Bầu cử giữa kỳ Mỹ: Chiến lược của ông Trump với Nga-Trung-Triều sắp "mất phép"?

Quốc Vinh |

Cuộc bầu cử giữa kỳ có thể sẽ khiến cho toàn bộ chiến lược mà ông Trump đang vận dụng với các nhà lãnh đạo gồm ông Putin, ông Tập Cận Bình, ông Kim Jong-un đi theo chiều hướng tồi tệ hơn.

Cả thế giới luôn theo dõi các cuộc bầu cử Tổng thống của Mỹ, nhưng ít người sẽ để tâm tới sự kiện diễn ra vào ngày 6/11, khi các cử tri nước này bắt đầu đi bỏ phiếu cho cuộc bầu cử giữa kỳ.

Về cơ bản Tổng thống Donald Trump sẽ vẫn tiếp tục vai trò của mình, còn cuộc đấu đá thực tế diễn ra giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ trong việc giành ghế đa số ở Quốc hội.

Tuy nhiên, đảng Dân chủ đang có cơ hội rất lớn để nắm quyền kiểm soát ít nhất một trong hai viện của Quốc hội trong 2 năm tới và gây tác động rất lớn đến các chính sách của chính quyền Tổng thống Trump trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ.

Nội bộ chính trị Mỹ có thể sẽ bị thay đổi và hơn cả là địa chính trị toàn cầu cũng có thể bị xáo trộn. Trên thực tế, cuộc bầu cử giữa kỳ lần này có thể làm thay đổi thế giới nhiều hơn những gì người khác nghĩ, theo Reuters.

Đảng Cộng hòa đang nắm giữ ưu thế lớn ở Thượng viện, nhưng nếu Tổng thống Trump đánh mất Hạ viện vào tay đảng Dân chủ thì thế giới sẽ đón nhận những chính sách thay đổi đến từ Washington, trong đó có nhiều vấn đề liên quan, từ Nga, Trung Quốc cho đến Triều Tiên.

Hậu bầu cử giữa kỳ

Sau cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 6/11, Tổng thống Trump sẽ ngay lập tức phải đối mặt với hai thách thức quốc tế quan trọng. Đầu tiên, là cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Paris hôm 11/11.

Tại đây, ông phải tránh lặp lại những rắc rối ở Helsinki, nơi Tổng thống Mỹ nhận về những lời chỉ trích về việc ca ngợi người đồng nhiệm Nga quá mức và từ chối công nhận cáo buộc của cơ quan tình báo Mỹ về việc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016.

Thách thức của ông Trump ở thời điểm này sẽ phức tạp: Ông sẽ không thể tiếp tục bỏ ngoài tai những áp lực chỉ trích liên quan tới Nga và bỏ mặc đảng Cộng hòa – nền tảng hậu thuẫn quan trọng của mình sang một bên.

Bên cạnh đó, bản thân Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton cũng sẽ chịu áp lực trong việc chứng minh những lời đề nghị hợp tác với Tổng thống Vladimir Putin đối với các vấn đề Syria, Ukraine, hoặc Iran với ông có gì đó mờ ám hay không.

Bầu cử giữa kỳ Mỹ: Chiến lược của ông Trump với Nga-Trung-Triều sắp mất phép? - Ảnh 1.

Cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ thay đổi bộ mặt chính sách đối ngoại nước Mỹ.

Tại cuộc họp G20 ở Buenos Aires ngày 30/11, ông Trump phải đối mặt với một thử thách thứ hai và thậm chí lớn hơn: Một cuộc hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc.

Nếu phải chịu nhiều thiệt hại trong cuộc bầu cử giữa kỳ, ông Trump sẽ đối mặt với áp lực để giảm bớt những động thái khắc nghiệt trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc – vấn đề luôn gây bất đồng trong đảng Cộng hòa.

Nhưng liệu Bắc Kinh – với việc bỗng nhiên có vị thế cửa trên - khi đó có chịu ngồi giảng hòa để giải quyết một cuộc chiến thương mại với một tổng thống đang trên đà suy yếu hay không lại là vấn đề khác.

Với việc chính quyền Trump là người chủ động châm ngòi cho cuộc chiến thương mại, việc xuống nước hòa giải sẽ khiến cho Bắc Kinh có thể buộc Mỹ phải chấp nhận một vài điều kiện thua thiệt.

Cũng ở khu vực châu Á, nếu đảng Cộng hòa mất quyền lực, canh bạc ngoại giao đối với Triều Tiên của ông Trump cũng sẽ gặp phải thách thức.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể nhận thức được rằng Tổng thống Trump giờ đây không còn ở vị thế mạnh mẽ trên trên sân khấu thế giới như trước. Và điều này có thể khiến Bình Nhưỡng cân nhắc lại những thỏa thuận đã có được với Washington do lo ngại những cam kết này có thể sẽ không còn bền vững trong thời gian tới.

Về phần mình, ông Trump cũng rơi vào hai tình huống. Một là tiếp tục chính sách hòa dịu với Triều Tiên và củng cố mối quan hệ nồng ấm với nhà lãnh đạo Kim Jong-un hoặc sẽ phải chuyển sang một cách tiếp cận khác phù hợp hơn với áp lực từ đảng Dân chủ.

Ngay sau cuộc bầu cử giữa kỳ, các thành viên đảng Dân chủ sẽ bắt đầu một cách nghiêm túc để lựa chọn ứng cử viên có khả năng chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm 2020.

Đảng Dân chủ sẽ phải xác định chính sách đối ngoại cho chiến dịch đó, điều hướng các vấn đề hóc búa, bao gồm cả việc thay thế các chính sách của ông Trump trên toàn cầu.

Nói cách khác, những khuynh hướng chính sách của ông Trump đối với từng vấn đề, từng khu vực trên thế giới có thể bị lung lay trong thời gian tới. Đây là mối quan tâm đối với rất nhiều quốc gia.

Tuy nhiên, ông Trump vẫn còn 2 năm tiếp theo trong nhiệm kỳ tổng thống của mình để thuyết phục các cử tri và các nhà lãnh đạo quốc tế. Vấn đề đặt ra ở đây là, chính sách đối ngoại của ông Trump liệu sẽ chỉ thay đổi ít hay thay đổi toàn bộ sau kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại