đấu giải, thuê thầy 1 chỉ vàng/giờ & kỳ tích để đời - Ảnh 8.

Ông Châu cho rằng với đẳng cấp của Liêm thì chỉ cần một cái gật đầu là hoàn toàn có thể có nhiều môi trường thi đấu tốt hơn. "Một VĐV thì điều quan trọng nhất là phải được thi đấu vì chỉ có thi đấu thì mới tỏa sáng được. Đối với Liêm thì có quá nhiều yếu tố thuận lợi hội tụ đủ, một môi trường tốt hơn, một điều kiện tốt hơn thì hoàn toàn không có hại gì cả. Chỉ cần một cái gật đầu là xong. Để mà giữ vững được lập trường vững vàng như vậy trong thời gian dài thì tôi quá khâm phục".

Không đầu quân cho Liên đoàn cờ Vua của một quốc gia khác, song Quang Liêm vẫn chọn hướng đi xuất ngoại, nhận lời mời đấu cho nhiều CLB cờ của các nước hàng đầu về cờ Vua để rèn luyện thêm kinh nghiệm cũng như tích lũy điểm số Elo duy trì ở mức trên 2700.

Đặc biệt, dù đầu quân cho bất kỳ CLB nào đi chăng nữa nhưng khi đất nước cần thì Liêm sẵn sàng trở về làm nhiệm vụ. Những thành tích kể trên là minh chứng cho điều đó. Hiện tại, Liêm đang sinh sống tại Mỹ. Tháng 5 tới, anh sẽ về Việt Nam để thi đấu SEA Games 31, sau đó là tham dự các giải quốc tế lớn như Asian Games, Olympiad.

Báu vật trăm năm cờ Vua Việt: Bán đất đấu giải, thuê thầy 1 chỉ vàng/giờ & kỳ tích để đời - Ảnh 9.

Siêu ĐKTQT Lê Quang Liêm chia sẻ về chặng đường đã qua, anh thi đấu khoảng trên 2000 ván cờ ở các giải chính thức, trên 10.000 ván qua hình thức online, giáp mặt với nhiều đối thủ gạo cội nhất trong làng cờ Vua.

Nếu như Đào Thiên Hải từng có vinh dự đối đầu "Hoàng đế cờ Vua" Garry Kasparov thì Lê Quang Liêm cũng không kém cạnh khi đã 15 lần chạm trán "Vua cờ" Magnus Carlsen. Trong 8 năm qua, Carlsen được xem là Vua cờ và là kỳ thủ vĩ đại thứ 2 trong lịch sử cờ Vua thế giới (người đứng đầu chính là Garry Kasparov).

Bản lĩnh của Quang Liêm đã từng khiến "Vua cờ thế giới" Magnus Carlsen phải đập bàn thất vọng vì bị cầm hòa tại Champions Chess Tour 2022. Cái đập bàn gây ấn tượng với truyền thông, nó không phải là điều gì đó quá "ghê gớm" nhưng ngầm khẳng định tầm vóc ở đẳng cấp quốc tế của Quang Liêm rất xứng đáng được tôn trọng.

Như chính HLV Minh Châu cũng nói:"Trùm cờ Vua Carlsen tham dự giải nào mà giải đó mình được ngồi ngang hàng là vinh dự lắm chứ. Đó là một vinh hạnh lớn của bất kỳ VĐV nào".

Báu vật trăm năm cờ Vua Việt: Bán đất đấu giải, thuê thầy 1 chỉ vàng/giờ & kỳ tích để đời - Ảnh 10.

Kỳ thủ số 1 Việt Nam cũng từng đả bại những Siêu Đại kiện tướng hàng đầu thế giới như: Nhà vô địch World Cup cờ Vua người Ba Lan Jan Krzysztof Duda (tại Charity Cup 2022), top 2 thế giới người Iran Alireza Firouzja và cả "Thần đồng cờ Vua" người Mỹ Nakamura (tại Skilling Open 2020).

Một trong những dấu ấn lớn nhất và để lại cho HLV Châu ký ức khó phai nhất chính là chức Vô địch thế giới cờ chớp vào năm 2013 của Quang Liêm. "Lúc đó ở Nga, chỉ có 3 người Việt Nam là tôi, Quang Liêm và Trường Sơn, lạc lõng giữa một rừng người quốc tế. Khi biết tin Quang Liêm vô địch, nghe quốc ca Việt Nam vang lên và nhìn quốc kỳ tung bay trên đất khách, ba thầy trò chỉ biết ôm nhau bật khóc. Một cảm xúc sung sướng, rất bay bổng mà tôi nghĩ khó có lại trong đời".

Truyền thông Nga khi ấy ví von hình ảnh chiến thắng của Quang Liêm như một "Chiến binh Sparta" đầy kiêu hãnh. Đài truyền hình Nga thì dùng nhiều mỹ từ để ca ngợi kỳ thủ Việt Nam. "Chiến thắng của Quang Liêm là một kỳ tích và đã đưa tên Việt Nam vào bản đồ cờ chớp thế giới".

Còn trang tin cờ Vua Chess.com mô tả: "Chiến thắng của Quang Liêm dựa trên 3 yếu tố: Một là may mắn, Hai là may mắn và Ba cũng là may mắn! Nhưng may mắn không phải lý do để phủ nhận tính thuyết phục. Chính tinh thần mạnh mẽ, sự kiên trì không biết mệt mỏi đã tạo nên chiến thắng cho Siêu Đại kiện tướng quốc tế người Việt Nam".

Từ năm 2013 - 2017, Lê Quang Liêm theo học Khoa học tài chính và nghệ thuật, quản lý tại Trường Đại học Webster, Mỹ. Anh cũng tham gia vào đội cờ Vua của trường do nữ cựu Vô địch thế giới Susan Polgar huấn luyện. Không lâu sau, Quang Liêm chính thức được bổ nhiệm làm đội trưởng giai đoạn 2015 – 2017 dẫn dắt đội tuyển Webster thi đấu và đạt 4 giải cờ Vua liên trường đại học Mỹ. Kỳ thủ Việt Nam đã tốt nghiệp Đại học Webster vào năm 2017 với thành tích lọt vào top 1% thứ hạng cao nhất trường.

Đặc biệt, kể từ tháng 6/2021, Lê Quang Liêm kế nhiệm Susan Polgar để trở thành huấn luyện viên tiếp theo của đội cờ Vua Trường ĐH Webster - đội mạnh nhất trong số các trường đại học tại nước Mỹ.

Đích thân Chủ tịch Trường ĐH Webster Julian Z. Schuster, nhận xét: "Với những kinh nghiệm phong phú của Liêm, tôi tin anh ấy sẽ đảm đương được vị trí này. Liêm hiểu sự khắc nhiệt và tính kỷ luật mà mỗi kỳ thủ cần đối mặt để cạnh tranh trong những giải cờ đỉnh cao nhất.

Liêm có khả năng lãnh đạo, sự kiên nhẫn và sáng suốt cần thiết để dẫn dắt các kỳ thủ của chúng tôi đạt được thành tích tốt nhất trong cả học vấn lẫn cờ Vua. Tôi mong chờ những thành quả mà đội sẽ đạt được dưới sự dẫn dắt của Liêm".

Lê Quang Liêm kỳ vọng sẽ nâng tầm cờ Vua của Trường Webster lên một đỉnh cao mới, phá vỡ kỷ lục mọi thời đại về số lần vô địch mà một tổ chức đạt được trong lịch sử cờ Vua của các trường đại học Mỹ. Điều đó đến từ chính kinh nghiệm của bản thân lẫn kinh nghiệm học hỏi được trong quá trình thi đấu chuyên nghiệp.

Báu vật trăm năm cờ Vua Việt: Bán đất đấu giải, thuê thầy 1 chỉ vàng/giờ & kỳ tích để đời - Ảnh 11.
Báu vật trăm năm cờ Vua Việt: Bán đất đấu giải, thuê thầy 1 chỉ vàng/giờ & kỳ tích để đời - Ảnh 12.

Hiện nay ở tuổi 31, Siêu Đại kiện tướng Lê Quang Liêm đã có một sự nghiệp với đầy đủ vinh quang tự hào nhất của một vận động viên chuyên nghiệp. Anh xứng đáng được gọi là "báu vật" hiếm thấy khó tìm trong lịch sử cờ Vua nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung.

"Gọi Liêm là báu vật, là số một, hoặc là trăm năm hay nghìn năm nữa cũng khó ai đạt được… nói như vậy thì cũng kỳ. Nhưng thật sự tôi nghĩ là như thế. Khó lắm!

Tại vì muốn như vậy thì một người phải hội tụ đủ rất nhiều điều kiện khác nhau. Để kiếm ra Lê Quang Liêm thứ hai ở Việt Nam thì tôi chỉ dùng một từ duy nhất đó là "khó", HLV Châu nói.

Khi được hỏi về khả năng của Liêm liệu có còn tiến xa hơn nữa hay không? Vị HLV quốc gia nhận định: "Dưới góc độ cá nhân, tôi nghĩ Liêm vẫn lên thêm được nữa vì ngưỡng tuổi 30 chưa phải là hết hạng. Vẫn còn hạng để phát triển tiếp. Nhưng vấn đề là tới một thời điểm nào đó thì Liêm có còn trụ được nữa hay không.

Điểm Elo của Liêm đang ở mức trên 2700, để phấn đấu lên 2800 rồi lên 3000 thì khó lắm. Mà tuổi tác thì không chừa một ai. Nhưng điều quan trọng là mình phải biết vượt qua chính mình, vượt qua được cột mốc mình đã đạt tới thì mới đáng khích lệ.

Khi mình đứng trên đỉnh, bước lên thêm một xíu nữa đã là một thử thách rồi. Không phải chỉ cờ Vua mà trong các môn thể thao hoặc trong cuộc sống cũng vậy. Khi đã có sự cạnh tranh mà anh muốn đứng trên người ta thì anh phải nhích lên một tý. Nhiều khi một tý đó cũng cả đời không nhích nổi. Nhưng tôi vẫn mong Liêm làm được thì rất tuyệt vời".

Báu vật trăm năm cờ Vua Việt: Bán đất đấu giải, thuê thầy 1 chỉ vàng/giờ & kỳ tích để đời - Ảnh 13.

Quang Liêm đến với cờ Vua một cách tình cờ và xem đó như một niềm vui. Nhưng càng tập luyện thì càng say mê và trở thành một cái nghiệp. Cái nghiệp cờ Vua khiến Liêm đánh đổi nhiều thứ đáng trân quý mà theo người bố tiết lộ: "Trong giới cờ Vua , khi bạn đạt danh hiệu Đại kiện tướng thì xem như bạn đặt chân vào con đường chuyên nghiệp. Với bậc cha mẹ, chúng tôi không thể cam lòng để con mình đi theo cờ mà buông văn hóa sớm. Và Liêm phải phấn đấu làm 2 việc cùng lúc: đảm bảo việc học tập văn hóa và đảm bảo phát triển chuyên môn về cờ Vua. Trong suốt những năm song hành 2 việc như vậy, lúc nào chúng tôi cũng thấy quỹ thời gian với Liêm bị thiếu".

Sự đánh đổi đó hoàn toàn xứng đáng để giờ đây, Quang Liêm có trong tay tất cả. Một sự nghiệp thành công. Một hạnh phúc trọn vẹn bên mối tình kéo dài 7 năm với người vợ Nguyễn Trần Thanh Trúc.

Chớp mắt đã 23 năm kể từ ngày cầm quân cờ đầu tiên, khi dừng lại để ngẫm và hướng đến khát vọng chinh phục thử thách mới, Siêu Đại kiện tướng Lê Quang Liêm thổ lộ: "Tôi không đặt giới hạn cho bản thân mình. Tôi sẽ tiếp tục chơi cờ Vua đến khi nào mình còn tận hưởng được niềm vui khi thi đấu và học hỏi được thêm nhiều kiến thức mới".

Báu vật trăm năm cờ Vua Việt: Bán đất đấu giải, thuê thầy 1 chỉ vàng/giờ & kỳ tích để đời - Ảnh 14.
Báu vật trăm năm cờ Vua Việt: Bán đất đấu giải, thuê thầy 1 chỉ vàng/giờ & kỳ tích để đời - Ảnh 15.
Võ Út Đạt
Võ Út Đạt, NVCC
Tuệ Nhật