Bất ngờ về người Hồi giáo Arab trong quân đội Israel

Trung Hiếu |

Quân đội Israel bị thế giới Arab coi là công cụ trấn áp họ. Thế nhưng hiện số người Arab muốn gia nhập quân đội này đang tăng lên.

Ngôi sao David là biểu tượng nổi tiếng nhất của người Do Thái cũng như tinh thần ái quốc dành cho nhà nước Israel.

Thế nên nhiều người thực sự ngạc nhiên khi ngôi sao 6 cánh đó lại treo ở dây chuyển trên cổ của Trung sĩ Yossef Saluta, một người Arab Hồi giáo trong lực lượng vũ trang Israel.

Bất ngờ về người Hồi giáo Arab trong quân đội Israel - Ảnh 1.

Trung sĩ Yossef Saluta, người Arab, trong quân đội Israel. Cổ của anh đeo dây chuyền có ngôi sao Do Thái. Ảnh: NBC News.

Tự hào làm lính Israel để bảo vệ Tổ quốc

Người thanh niên 20 tuổi nói trên tự hào tạo dáng chụp ảnh với chiếc vòng cổ có ngôi sao 6 cánh trong bộ quân phục Israel cùng khẩu súng trường vắt qua vai. Saluta nằm trong số tuy nhỏ nhưng đang gia tăng những người Israel gốc Arab gia nhập quân đội. Điều này thách thức truyền thống bấy lâu nay ở Israel và trong cộng đồng dân cư của Saluta.

Đại tá Wagdi Sarhan, đứng đầu một đơn vị dân tộc thiểu số trong Các Lực lượng Quốc phòng Israel (tên chính thức của quân đội Israel, viết tắt là IDF), cho biết: “Trong cộng đồng Hồi giáo Arab không phải là người du mục, hiện có một xu hướng ngày càng cởi mở với việc tình nguyện gia nhập quân đội. Tôi muốn nói đến việc tuyển hàng chục thanh niên Hồi giáo Arab và chúng tôi hy vọng con số này sẽ tiếp tục tăng”.

Bốn năm trước, số lượng người Israel tộc Arab tình nguyện làm nghĩa vụ quân sự nằm dưới ngưỡng 10. Nay theo Sarhan, con số đã lên tới hàng tá.

Trừ một số ngoại lệ, nghĩa vụ quân sự là bắt buộc ở Israel – 3 năm dành cho nam giới và 2 năm dành cho nữ giới. Quy định này cũng áp dụng cho các cộng đồng người Druze và người Circassia.

Những người du mục Hồi giáo ở đây (có xu hướng xem mình là người Israel hơn là người Arab) và những người Arab theo Kitô giáo có thể tình nguyện đăng ký gia nhập quân đội Israel. Mỗi nhóm dân tộc nói trên hiện có hai trăm quân nhân phục vụ trong quân đội Israel.

Tuy nhiên, người Israel tộc Arab Hồi giáo thường coi quân đội Israel là công cụ trấn áp những người Arab Palestine anh em ở Bờ Tây – vùng đất mà Israel đã chiếm đóng từ năm 1967, và do đó họ có xu hướng tránh quân dịch.

Bất ngờ về người Hồi giáo Arab trong quân đội Israel - Ảnh 2.

Binh sĩ Israel tuần tra ở làng Arura, Bờ Tây, vào tháng 6/2014. Ảnh: Reuters.


Nhưng Saluta thì không nhìn nhận theo cách đó. Gia đình anh cũng vậy.

Saluta nói: “Đây là đất nước của tôi và nhiệm vụ của tôi là bảo vệ biên giới quốc gia. Khi tôi nói với gia đình mình về ý định gia nhập quân đội, họ đã ủng hộ tôi”.

Saluta thừa nhận rằng khi mình lần đầu nói ra ý định đó, bạn bè anh đã nhìn anh như thể anh là “vật thể lạ”. Saluta kể tiếp: “Thế nhưng sau khi tôi kể cho họ nghe về các trải nghiệm trong quân đội thì họ tin tưởng và cũng muốn nhập ngũ”.

Saluta cho rằng “Quân đội là một nền tảng tốt để củng cố mối liên hệ giữa cộng đồng Arab và xã hội Israel”.

Quan điểm của Saluta không phổ biến trong những người Israel Arab – nhóm dân tộc chiếm tới 1/5 dân số Israel.

Nghị sĩ Israel Yousef Jabareen tin rằng người Arab không nên phục vụ trong quân đội nước này.

Nghị sĩ Jabareen nói với NBC News: “Cộng đồng Arab cũng như chúng tôi trong ban lãnh đạo của cộng đồng này cực lực phản đối việc tuyển công dân Arab nhập ngũ bởi lẽ chúng tôi không thể trở thành một phần của chế độ áp bức lại chính dân tộc chúng tôi”.

Theo ông Jabareen, quân đội Israel không chỉ áp đặt sự chiếm đóng của Israel lên mảnh đất Palestine ở Bờ Tây mà còn là công cụ để nhồi nhét các tư tưởng Do Thái vào thanh niên.

Yousef Jabareen nói thêm: “Quân đội cũng là bộ khung để đưa tư tưởng Do Thái Phục Quốc vào đầu các tân binh – một học thuyết nhấn mạnh đến việc bác bỏ vị thế bình đẳng và các quyền của tập thể người Palestine”.

Cơ hội hòa nhập xã hội và phát triển nghề nghiệp

Thế nhưng, theo Đại tá Sarhan, các tân binh không nhất thiết đưa ra các quyết định của mình dựa trên chính trị. Viên sĩ quan cho rằng đa phần đều tin là quân đội Israel mở ra cánh cửa phát triển cho họ ở quốc gia Do Thái. Họ tin rằng việc làm quân nhân Israel giúp họ có nhiều chất Israel hơn, và từ đó giúp họ giành được sự tôn trọng trong xã hội này.

Bất ngờ về người Hồi giáo Arab trong quân đội Israel - Ảnh 3.

Trung sĩ Halil (gữa) và các đồng đội người Arab trong một đơn vị đổ bộ đường biển của quân đội Israel. Ảnh: NBC News.


Tham gia nghĩa vụ quân sự là một bước để xây dựng sự nghiệp sau này, Trung sĩ Saleh Halil nói

Theo Sarhan, việc tuyển binh là người Arab đang gia tăng do tâm lý ngày càng chán nản trong cộng đồng Arab ở đây. Theo ông, việc gia nhập quân ngũ giúp họ tìm được lẽ sống và thúc đẩy lòng tự tin.

“Chúng tôi hiểu rằng bằng việc gia nhập quân đội, các thanh niên Arab sẽ trở nên gắn kết hơn và có thái độ tích cực hơn với nhà nước”.

Saluta và Halil đã tuyên thệ trung thành với nhà nước Israel khi giơ kinh Koran thay vì kinh Thánh như các binh sĩ Do Thái vẫn hay làm.

Tuy nhiên việc tòng quân không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Những tháng đầu trong quân ngũ luôn khó khăn với các tân binh Arab.

Đại tá Sarhan kể: “Đột nhiên họ gặp phải những người Israel khác – những người không phải lúc nào cũng đối xử bình đẳng với họ, cho nên thi thoảng các thanh niên Arab này cảm thấy mình bị phân biệt đối xử”.

Các binh sĩ Arab này còn đối diện một khó khăn đáng kể khác, nằm ở chính cộng đồng Arab của họ.

Halil kể lại: “Sau khi trải qua giai đoạn huấn luyện cơ bản, tôi phục vụ ở Jenin [một thành phố Palestine ở Bờ Tây] và phải giao dịch với những người Palestine. Những người đó đã rất đỗi ngạc nhiên khi thấy tôi nói tiếng Arab với họ”.

Những trải nghiệm trên không làm sứt mẻ lòng nhiệt huyết của Halil khi làm một quân nhân Israel. Halil khẳng định: “Không quan trọng việc bạn là người Hồi giáo, Do Thái giáo hay Kitô giáo. Chúng tôi cùng chung hàng ngũ và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau”./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại