“Thiên đường” trở lại
Sau loạt phóng sự điều tra dài kỳ có tên “Thị trường hàng xách tay - Thả nổi đến bao giờ?” đăng trên Báo Lao Động về những bất cập tại phố bán hàng xách Nguyễn Sơn (quận Long Biên, TP.Hà Nội), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp làm rõ thông tin về thị trường hàng hàng xách tay và báo cáo kết quả trước ngày 1.12.
Tuy nhiên, sau một thời gian đóng cửa, hạ biển để “né” cơ quan chức năng, hoạt động buôn bán đã nhộn nhịp trở lại.
Ghi nhận của PV những ngày cuối tháng 12.2017, việc kinh doanh tại phố Nguyễn Sơn tuy không còn quá ầm ĩ, nhưng các cửa hàng cơ bản đã mở cửa bán-buôn. Điều dễ nhận thấy nhất là phần lớn các biển hiệu có chữ “hàng xách tay” trước đây đều bị thay thế hoặc gỡ bỏ. Nhiều cửa hàng thậm chí không treo lại biển.
Trong vai người mua hàng, khi bước chân vào cửa hàng có tên H.C, đập vào mắt chúng tôi vẫn là sự đa dạng của các loại hàng hóa với nguồn gốc xuất xứ nước ngoài, gần như không có nhiều khác biệt với thời điểm loạt phóng sự nêu trên.
Tại đây, các loại sản phẩm thuộc nhóm mỹ phẩm, rượu, đồ gia dụng… được bày bán nhiều nhất. Chủ cửa hàng vẫn đon đả mời chào và vẫn không chút ngại ngần khẳng định, đây toàn là hàng xách tay từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Australia… khách hàng muốn bao nhiêu cũng có.
Một nam nhân viên tại cửa hàng HC nhiệt tình tư vấn cho khách hàng.
Khi PV đặt vấn đề hỏi mua một lọ sữa rửa mặt có tên Perfect Whip, nhân viên bán hàng lập tức khẳng định, sản phẩm đó là hàng xách tay của Nhật. “Cái này là hàng xách tay Nhật, ở đây đều là hàng xách tay hết chứ mình làm gì có”.
Khi PV thắc mắc, giá của một lọ sữa rửa mặt khác có tên Kose (Nhật Bản) trên thị trường có giá 140.000 đồng/lọ nhưng tại cửa hàng lại chỉ có giá 100.000 đồng, thì nhân viên bán hàng cho biết, do là hàng xách tay, không qua trung gian nên giá mới rẻ như vậy.
Bên cạnh đó, đây còn là nơi bán buôn cho nhiều đại lý khác trong và ngoài Hà Nội nên giá cũng “mềm” hơn.
Tương tự, khi PV tìm tới của hàng có tên K.P trong ngõ 158 Nguyễn Sơn, chuyên về các mặt hàng mỹ phẩm và thực phẩm chức năng. Tại đây, nam nhân viên liên tục khẳng định, cửa hàng mình chỉ bán buôn các loại hàng xách tay từ các nước như Hàn Quốc, Đức, Pháp, Nhật, Ý… chứ rất ít khi bán lẻ.
Về chất lượng của các loại sản phẩm đang bày bán, nam nhân viên này quảng cáo: “Ở đây toàn là hàng xách tay nên rất chuẩn và đảm bảo, hàng chất lượng thì giá mới cao”.
Trong cửa K.P, hàng loạt các loại hàng hóa như hàng thời trang, mỹ phẩm, đồ trang điểm, thực phẩm chức năng… công khai bày trong tủ kính, để trên kệ, treo trên tường, ken dày giữa các lối đi… Quy mô của cửa hàng không kém cạnh những hộ kinh doanh khác trong ngõ.
Nam nhân viên cửa hàng K.P tâm sự, dù là những ngày thường hay dịp gần Tết thì giá bán của các loại sản phẩm tại đây cũng không hề thay đổi, vì đây toàn là hàng xách tay nên bán rất chạy. Nếu muốn lấy nhiều thì phải đặt trước để lấy về chứ hiện tại thì hàng không có sẵn.
“Không ảnh hưởng gì”
Nhóm PV tiếp tục chọn một cửa hàng đã được gỡ biển ở ngõ 158 Nguyễn Sơn để mục sở thị các hoạt động mua bán.
Điều đầu tiên đập vào mắt là những vết tích nham nhở khi chủ cửa hàng gỡ vội dòng chữ “hàng xách tay” cỡ lớn gắn trên tấm bảng trước cửa hiệu. Phía bên trong cửa hàng, cũng giống như các hộ kinh doanh cùng phố, vẫn chẳng có nhiều khác biệt so với trước thời điểm Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Một người phụ nữ trung niên đon đả chào mời chúng tôi, cho biết, cửa hàng mới mở trở lại sau những biến cố. Chủ cửa hàng vui vẻ cho biết, việc đóng cửa hàng trong vòng một tháng không ảnh hưởng gì tới hoạt động buôn bán của cửa hàng mình.
“Đóng cửa ban ngày thôi, bọn chị vẫn đóng hàng bình thường. Khi có khách gọi là bọn chị lại vào trong đóng hàng, tối thì chuyển đi”.
Về tấm biển gỡ vội vẫn còn in rõ những dấu vết mà bất kỳ ai cũng nhận ra đó là dòng chữ “hàng xách tay” trước cửa hàng, bà này nói khẽ: “Quản lý thị trường không cho để, chỉ cho để là hàng tạp hóa thôi, không cho để từ “xách tay” các thứ...”.
Đồng thời với đó, người phụ nữ cũng chia sẻ rằng, đã phải chịu một khoản tiền không nhỏ gọi là tiền “luật”(?!) để được tiếp tục buôn bán.
Theo lời quảng cáo “ở đây cái gì chả có” của chủ cửa hàng, thì hiện tại, cửa hàng đang bán rất nhiều loại mỹ phẩm cao cấp, đồ gia dụng, quần áo, thực phẩm chức năng, rượu, kẹo bánh, đồng hồ, đồ may mặc,… được xách tay về từ rất nhiều nước như Đức, Nhật, Pháp, Mỹ: “Tết bọn em lên đây thì phong phú, từ bánh kẹo, rượu bia.
Kẹo Đức, bánh Đức, rượu mơ, rượu Chivas 18, rượu sake... Rượu bọn chị có dám bày nhiều đâu, chỉ bày ít gọi là người ta đi biếu thì bỏ ra bán thôi. Tầm này nó cho bọn chị bán rồi, một năm mất 2 lần”.
Được biết, sau khi bị hạ biển, đóng cửa hàng loạt vào cuối tháng 10, đầu tháng 11.2017, các cửa hàng tại phố Nguyễn Sơn đã tích cực đi mua gom các hóa đơn bán lẻ trên thị trường hoặc cho các sản phẩm chính hãng gửi hàng vào cơ sở của mình.
Mục đích của việc này, được giải thích là để có đủ lượng hóa đơn để “đính” vào các sản phẩm hàng xách tay nhằm hợp thức hóa nguồn gốc, trong trường hợp bị cơ quan chức năng “sờ gáy”.
Nhằm làm rõ hơn những điều mắt thấy tai nghe này tại “thủ phủ” hàng xách tay Nguyễn Sơn, PV Báo Lao Động đã đặt lịch làm việc đồng thời gửi các câu hỏi một cách rõ ràng tới Sở Công thương Hà Nội. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, cơ quan này đã chọn cách im lặng.
Theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội: Hàng xách tay chính là hàng lậu đang thao túng thị trường, chèn ép hàng nội địa.
Ông đơn cử, một lọ tăm ở siêu thị cũng phải chịu thuế VAT, trong khi hàng xách tay lớn hay nhỏ đều không phải chịu thuế và không ai có thể bảo đảm chất lượng của loại hàng hóa này, nhất là thực phẩm, thuốc chữa bệnh, sữa…
Sau thời gian kinh doanh tự phát, thăm dò, thị trường hàng xách tay đang có xu hướng bùng nổ. Sở dĩ hàng xách tay có đất sống là vì tâm lý chuộng hàng ngoại, giá lại rẻ so với chính hãng.
6 Cơ quan cùng vào cuộc “quản” hàng xách tay
Trong một văn bản mới đây gửi tới các bộ: Công an, Công Thương, Y tế, NNPTNT và Ban chỉ đạo 389 về chống buôn bán hàng giả, Bộ Tài chính đề nghị cùng vào cuộc để nghiên cứu giải pháp, “quản” thị trường buôn bán hàng xách tay. Ngoài ra, Bộ này cũng đề xuất sửa đổi chính sách, quy định cụ thể các mặt hàng được miễn thuế.
Cơ quan này cũng chỉ ra một số khó khăn trong việc quản lý hàng xách tay qua đường hàng không, như hành khách không thông báo đầy đủ số lượng, loại mặt hàng... để được miễn thuế. Cùng với đó, do số lượng nhân viên hải quan mỏng, khối lượng công việc nhiều và thiếu thiết bị hỗ trợ nên khó khăn trong việc kiểm tra, giám sát...
Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị các lực lượng chức năng, quản lý thị trường, thanh tra y tế, cơ quan công an… tăng cường quản lý, kiểm tra và xử phạt các trường hợp hàng hóa gắn mác xách tay bày bán trên thị trường.