Bầu cho Macron là bầu cho tương lai, nước Pháp sẽ "Tiến Bước" cùng EU?

Lê Sơn |

Kết quả vòng 1 bầu cử tổng thống Pháp ngày 22/4 không nằm ngoài sự dự trù của công chúng Pháp, mặc dù ngay trước ngày bầu cử thì 1/3 cử tri vẫn chưa quyết định được sự lựa chọn.

Emmanuel Macron, lãnh đạo 39 tuổi của phong trào chính trị xã hội Tiến Bước (En Marche) với khẩu hiệu "Nước Pháp cho tất cả mọi người" lọt vào vòng bỏ phiếu quyết định diễn ra vào hôm nay, 7/5, với vị trí dẫn đầu.

Bám sát Macron là sự cạnh tranh quyết liệt giữa hai ứng viên cực đoan: Phía hữu là Marine Le Pen (đảng Mặt trận Quốc gia, Front National) và phía tả là Jean-Luc Mélenchon (đảng Nước Pháp Bất Khuất, La France Insoumis). 

Trong khi đó nỗ lực đảo ngược số phận của cựu thủ tướng cánh hữu François Fillon (đảng Những người Cộng hòa, Les Républicains) sau bê bối gia đình liên quan đến ngân sách công đã bất thành, kéo chìm theo niềm tin của toàn bộ cánh hữu. 

Cuối cùng là sự khẳng định về "cái chết được báo trước" của đại diện cánh tả Benoit Hamon và toàn bộ Đảng Xã hội (Parti Socialiste) đang bị chia năm sẻ bảy. Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử từ sau năm 1945 không có ứng viên cánh hữu hay cánh tả chính thống nào lọt vào vòng hai.  

Sự dẫn đầu của Emmanuel Macron, ứng cử viên trung dung với chủ trương độc đáo là "xóa bỏ biên giới tả-hữu", đã trấn an phần nào các đối tác chính trị châu Âu và các thị trường, chẳng hạn như chỉ số chứng khoán CAC40 tại Paris vào giờ mở cửa sáng 25/4 đã tăng hơn 4 %, thị trường Đức và Anh cũng tăng điểm.

Trong khi đó, việc lọt vào vòng hai với tỉ lệ cao chưa từng có của Marine Le Pen, cùng với việc một bộ phận cử tri của các ứng viên thất bại sẽ bỏ phiếu cho ứng viên này và kinh nghiệm hơn 40 năm đối lập chính trị của đảng Mặt trận Quốc gia, hứa hẹn đường vào Điện Elysée ngày 07/5 sẽ là một cuộc chiến gay gắt, với nhiều bất ngờ cho đến phút chót. 

Chẳng hạn chỉ cần thêm một cuộc tấn công khủng bố của một vài cá nhân đơn lẻ tương tự như ở đại lộ Champ-Elysées vào tối ngày 20/4 (một cảnh sát thiệt mạng, hai bị thương), ngay thời điểm diễn ra cuộc trình bày trực tiếp cuối cùng trên truyền hình của các ứng viên, cũng có thể làm thay đổi tất cả các toan tính chi tiết nhất.

Bầu cho châu Âu thống nhất, bầu cho tương lai nước Pháp

8 trên tổng số 11 ứng cử viên tổng thống (chiếm khoảng 55% số phiếu bầu) có quan điểm mạnh mẽ chống lại Liên minh châu Âu (EU), tự do thương mại và tiến trình toàn cầu hóa, đây là điều chưa từng xảy ra trước đây, mặc dù 3-4 trong số họ chỉ là các ứng viên nhỏ. 

Trong đó Marine Le Pen và Jean-Luc Mélenchon, hai ứng viên có khả năng cạnh tranh nhất với Emmanuel Macron còn đặc biệt chống lại nước Đức và Thủ tướng Angela Merkel. Thậm chí Jean-Luc Mélenchon còn viết hẳn một cuốn sách chính luận về chủ đề này. Marine Le Pen không dùng cờ châu Âu tranh cử, thậm chí yêu cầu đài truyền hình TF1 đưa cờ châu Âu ra khỏi cuộc phỏng vấn. 

Điều mâu thuẫn là cả hai ứng viên này đều đang nhận lương chính là nghị sĩ của nghị viện châu Âu từ nhiều năm qua, ngoài ra Le Pen còn đang bị cơ quan Tư Pháp của Pháp điều tra vì dùng bất hợp pháp tiền của EU qua việc trả lương cho các vị trí trợ lý không tồn tại của dân biểu nghị viện châu Âu của đảng mình. 

Nếu một bộ phận quan trọng người ủng hộ của các ứng viên này "đồng cảm" bằng hành động bỏ phiếu cho ý tưởng ra khỏi châu Âu của Marine Le Pen, thì đó có thể là một thảm họa thực sự. 

Ngày 29/2, một ứng viên bị loại là ông Nicolas Dupont-Aignan (4,8% phiếu bầu), lãnh đạo đảng cánh hữu Nước Pháp Đứng Dậy đã chính thức liên minh với bà Le Pen và sẽ đảm nhiệm chức Thủ Tướng trong trường hợp thành công. 

Ngoài ra Marine Le Pen còn đang ra sức lôi kéo cử tri của đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất, trong khi lãnh đạo đảng là Mélenchon tiếp tục giữ thái độ nước đôi trong việc tuyên bố sẽ ủng hộ ứng viên nào ở vòng 2.

Hai ứng viên khác, François Fillon và Benoit Hamon, đại diện cho hai chính đảng lớn nhất thay nhau cầm quyền từ ngày thành lập nền Đệ ngũ Cộng hòa (1958) là Những người Cộng hòa và Đảng Xã hội, đây cũng là hai cột trụ của chính sách thân châu Âu. 

Tuy nhiên cả hai đảng đều đã đánh mất hoàn toàn niềm tin của công chúng Pháp, kể cả trong các vấn đề liên quan đến EU, bởi sự trì trệ xơ cứng trong suy nghĩ, dối trá trong ứng xử và thụ hưởng quyền lợi, thiếu tầm nhìn mang tính thời đại về chiến lược. 

Điều khôi hài là không chỉ các ứng viên còn lại, mà chính các ứng viên của hai đảng nói trên cũng cố gắn cho mình nhãn hiệu là người "chống lại hệ thống chính trị hiện hành".

Bầu cho Macron là bầu cho tương lai, nước Pháp sẽ Tiến Bước cùng EU? - Ảnh 1.

Các lá phiếu tại một điểm bỏ phiếu dành cho cử tri Pháp tại Hồng Kông, ngày 7/5 (Ảnh: Reuters)

Nếu như các cử tri của Đảng Xã hội đa số chắc chắn sẽ dồn phiếu cho Emmanuel Macron, như đã từng làm năm 2002 để ngăn chặn cha của bà Marine Le Pen lên làm tổng thống ở vòng đấu cuối cùng, thì một phần lớn cử tri của Những người Cộng hòa sẽ bỏ phiếu trắng vì ích kỷ không muốn phản bội lại lý tưởng của mình. 

Một phần nhỏ hơn thuộc nhóm bảo thủ sẽ bầu cho Marine Le Pen, đơn giản chỉ vì cùng cánh hữu hoặc không chấp nhận được chàng trai trẻ Emmanuel Macron. Tình trạng chia rẽ tương tự cũng được nhận thấy trong nội bộ các công đoàn, lực lượng chính trị quan trọng khác, vì cả hai ứng viên vào vòng 2 đều không phải là người được các công đoàn ủng hộ.

Có thể nói, lãnh đạo của phong trào Tiến Bước, với chủ trương đối ngoại hội nhập sâu rộng hơn nữa cho nước Pháp trong EU, là hy vọng duy nhất của những người Pháp tiến bộ và châu Âu nói chung muốn giữ nước Pháp trong lòng châu Âu cũng như một châu Âu thống nhất, ít nhất trong vòng năm năm tới. 

Và nếu EU không thay đổi thì sự kiện Frexit (Pháp rời EU) vào năm 2022 là hoàn toàn có thể xảy ra. Dĩ nhiên ngay sau kết quả được công bố, các chính khách lớn của cả cánh tả và hữu, kể cả Tổng thống và Thủ tướng đương nhiệm, François Holland và Bernard Cazeneuve, đều kêu gọi dồn phiếu cho Emmanuel Macron, cựu Bộ trưởng Kinh tế, Công nghiệp và Kỹ thuật số, như là một trách nhiệm công dân đối với tương lai đất nước. 

Sự tham gia đông đảo của cử tri ở vòng 1 (78,69%, tương đương hơn 36,4 triệu cử tri đăng ký) đã phản ánh ý thức công dân của người Pháp vào thời điểm quyết định. Cần nhắc lại rằng, chính sự vắng mặt quá nhiều của cử tri (28%) vào năm 2002 đã cho phép Jean-Marie Le Pen bước chân được vào vòng hai của bầu cử tổng thống gây chấn động dư luận.

Chính giới và công chúng Pháp nhận thức rõ rằng rằng cuộc bỏ phiếu vòng hai ngày 07/5 thực chất là một cuộc trưng cầu dân ý cho việc nước Pháp, thành viên sáng lập từ những ngày khó khăn nhất, có tiếp tục tiến bước cùng với EU hay không.   

Di sản của Tổng thống Hollande

Tình hình chính trị xã hội nước Pháp ngày nay phản chiếu hồi kết của một giai đoạn phát triển trên bình diện chung của nước Pháp và rộng hơn là châu Âu từ sau năm 1945 đến nay. Đã đến lúc không thể chần chừ được nữa mà phải giải quyết triệt để các vấn đề tồn tại của từng nước cũng như trên phạm vi EU và eurozone để có thể đối phó với các thách thức và bước sang giai đoạn phát triển mới.

Cần lưu ý rằng có một số liệu quan trọng mà tất cả các ứng viên, ngoại trừ Benoit Hamon, đã bỏ qua, đó là theo INSEE (Viện thống kê quốc gia) số lượng việc làm ở Pháp đã gia tăng mạnh mẽ, chắc chắn và càng ngày càng nhanh từ giữa năm 2015 đến nay, trong đó năm 2016 tương ứng với năm 2007, thời điểm trước khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. 

Điều này phản ánh sự phát triển trở lại của kinh tế Pháp, cũng như những chỉ trích về vấn đề việc làm đã không còn giá trị nữa về mặt chính trị. 

François Hollande hẳn sẽ lấy làm tiếc về quyết định không tái cử của mình, hơn nữa về mặt ngoại thương, ông đã để lại cho người kế nhiệm nhiều hợp đồng giá trị quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, cũng như đã đặt được các nền móng thương mại vững chắc giữa Pháp và các quốc gia vùng châu Á – Thái Bình Dương, động lực chính của kinh tế toàn cầu.   

Về mặt chính trị, hai đảng Những người Cộng hòa và Đảng Xã hội đang đi vào giai đoạn thoái trào cả về nhân lực (thiếu vắng những nhân vật mới kiệt xuất có tầm nhìn xa, đem lại sự năng động và sức sống ) và ý tưởng mang tính đột phá cho dự án chính trị xã hội kinh tế, kèm theo sự chia rẽ nội bộ sâu sắc âm ỉ kéo dài trong việc trở thành lãnh đạo đảng. 

Sau cuộc bầu cử vòng 1, thậm chí việc Đảng Xã hội được lập ra bởi cố Tổng thống Mitterrant có còn tiếp tục tồn tại hay không cũng đang là một mối lo, bởi sự chia rẽ nặng nề giữa 4 nhóm với các tư tưởng hoàn toàn đối nghịch nhau.

Về mặt kinh tế-xã hội, nếu như vấn đề thâm hụt nợ công lại có nguyên nhân từ chính sách an sinh xã hội quá tốt dẫn đến tuổi thọ cao nên thời gian hưởng trợ cấp kéo dài, thì chính sách kinh tế với sự từ bỏ công nghiệp từ nhiều thập niên vừa qua để chỉ tập trung vào dịch vụ, trợ cấp mạnh cho lĩnh vực nông nghiệp, không tìm được đòn bẩy cho xuất khẩu, sự chậm trễ trong việc phát triển lĩnh vực kỹ thuật số, năng lượng sạch, phát triển bền vững, sự can thiệp mạnh của nhà nước và công đoàn trong hoạt động của doanh nghiệp, sự khó khăn phức tạp trong việc ký và thanh lý hợp đồng lao động… đã làm nền kinh tế Pháp thiếu tính năng động và mềm dẻo cần thiết. 

Mặc dù cần ghi nhận rằng đầu tư nước ngoài ở Pháp đứng đầu là Mỹ, nền kinh tế số 1, và năng suất lao động bình quân của Pháp cao hơn của Đức. Nước Pháp cần một hướng đi khác về kinh tế, một cuộc cách mạng về chính trị, xã hội để bắt đầu một chu kỳ phát triển mới. 

Bầu cho Macron là bầu cho tương lai, nước Pháp sẽ Tiến Bước cùng EU? - Ảnh 2.

Ứng viên Marine Le Pen trong cuộc vận động tranh cử hôm 4/5 tại Ennemain, Pháp (Ảnh: Bloomberg)

Cơ hội cho các đảng nhỏ và cá nhân trong bầu cử Pháp

Chúng ta đã thấy sự thoái trào tương tự của các dòng chủ lưu chính trị "chính thống" diễn ra ở Mỹ với hiện tượng Donald Trump, ở Anh với Brexit dẫn dắt bởi các tư tưởng dân túy và cực hữu. 

Ngược lại, ở Mỹ hiện cũng đang diễn ra một cuộc cách mạng mới về quá trình sản xuất và tiêu thụ với kỹ thuật số là nền tảng, là tấm gương cho một đất nước có nền tảng khoa học và công nghệ, đầy sức sáng tạo như Pháp noi theo.  

Cùng với việc rút kinh nghiệm các sự kiện chính trị của Mỹ và Anh, tổ chức hệ thống chính trị Pháp tự thân đã cho phép có thể kiểm soát quá trình tiến đến vị trí quyền lực cao nhất (Tổng thống Pháp có quyền rộng rãi hơn so với đồng nhiệm Mỹ), với sự tham gia tranh cử thực tế của nhiều đảng nhỏ và cá nhân khác nhau trong kỳ bầu cử bên cạnh hai đảng chính. 

Điều này dẫn đến hậu quả là phải có hai vòng bỏ phiếu và việc này giúp cho việc suy nghĩ chọn lựa của cử tri được chính xác hơn. 

Ngay sau cuộc bỏ phiếu vòng 1, cuộc thăm dò dư luận của Viện IPSOS đã ước định rằng ở vòng 2, ứng viên Emmanuel Macron sẽ được 62 % phiếu bầu, còn Marine Le Pen được 38%. 

Tuy nhiên để điều này trở thành hiện thực vào ngày 07/5, không chỉ lãnh đạo phong trào Tiến Bước mà toàn thể công chúng tiến bộ Pháp còn phải nỗ lực không ngơi nghỉ với sự cảnh giác cao độ.

Hiện tượng Macron và sự khởi đầu mới cho nước Pháp

Tất nhiên khả năng thắng cử của Marine Le Pen vẫn là một hiện thực. Và nếu điều này xảy ra, nước Pháp sẽ trải qua 5 năm tới trong sự chia đôi kể cả về mặt địa lý. 

Bản đồ bầu cử vòng 1 cho thấy nửa tây của nước Pháp gắn với Đại Tây Dương đã tập trung bầu cho Emmanuel Macron, trong khi nửa đông nằm sâu trong đất liền thì tín nhiệm Marine Le Pen. 

Sự hỗn loạn xã hội sẽ liên quan đến vấn đề chủng tộc, bởi các cuộc xuống đường liên tục của các giới có học thức, đặc biệt là sinh viên học sinh, của các lực lượng cánh tả, cực tả và cả một bộ phận cánh hữu, trung dung. 

Và nếu đảng Mặt trận Quốc gia không chiếm đa số Quốc hội thì hoạt động chính trị của nước Pháp nhiều khả năng sẽ tê liệt. 

Hơn nữa, khi Marine Le Pen quyết định thực hiện các lời hứa quan trọng như đưa Pháp ra khỏi EU và eurozone, đóng cửa biên giới và ra khỏi khu vực Hiệp ước tự do đi lại Schengen,… thì khả năng cao là ngay cả hết nhiệm kỳ 5 năm cũng không thể hoàn toàn giải quyết được các vấn đề phức tạp này, đồng nghĩa là nước Pháp tiếp tục với một mớ bòng bong về mặt đối ngoại. 

Về kinh tế, việc đánh thuế hàng nhập khẩu 3% sẽ là đòn mạnh vào sự hồi sinh kinh tế vừa đạt được : bao gồm sự gia tăng giá cả tiêu dùng và hàng xuất khẩu Pháp sẽ càng khó khăn hơn vì sự trả đũa của các đối tác thương mại.  

Ngược lại, sự thắng cử của Emmanuel Macron cũng không phải là cây đũa thần sẽ giải quyết nhanh chóng các vấn đề của nước Pháp kể cả hết nhiệm kỳ 5 năm, và thực sự là chính giới và công luận Pháp ở thời điểm hiện tại cũng chưa hình dung được chính xác đất nước sẽ đi đến đâu trong trường hợp này.

Nhưng chắc chắn một điều là sự thắng cử của chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết, giản dị, thông minh và hi-tech này là một điều rất cần thiết cho một sự khởi đầu mới đầy năng lượng cho nước Pháp, một trụ cột chính đậm chất lịch sử của "lục địa già châu Âu". 

Về tính cách cá nhân, Emmanuel Macron là người dám nghĩ, dám làm, dám bước ra ngoài các khuôn phép, biết đứng lên tiếp tục tiến bước từ các thất bại. 

Tốt nghiệp phổ thông trung học ở trường Henri IV ở Paris, trường PTTH đòi hỏi cao nhất nước Pháp, nhưng… thi rớt vào Ecole Normale Supérieure (nơi đào tạo các nhà khoa học trụ cột của Pháp), Macron chuyển sang học Khoa học chính trị và Triết trước khi thi đậu vào trường Hành chính quốc gia (nơi xuất thân của hầu hết các dân biểu, bộ trưởng, thủ tướng, tổng thống Pháp). 

Đang làm tổng thanh tra tài chính ở tuổi 27 với tương lai công chức nhà nước cao cấp rộng mở, Emmanuel Macron bỏ việc sang làm việc cho ngân hàng đầu tư tư nhân Rothschild & Cie, trước khi được công chúng biết đến vào năm 2014 khi Tổng thống Hollande mời ra làm Bộ trưởng Kinh tế, Công nghiệp và Kỹ thuật số. 

Tháng 4/2016, trước sự phân rã của Đảng Xã hội cầm quyền cũng như sự mất niềm tin sâu sắc của cử tri Pháp vào hệ thống chính trị hiện hành nói chung, Macron đã lại rất quyết đoán khi bất ngờ thành lập phong trào chính trị Tiến Bước, từ bỏ vị trí bộ trưởng và tuyên bố ra ứng cử tổng thống. 

Nước Pháp không thiếu những văn nghệ sĩ phá cách, nhưng trong một nền chính trị già nua như của Pháp, thì Macron là trường hợp hiếm có, và nếu đắc cử sẽ là lãnh đạo quốc gia trẻ nhất, hơn cả Napoléon Bonarpart. 

Ngoài vị trí tổng thống, Tiến Bước còn nhắm đến các cuộc bầu cử cấp vùng và địa phương năm 2017 để có thể đạt được đa số cần thiết nhằm giúp hiện thực hóa các chương trình hành động của phong trào.

Bầu cho Macron là bầu cho tương lai, nước Pháp sẽ Tiến Bước cùng EU? - Ảnh 3.

Ứng viên Emmanuel Macron tại sự kiện vận động tranh cử ở Sarcelles, Bắc Paris hôm 27/4 (Ảnh: EPA)

Macron và Trump

Cùng xuất thân từ một trong hai đảng chính cầm quyền, cùng "nổi loạn" tự ứng cử mà không tôn trọng quyết định của đảng, cùng thiếu kinh nghiệm chính trường, chưa bao giờ là nghị sĩ,  nhưng Emmanuel Macron đã đi xa hơn Donald Trump, đó là đã dứt khoát đoạn tuyệt với đảng cũ, sáng tạo ra một cách thức mới cho sinh hoạt chính trị để làm bệ đỡ cho dự án chính trị của mình và những người đồng chí hướng. 

Hơn nữa, đến từ "tỉnh lẻ" Amiens, Macron không xuất thân từ các tầng lớp tinh hoa Paris hay Lyon, Marseille, điều này sẽ giúp cho ông có nhiều lợi thế trong việc gần gũi với đa số quần chúng.          

Nếu như sự lo ngại của chính giới và công luận Pháp nằm ở kinh nghiệm của thủ lĩnh phong trào Tiến Bước cũng như việc phong trào không hoàn toàn là một đảng phái chính trị (theo nghĩa truyền thống) mặc dù Emmanuel Macron đã giới thiệu một chương trình hành động hoàn chỉnh và rõ ràng với lĩnh vực xã hội mang khuynh hướng cánh tả, còn kinh tế tự do theo cánh hữu, thì sự  thành lập phong trào tự thân nó lại là một cuộc cách mạng sáng tạo về sinh hoạt chính trị ở tầm mức cao nhất.

Sự ủng hộ rộng rãi của giới tinh hoa và xã hội Pháp 

Tiến Bước là khẩu hiệu và biểu tượng chính thức của Hiệp hội về đổi mới trong đời sống chính trị ,một tổ chức dân sự xã hội, với các giá trị nền tảng bao gồm: Chống lại tất cả mọi hình thức bảo thủ, tôn xưng chủ nghĩa tiến bộ, gắn bó với EU, chấp nhận thích nghi nền kinh tế Pháp với quá trình toàn cầu hóa, hiện đại hóa và đạo đức hóa sinh hoạt chính trị của nước Pháp. 

Một trụ cột của phong trào là phát triển dựa trên nền tảng các mạng xã hội, chẳng hạn việc kêu gọi trở thành ứng viên cho kỳ bầu cử cấp vùng và địa phương năm 2017 đã được thực hiện qua internet và 15.000 đơn ứng cử đã được gửi về, trong đó một nửa ứng viên đến từ các tổ chức xã hội dân sự ; hay việc chống tin giả được bảo đảm bởi một ủy ban đứng đầu là cựu chủ tịch hội đồng quốc gia về kỹ thuật số. 

Một đặc thù quan trọng của phong trào là chấp nhận sự tham gia của mọi thành viên của các đảng phái khác và các hội viên không đóng bất kỳ hội phí nào. Chỉ sau 1 năm thành lập, vào tháng 4 năm 2017, phong trào đã có 254.000 hội viên, trong khi đó số đảng viên của Những người Cộng hòa là 213.000 (2015), còn Đảng Xã hội chỉ có 120.000 (2016).

Sự thành lập phong trào đã được ủng hộ bởi các nhân vật quan trọng trong chính giới, kể cả Tổng thống đương nhiệm François Hollande (cánh tả), cựu thủ tướng Jean-Pierre Raffarin (cánh hữu)-người ước định rằng sự ra đời của Tiến Bước mang lại "dòng máu mới". 

Chủ tịch hội các chủ doanh nghiệp Pháp Pierre Gattaz thì đánh giá phong trào là "luồng gió mát" và cho phép xây dựng nền chính trị không cần các chính trị gia chuyên nghiệp, ngoài ra còn có Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm Yves Le Drians, Thị trưởng Lyon (đô thị lớn thứ 2 của Pháp). 

Vào tháng 3/2017, có đến 54 dân biểu của Đảng Xã hội tuyên bố ủng hộ phong trào Tiến Bước, ngoài ra còn có 6 bộ trưởng đương nhiệm và cựu Thủ tướng Manuel Valls. Tương tự là khoảng 20 dân biểu đảng MoDem (trung dung) bao gồm chủ tịch Đảng François Bayrou, cựu bộ trưởng Jean-Louis Borloo rất được xã hội tôn trọng ; và 20 dân biểu hay cựu quan chức cao cấp của đảng Những người Cộng hòa (cánh hữu) bao gồm cựu Thủ tướng Dominique de Villepin. 

Ngoài ra còn có hàng loạt các nhân vật trong giới chủ kinh doanh, lãnh đạo doanh nghiệp, báo chí, nhà khoa học, nhà kinh tế, nghệ sĩ, kiến trúc sư, giới thể thao, văn sĩ,… 

Emmanuelle Macron cũng nhận được sự ủng hộ quốc tế của cựu Thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt, Bộ trưởng tài chính Đức Wolfgang Schäuble, Bộ trưởng ngoại giao Đức Sigmar Gabrie, cựu thị trưởng New York Michael Bloomberg. 

Sự vận hành của Tiến Bước được đảm bảo bởi nhiều nhân vật kỹ trị có trình độ uy tín, mang lại tính chuyên nghiệp và kỹ thuật quản trị doanh nghiệp cho phong trào chính trị mang tính xã hội dân sự này.

Thời thế tạo anh hùng hay anh hùng tạo thời thế ? Dù thành công hay thất bại ở vòng 2 bầu cử tổng thống Pháp, có thể nói ông Macron đã và đang làm một cuộc cách mạng trong đời sống chính trị Pháp và nếu trúng cử sẽ là một cuộc cách mạng về kinh tế-xã hội sâu rộng. 

Nếu thành công, như nhiều phát kiến tiến bộ khác của Pháp, mô hình này sẽ trở thành một hình mẫu cho các nước châu Âu khác cùng Tiến Bước.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Lê Sơn - Tiến sĩ Kiến trúc, Đại học Kiến trúc quốc gia Paris-Malaquais, Paris, Pháp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại