Câu hỏi liệu Triều Tiên có bị coi là “kẻ thù c hính” của Hàn Quốc đã chiếm lĩnh cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc với những dấu hiệu cho thấy tranh luận sẽ tiếp tục trong suốt chiến dịch và có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Câu hỏi bắt đầu xuất hiện trong một cuộc tranh luận bầu cử Tổng thống được tổ chức hôm 19/4 đã leo thang khiến hai Bộ của Hàn Quốc phải cân nhắc vấn đề này.
"Triều Tiên là kẻ thù chính của chúng ta?”, Yoo Seong-min, ứng viên đến từ Đảng Barun đặt câu hỏi trong cuộc tranh luận lần thứ hai.
“Tôi không nghĩ việc xác định một cụm từ như vậy là nhiệm vụ của Tổng thống”, Moon Jae-in, ứng viên Đảng Minjoo được nhiều cử tri coi là người có tư tưởng tiến bộ đáp lại, tránh trả lời trực tiếp câu hỏi.
Tuy nhiên, ông Yoo ép đối phương phải đưa ra câu trả lời khi dẫn tuyên bố "quân đội Triều Tiên là kẻ thù chính của chúng ta" từ Sách trắng của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc.
“Đây là công việc mà Bộ Quốc phòng nên làm. Tuy nhiên, tôi không nghĩ Tổng thống phải chịu trách nhiệm cho nhiệm vụ như vậy”, ông Moon trả lời.
Tranh luận chưa hồi kết
Nhiều vấn đề đã được thảo luận tại buổi tranh luận trên nhưng ngày hôm sau chỉ có một bài viết xuất hiện trên báo Hàn Quốc: Thực tế Moon không chấp nhận gọi Triều Tiên là “kẻ thù chính” của Hàn Quốc.
Các phụ tá của ông Moon cũng đã kịch liệt phê bình Yoo và cho rằng, ông này hành động tương tự như các chính trị gia cánh tả của Mỹ trong thời Chiến tranh Lạnh.
“Qua rồi cái thời dùng thủ đoạn nhằm gây rối trí, tôi rất thất vọng về ông Yoo, người trung thành với chủ nghĩa McCarthy”, Pyo Chang-won - nhà lập pháp Đảng Minjoo cho biết. Chủ nghĩa McCarthy hiện này dùng để chỉ cho những tuyên bố thiếu suy nghĩ và vô căn cứ nhằm công kích đối thủ.
Tuy nhiên, những đối thủ của Đảng Minjoo tuyên bố họ không đặt tương lai đất nước vào tay người có hệ tư tưởng cực kỳ “đáng ngờ”.
“Sau khi xem cuộc tranh luận, tôi không thể ngừng đặt câu hỏi về quan điểm của ông Moon đối với an ninh quốc gia. Thực tế, ông ấy không thể trả lời kẻ thù chính của chúng ta là ai? Điều đó rất nguy hiểm”, Park Ji-won, một đại diện Đảng Nhân dân phát biểu.
Một ứng viên khác thậm chí tuyên bố chiến thắng của Moon sẽ tương tự việc ông Kim Jong-un trở thành nhà lãnh đạo Triều Tiên.
“Đó là lý do vì sao tôi nhắc đến vấn đề chính sách của Triều Tiên, nếu Moon trở thành Tổng thống, mọi việc sẽ được quyết định như Kim Jong-un”, ông Hong Jun-pyo - ứng viên cánh hữu Đảng Dân chủ nêu quan điểm.
Thậm chí, trước tình hình trên, chính phủ Hàn Quốc đương nhiệm đã buộc phải tham gia cuộc tranh luận.
"Sách trắng Quốc phòng năm 2016 cho biết chính phủ và quân đội Triều Tiên là “kẻ thù của chúng ta”", Moon Sang-gyun, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói với các phóng viên trong cuộc họp báo hôm 20/4.
Các phóng viên có mặt tại cuộc họp báo đã yêu cầu Bộ Quốc phòng làm rõ liệu thuật ngữ “kẻ thù của chúng ta” có giống như “kẻ thù chính” - thuật ngữ cũ không còn được sử dụng trong Sách trắng Quốc phòng từ năm 2000. Tuy nhiên, người phát ngôn Moon Sang-gyun đã không giải thích thêm về tuyên bố.
Một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc giấu tên nói với truyền thông rằng, Triều Tiên vừa là “kẻ thù” vừa là “đối tác”.
“Chúng tôi chia sẻ hai quan điểm khác: đối đầu vũ trang chống miền Bắc có thể diễn ra nhưng đồng thời về lâu dài, chúng ta cần hướng họ đến sự thống nhất”, ông này nói.
Việc áp dụng lý luận “Chiến tranh Lạnh” và sử dụng thuật ngữ “gây hiểu nhầm” nêu trên được gọi là "Bukpung" ở Hàn Quốc. Đối với các ứng viên dân chủ, đó là một vấn đề cố hữu trên chính trường Hàn Quốc, đặc biệt trong thời điểm bầu cử.
Bukpung (Bắc Phong), theo nghĩa đen là “gió từ phương Bắc”, một thuật ngữ chính trị mang nghĩa các quan chức chính phủ sẽ “chính trị hóa’ sự lo lắng của cử tri về Triều Tiên nhằm mục đích tạo lợi thế cho họ.
Một chuyên gia pháp lý lập luận rằng các ứng viên đưa ra câu trả lời “nước đôi” về vấn đề Triều Tiên là người hoặc “không có năng lực” hoặc “nguy hiểm”.
“Ngay khi Tổng thống công khai gọi Triều Tiên là kẻ thù chính của chúng ta - kênh đối thoại liên Triều sẽ bị dừng lại”, Cho Kuk, Giáo sư Đại học Seoul cũng cho rằng, tuyên bố như vậy sẽ chỉ khiến leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
“Ngoài ra, Washington và Bắc Kinh sẽ là trung tâm giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, trong khi Seoul chỉ là người đứng ngoài cuộc”, học giả Hàn Quốc cho biết thêm.
Theo tờ NK News, một chuyên gia về Triều Tiên đã phản đối quan điểm này, đồng thời nhấn mạnh, nếu tiếp tục sử dụng lý luận nhị phân sẽ không giúp cho tiến trình giải quyết vấn đề Triều Tiên bằng cách đối thoại liên Triều.
“Buộc các ứng viên phải chọn một trong hai lựa chọn là một cách tiếp cận không đúng đắn. An ninh và đối thoại liên Triều không phải vấn đề được lựa chọn nhưng quan tâm chu đáo cho cả hai vấn đề chính là nhiệm vụ của đội ngũ lãnh đạo”, Cheong Seong-jang, chuyên gia ghiên cứu cấp cao thuộc Học viện Sejong, Seoul nói NK News.