Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học PNAS khẳng định thời điểm Trái Đất có lục địa đầu tiên là 3,2 đến 3,3 tỉ năm trước, dựa trên các "túi đá trầm tích" được tìm thấy ở Ấn Độ và Úc. Trước đây, người ta cho rằng mãi đến 2,5 tỉ năm trước Trái Đất mới có lục địa.
Một trong các khối đá cổ đại được nghiên cứu - Ảnh: Đại học Monash
Theo SciTech Daily, các nhà khoa học dẫn đầu bởi tiến sĩ Priyadarshi Chowdhury từ Trường Trái Đất thuộc Đại học Monash (Úc) xác định đá trầm tích từ 2 địa điểm nói trên đều cùng thời kỳ. Để xác định niên đại, họ đã tìm kiếm các tinh thể nhỏ gọi là zircons, chứa nguyên tố phóng xạ uranium.
Quá trình quét laser zircons sẽ tiết lộ thành phần hóa học của chúng, thông qua một kỹ thuật gọi là khối phổ để kiểm tra tỉ lệ uranium và chì. Dựa vào tỉ lệ uranium bị phân hủy thành chì, tuổi của đá được tiết lộ. Nó cho thấy đá ở Ấn Độ và Úc đã "nhìn thấy thế giới" từ 3,2 đến 3,3 tỉ năm trước!
Nhưng theo Live Science, điều kỳ lạ nằm ở chỗ vào thời điểm đó, Trái Đất chưa có kiến tạo mảng kiểu hiện đại. Vậy thứ gì đã đưa lục địa đầu tiên xuyên thủng đại dương cổ đại?
Để trả lời câu hỏi đó, các nhà khoa học đã dựng nên mô hình máy tính dựa nên dữ liệu địa chất và cổ từ, tái tạo các điều kiện hình thành nên các tảng đá bí ẩn và hành trình đi qua đại dương của chúng.
Mô hình cho thấy khoảng 3,5 đến 3,2 tỉ năm trước, các chùm magma nón bên dưới lớp vỏ hành tinh khiến các phần của craton - các tấm lục địa sơ khai - dày lên, trở nên giàu vật liệu nhẹ, nổi như silica và thạch anh. Điều này khiến chúng "dày về mặt vật lý và nhẹ về mặt hóa học" so với lớp đá dày đặc xung quanh và dần dần cả khối đá nổi lên khỏi mặt nước.
Địa điểm tìm thấy dấu vết lục địa sớm ở Ấn Độ là một khu vực gọi là Singhbhum Craton; ngoài ra còn có khu vực Kaapvaal Craton ở Nam Phi, Pilbara Cration ở Úc. Tất cả đều có tuổi đời ít nhất là 3 tỉ năm, dù chưa rõ cái nào mới là đại diện của lục địa đầu tiên.