Bầu cử Philippines 2022: Các ứng viên Tổng thống nêu quan điểm về Biển Đông

Hương Trà |

Các ứng viên Tổng thống Philippines đã bước vào cuộc vận động tranh cử kéo dài ba tháng với những lời hứa về việc xây dựng đất nước và đường lối chính sách, trong đó cũng đưa ra các quan điểm về Biển Đông.

Các ứng viên tiềm năng cho cương vị Tổng thống Philippines năm 2022. (Nguồn: Inquirer)

Các ứng viên tiềm năng cho cương vị Tổng thống Philippines năm 2022. (Nguồn: Inquirer)

Năm người dẫn đầu trong số 10 ứng viên cho cương vị Tổng thống Philippines theo các cuộc khảo sát bao gồm ông Ferdinand “Bongbong” Marcos Jnr, cựu thượng nghị sĩ và là con trai của cựu Tổng thống Ferdinand Marcos, Phó Tổng thống Leni Robredo, Thị trưởng Manila Isko Moreno, Thượng nghị sĩ Panfilo Lacson và Thượng nghị sĩ Manny Pacquiao, nhà cựu vô địch quyền anh thế giới.

Trong đó, người giành được nhiều phiếu bầu trong các cuộc khảo sát là cựu Thượng nghị sĩ Marcos cam kết sẽ tiếp tục cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte và chương trình “xây dựng, xây dựng, xây dựng” cơ sở hạ tầng của đương kim Tổng thống. Trong khi nữ ứng viên Tổng thống duy nhất, bà Leni Robredo hứa hẹn sẽ vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch với kế hoạch việc làm trị giá 192 tỷ peso (3,7 tỷ USD) và phân bổ 50 tỷ peso (972 triệu USD) mỗi năm cho người nghèo.

Ứng viên Moreno, hiện là Thị trưởng Manila, đặt mục tiêu giảm một nửa thuế nhiên liệu và điện, đồng thời tăng chi cho giáo dục, nhà ở và các doanh nghiệp nhỏ. Trong khi nhà vô địch quyền Anh Pacquiao hứa sẽ tiếp tục cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte, nhờ 5 người bạn tỷ phú đầu tư tại địa phương và chỉ thuê người Philippines làm việc.

Quan điểm về tình hình Biển Đông và tranh chấp với Trung Quốc

Cuộc bầu cử Tổng thống Philippines vào ngày 9/5/2022 sẽ thiết lập chính sách đối ngoại của đất nước trong 6 năm tới. Trung Quốc vẫn là mối quan tâm chính, do các tranh chấp hàng hải và lãnh thổ kéo dài ở Biển Đông.

Trong cuộc phỏng vấn với GMA News hồi tháng 1/2022, các cử viên Tổng thống Philippines đã đề xuất những chiến lược khác nhau để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, bao gồm xây dựng liên minh với các quốc gia khác hay tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực.

Nữ ứng viên Tổng thống Leni Robredo cho rằng, bà sẽ dùng phán quyết của Tòa trọng tài về Biển Đông năm 2016 làm đòn bẩy cho việc chống lại các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông. Bà nhấn mạnh : “Liên minh các quốc gia có thể được thành lập để chống lại việc Trung Quốc quân sự hóa vùng biển tranh chấp, dựa trên phán quyết năm 2016 của Tòa án Trọng tài Quốc tế”. Tuy nhiên, bà cũng để ngỏ cánh cửa ngoại giao và từng nói sẵn sàng tham gia hoạt động thăm dò dầu khí chung với Trung Quốc, với điều kiện phải tôn trọng chủ quyền của Philippines.

Trong khi đó, ứng viên Lacson cho rằng Philippines nên tăng cường liên minh với Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Australia và các quốc gia có quân đội mạnh khác. Ông cho rằng Philippines không nên để Trung Quốc bắt nạt và tìm kiếm các đối thoại hòa bình về vấn đề này. Tháng 7/2021, ông Lacson từng hối thúc chính quyền tìm sự ủng hộ đa phương đối với phán quyết năm 2016.

Còn Thị trưởng Manila Moreno đã chỉ ra sự cần thiết phải tăng cường sự hiện diện quân sự của nước này ở Biển Đông nhưng cũng sẵn sàng trao hợp đồng thăm dò dầu khí chung cho công ty Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Vị thị trưởng từng tuyên bố nếu trở thành tổng thống, ông sẽ sử dụng phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 như một công cụ mặc cả với Trung Quốc trong việc khẳng định quyền đánh bắt của ngư dân Philippines tại vùng biển mà nước này có yêu sách.

Trong khi đó, người đang đứng đầu cuộc khảo sát tranh cử Tổng Thống Philippines 2022, ứng viên Marcos trong nhiều cuộc phỏng vấn khác nhau đều khẳng định, nếu đắc cử, ông sẽ gác lại phán quyết lịch sử của Tòa Trọng tài năm 2016 về Biển Đông và đàm phán trực tiếp với Bắc Kinh về các tranh chấp biển và lãnh thổ kéo dài. Bởi theo ông, Bắc Kinh đã không tuân theo và thường xuyên phủ nhận phán quyết của Tòa trọng tài. Ông Marcos được cho là có xu hướng đi theo cách tiếp cận của Tổng thống Duterte trong việc xoay trục về Trung Quốc. Ngoài ra, ứng viên Marcos cũng nói thêm rằng, nếu được bầu làm tổng thống, ông sẽ bác bỏ bất kỳ lời đề nghị trợ giúp tiềm năng nào từ Mỹ trong việc đàm phán với Trung Quốc bởi đây là vấn đề giữa Manila và Bắc Kinh.

Hơn 67 triệu người Philippines đã đăng ký bỏ phiếu để bầu ra Tổng thống, Phó tổng thống và các vị trí khác trong cơ quan lập pháp và chính quyền Philippines. Philippines chỉ áp dụng một vòng bỏ phiếu duy nhất và ứng viên nào giành số phiếu nhiều nhất sẽ trở thành tổng thống. Tổng thống, phó tổng thống và thượng nghị sĩ sẽ làm việc với nhiệm kỳ 6 năm, còn các chức vụ khác có nhiệm kỳ 3 năm. Các cuộc vận động tranh cử Tổng thống Philippines đã diễn ra từ ngày 8/2/2022 và sẽ kéo dài trong 3 tháng tới./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại