Tại sao các trực thăng Nga thường xuyên bị bắn hạ tại Syria
Trang điện tử voennoe.rf (Nga) đã cố gắng tìm hiểu tại sao thiệt hại của quân đội Nga tại Syria tăng đáng kể, làm cách nào các phiến quân có thể bắn hạ chiếc máy bay thứ 2 trong vòng có 3 tuần và Nga sẽ làm gì để giữ được mạng sống cho các phi công của mình.
Số lượng binh lính Nga hi sinh tại Syria từ lâu đã vượt qua con số mà quân đội các nước khác tham gia vào chiến dịch trên không chịu thiệt hại tại Syria. Chiến dịch quân sự của Các lực lượng vũ trang Nga bắt đầu 10 tháng trước, trong suốt giai đoạn này Nga đã mất 19 người, 4 trực thăng và 1 máy bay chiến đấu.
Thiệt hại lớn nhất xảy ra cùng một thời điểm là hôm 1/8/2016, khi các phiến quân Syria bắn rơi chiếc trực thăng Mi-8 với 5 người Nga. 10 tháng trước, khó ai có thể tưởng tượng được con số thiệt hại này.
Vào hồi đầu tháng 10/2015, các chuyên gia quân sự, nhà báo và các chính khách bày tỏ sự lạc quan khi nói rằng các cuộc tấn công của IS nhằm vào những phi công Nga không đáng lo ngại.
Và đúng thế, trong số 19 binh lính chỉ có sĩ quan Oleg Peshkov là phi công của chiếc máy bay ném bom Su-24, không phải bị các phiến quân bắn hạ từ mặt đất, mà bị chiếc tiêm kích hiện đại F-16 bắn rơi. Tất cả những người còn lại là lính bộ binh, sĩ quan huấn luyện hoặc có mặt trên các trực thăng bị bắn hạ.
Những mảnh xác của một chiếc trực thăng Nga bị phiến quân bắn rơi tại Syria.
Tuy nhiên, những thiệt hại đáng kể này của Các lực lượng vũ trang Nga đã chỉ ra một vấn đề - số binh lính Nga hi sinh trong chiến dịch nói trên gần bằng số binh lính Anh hi sinh trong cuộc chiến tranh quy mô toàn diện tại Vịnh Persian 25 năm trước (24 người), nhưng khi đó sự chênh lệch về công nghệ giữa các bên nhỏ hơn nhiều so với hiện nay.
Cần nêu rõ rằng, theo thông tin của các nguồn tin mở, trong những tháng đầu tiên của chiến dịch quân sự tại Syria, các trực thăng như Mi-8 không được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ vận chuyển nhân sự và hàng hoá. Như vậy, quân đội Nga mất 3 chiếc trực thăng với phi hành đoàn chỉ trong 3,5 tháng, tương đương 1 chiếc/tháng.
Diễn biến tình hình rõ ràng không thể chấp nhận được và cần cơ quan chỉ huy xem xét lại công tác tổ chức bay. Điều này đặc biệt quan trọng vào chính thời điểm hiện nay khi Nga bắt đầu tăng cường thực hiện các nhiệm vụ cứu trợ tại Syria (có nghĩa là sẽ sử dụng nhiều hơn các máy bay trực thăng dễ bị bắn hạ Mi-8).
Hiện vẫn chưa rõ bằng cách nào các phiến quân có thể bắn hạ được Mi-8 của Nga, nhưng những phần tử khủng bố có đủ vũ khí để thực hiện các mục đích này. Các phần tử cực đoan sở hữu các loại pháo phòng không cũ của Liên Xô và các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai mới của Trung Quốc.
Trong bối cảnh này có thể chắc chắn một điều: 2 chiếc trực thăng bị bắn rơi trong 3 tuần - đó không phải là tình cờ và may mắn, mà nó có nghĩa là số lượng phi công trực thăng Nga thiệt mạng tại Syria có thể tăng trong thời gian tới.
Mi-8 bị bắn hạ bằng vũ khí nào
Trên các trực thăng Mi-8 hiện đại có trang bị tổ hợp phòng vệ "Vitebsk" giúp nó giảm thiểu mối đe doạ từ các tổ hợp tên lửa phòng không xách tay.
Các phiến quân trong suốt thời gian qua chỉ sở hữu tổ hợp tên lửa "Strela" đời đầu phiên bản Afganistan và tổ hợp FN-6 (Trung Quốc) - không phải mạnh nhất của loại vũ khí này. Trước đó, các tên lửa phòng không xách tay chủ yếu đã bắn hạ các máy bay cũ kỹ (ví dụ như các máy bay MiG-21 của Không quân Syria).
Cũng không cần phải đề cập tới việc các phần tử khủng bố sở hữu các tổ hợp tên lửa phòng không xách tay thế hệ mới nhất. Các phiến quân, như thường lệ, luôn tự tâng bốc những chiến công của mình để nâng cao hình ảnh trước đồng minh, tăng tinh thần chiến đấu của đồng bọn và để báo cáo công trạng trước những kẻ "đỡ đầu".
Cho nên, nếu như chúng sở hữu vũ khí tối tân thì chắc chắn chúng sẽ quay một vài đoạn video "quảng bá". Ngoài ra, sẽ là rất lạ lùng nếu chúng dùng tổ hợp tên lửa phòng không tối tân để bắn hạ Mi-8 để khiến mọi người bất ngờ trong khi có thể dùng nó "thử vận may" với những mục tiêu hấp dẫn hơn - các máy bay ném bom.
Khi các phần tử Hồi giáo cực đoan chiếm được của phe "đối lập ôn hoà" tại Syria các tên lửa chống tăng điều khiển tối tân của Mỹ (TOW), thì chúng ngay lập tức phải quay đoạn video về chiến công này.
Bởi vậy, nếu chúng sở hữu những phiên bản mới nhất của "Stinger" thì chắc chắn chúng ta đã nhìn thấy những kẻ râu quai nón "khoe khoang" trên Youtube.
Chiếc trực thăng cũng có thể bị bắn rơi bằng pháo phòng không mà phiến quân sở hữu rất nhiều và thậm chí còn được sử dụng như vũ khí chống bộ binh.
Các vũ khí hiện có của quân khủng bố như pháo phòng không ZU-23, "Shilok" và các loại pháo khác có thể bắn hạ được Mi-8 và không một tổ hợp phòng vệ nào có thể cứu sống được nó.
Giả thiết này có vẻ thuyết phục hơn cả bởi vì các phần tử Hồi giáo cực đoan đã nhiều lần thành công trong việc sử dụng loại vũ khí này để tấn công các mục tiêu trên không.
Trực thăng vũ trang Nga khai hỏa vào mục tiêu.
Làm thế nào để bảo vệ các máy bay trực thăng
Từ thông tin công bố trên mạng có thể đánh giá rằng, chiếc trực thăng bị bắn hạ đã di chuyển đơn độc. Vậy câu hỏi thứ nhất xuất hiện ngay trong đầu: nếu có 2 chiếc Mi-24 hộ tống thì có cứu sống được Mi-8 hay không?
Không hẳn. Nếu như nó bị bắn hạ bằng tổ hợp tên lửa phòng không vác vai thì việc được hộ tống cũng không giúp nó sống sót mà chỉ tạo thêm 2 mục tiêu tiềm năng cho phiến quân thay vì 1 mục tiêu.
Để chống lại hoả lực từ pháo phòng không thì việc hộ tống đúng là có thể trợ giúp. 2 chiếc Mi-24 đã có thể nhanh chóng "dập tắt" các điểm triển khai hoả lực.
Pháo phòng không của phiến quân được lắp đặt trên các xe bán tải nên dễ bị phát hiện hơn người mang tổ hợp tên lửa phòng không vác vai do toả nhiệt nhiều hơn. Ngoài ra, thời gian bay tới mục tiêu của các tên lửa do Mi-24 phóng ra ngắn hơn thời gian bắn trúng mục tiêu của pháo phòng không thế hệ cũ.
Nhưng không nên quên rằng, kể cả trong trường hợp đó, việc hộ tống sẽ làm cho số lượng mục tiêu tiềm năng đối với phiến quân tăng.
Thêm một phương án đó là chuyển phương thức cung cấp hàng cứu trợ mà được liên minh quốc tế do Mỹ cầm đầu áp dụng. Các nước NATO thả hàng cứu trợ từ các máy bay vận tải ở độ cao mà quân khủng bố không thể bắn tới.
Tất nhiên, hiệu quả của phương pháp này thấp hơn nhiều, hàng cứu trợ có thể không rơi vào tay người cần, bị hỏng,... Nhưng ở đây xuất hiện câu hỏi liên quan tới các ưu tiên: cứu trợ người dân hay mạng sống những người lính của mình.
Cũng cần phải chỉ rõ rằng, trên chiếc Mi-8 bị bắn hạ có 2 thùng phóng rocket không điều khiển nhưng cả 2 đều không có đạn.
Mi-8 tại Syria không được sử dụng với vai trò trực thăng tấn công, bởi vậy các tổ hợp này không được nạp đạn. Điều này căn cứ từ việc chiếc trực thăng này trước đó đã vận chuyển một bé gái người Syria bị thương. Lý do tại sao bộ chỉ huy không nạp đạn cho các tthùng phóng rocket này vẫn là câu hỏi lớn.
Tóm lại, cần phải nói rằng, nếu cơ quan chỉ huy Các lực lượng vũ trang Nga không xem xét lại việc sử dụng các máy bay trực thăng trong cuộc xung đột tại Syria thì thiệt hại của loại khí tài này sẽ chỉ tăng lên mà thôi.
Máy bay trực thăng là mục tiêu dễ bị bắn hạ hơn các máy bay ném bom, bởi vậy việc sử dụng chúng một cách rộng rãi chỉ khiến cho xác suất thiệt hại ngày càng tăng. Con số thống kê trong trường hợp này không bao giờ nói sai.