Trong số rất nhiều ứng dụng giao đồ ăn, cái tên BAEMIN đã trở nên quen thuộc với rất nhiều người. Ứng dụng nào chào sân tại Việt Nam vào cuối năm 2018, tạo được ấn tượng tốt và thu hút sự chú ý đáng kể với đông đảo người dùng với “đội quân xanh mint” phủ xanh đường phố, những thiết kế với phông chữ đặc trưng và ấn tượng, cũng như những hình tượng nhân vật đại diện thương hiệu như Mèo Mập đáng yêu và shipperman mũ xanh dí dỏm.
Sự ra đi của công ty giao thức ăn đến từ xứ sở Kim Chi có nhiều lý do, gồm áp lực cạnh tranh lớn, chiến lược kinh doanh, đặt trong bối cảnh giai đoạn kinh tế khó khăn cả ở trong nước và thế giới.
Nhưng điều gây bất ngờ lớn mà nhiều người nhận thấy trong vài ngày lại là câu chuyện về cách ghi nhận của giới tài xế hợp tác với hãng này. Vì sao họ mến yêu BAEMIN như vậy?
Câu trả lời được ghi nhận từ rất nhiều ý kiến của giới tài xế bày tỏ những ngày qua là: Hãng giao đồ ăn này chu đáo và tận tâm với các tài xế.
Anh Nguyễn Thành An (sinh năm 1994, sinh sống tại quận Bình Thạnh, TP. HCM) cho biết đã gắn bó với BAEMIN từ năm 2019. Suốt 4 năm qua, anh có rất nhiều kỷ niệm với công ty.
Anh Nguyễn Thành An. Ảnh: NVCC
Tình cờ biết tới BAEMIN, anh An đã nộp hồ sơ xin “đầu quân". Anh hoàn toàn bất ngờ với chế độ đãi ngộ. Anh cho biết: “Những ngày lễ, tết như tết thiếu nhi 1/6 và Trung thu hay Giáng sinh, công ty đều tổ chức cho các bé con của tài xế. Còn 8/3 và 20/10 thì tài xế nữ cũng được BAEMIN tổ chức tặng hoa và ăn bánh…”
Bên cạnh đó, anh An còn rất hài lòng về chế độ lương thưởng. Công ty có thưởng tuần, thưởng ngày, thưởng khung giờ cao điểm, thưởng đơn hàng xa, thưởng đơn giá trị lớn cho các tài xế.
Ngoài ra, “tiền tips" các bác tài cũng được nhận 100%.
Nguồn thu nhập BAEMIN mang lại cho Thành An khá ổn định. Anh tiết lộ trung bình mỗi tháng sẽ nhận về khoảng 12 triệu đồng. Vào cao điểm của năm 2020, con số có thể lên đến hơn 20 triệu đồng.
“Thật sự khi nghe tin, mình thấy buồn, nghẹn ngào lắm vì đã gắn bó suốt 4 năm qua. BAEMIN cũng đã hết lòng với anh em nên cũng cầu chúc công ty sẽ gặt hái nhiều thành công ở nhiều thị trường khác.”
Hình minh họa. Ảnh: Internet
Chung cảm xúc với Nguyễn Thành An, anh Trần Đăng Khôi (sinh năm 1992, hiện sống tại Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cảm thấy buồn khi BAEMIN không còn hoạt động tại Việt Nam. Anh làm tài xế cho công ty mới được 2 năm. Năm 2021, do không tìm được việc làm, anh Khôi thử sức làm tài xế công nghệ.
“Làm shipper đồ ăn nhìn chung không nặng nhọc như chở khách. Vào giờ cao điểm như buổi trưa, tôi có thể tranh thủ để kiếm thêm thu nhập. Ngược lại, khi nào ít khách, tôi lại có thời gian đỡ đần vợ con”, anh Khôi cho biết.
Nhờ công ty có đãi ngộ tốt, anh và các đồng nghiệp bớt được một phần áp lực, do đó, phần lớn các anh có thái độ niềm nở với khách. Đăng Khôi bộc bạch: “Phần lớn các khách đều vui vẻ và quý chúng tôi. Sắp tới không còn làm cho BAEMIN, tôi nghĩ mình sẽ hụt hẫng một thời gian."
Cả anh An và anh Khôi đều khẳng định sẽ làm trọn vẹn với BAEMIN đến ngày cuối cùng hãng này ở Việt Nam.