Bất ngờ tuyên bố chung của ông Trump về Triều Tiên, Iran, Nga

Minh Đức |

Có một câu nói mà người đứng đầu nước Mỹ rất hay sử dụng trong thời gian gần đây khi nhắc tới các vấn đề nóng.

Xung đột thương mại với châu Âu đang tích tụ. Căng thẳng biên giới với Mexico đang sục sôi. Đàm phán với Triều Tiên và Iran đang chưa thấy lối thoái. Nước Mỹ có thể hy vọng gì trong thời điểm này?

Khi được hỏi rằng liệu ông có xứng đáng nhận được giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Hàn Quốc và Triều Tiên, Tổng thống Donald Trump chỉ trả lời: “Chúng ta hãy chờ xem”.

Trước đó một ngày, nói về mối quan hệ với Triều Tiên, người đứng đầu nước Mỹ nói: “Như tôi vẫn nói, chúng ta hãy chờ xem điều gì sẽ xảy ra”. Theo New York Times, phát biểu của ông Trump phần nào hé lộ thái độ không rõ ràng của Tổng thống Mỹ trong các cuộc thương lượng.

“Kết quả cuối cùng là gì, chúng ta hãy chờ xem”, ông Trump tuyên bố tuần trước về cuộc gặp được kỳ vọng với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Đáng lưu ý, trong suốt tháng Tư vừa rồi, ông chủ Nhà Trắng đã không ít lần sử dụng những phiên bản khác nhau của cụm từ “Chúng ta hãy chờ xem”, trước một loạt lãnh đạo thế giới, từ Pháp, các nước Baltic cho đến Nhật Bản và Nigeria. Những chủ đề được ông Trump nhắc tới cũng vô cùng đa dạng, bao gồm Mexico, Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (Nafta), Nga, Amazon, Triều Tiên, tân Ngoại trưởng Mike Pompeo, tân Bộ trưởng Cựu chiến binh Ronny L. Jackson, Iran…

Bất ngờ tuyên bố chung của ông Trump về Triều Tiên, Iran, Nga - Ảnh 1.

Cuộc gặp được kỳ vọng giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 5 hoặc đầu tháng 6

Trong khi một số nhà phân tích nhìn nhận việc Tổng thống Trump nói “Chúng ta hãy chờ xem”, là một cách bày tỏ sự đe dọa trước các đối thủ tiềm năng trong quá trình đàm phán; có người khác lại cho rằng, ông Trump đang sử dụng cụm từ trên để phần nào giảm bớt trách nhiệm liên quan.

“Thay vì dự đoán và chịu trách nhiệm về lời dự đoán, ông thường mở ra nhiều khả năng mà không trực tiếp liên quan tới các trách nhiệm của ông,” Kathleen Hall Jamieson, Giám đốc Trung tâm chính sách công Annenberg tại Đại học Pennsylvania nói.

Ông Trump không phải là Tổng thống Mỹ đầu tiên dựa vào cách nói chuyện để giảm khả năng bị chỉ trích hoặc đặt câu hỏi. Khi đối mặt với áp lực, Tổng thống George W. Bush thường gọi mình là “người đưa ra quyết định” (mang thái độ “Anh không phải là ông chủ của tôi đâu nhé”), cũng như thường xuyên sử dụng từ “tuyệt hảo” (fabulous) để diễn ra sự ủng hộ của mình.

Ngộ nghĩnh hơn, Tổng thống Ronald Reagan lại tự kéo tai và lầm bầm “Tôi không nghe thấy gì hết” để tránh những câu hỏi được đặt ra. Còn Tổng thống Barack Obama thường dựa vào cụm từ “Để tôi nói rõ…” nhằm kêu gọi sự chú ý của khán giả trong các bài phát biểu ở nhiệm kỳ đầu tiên.

“Càng nhiều người nghe, nó sẽ càng trở nên ít hiệu quả hơn”, David Litt, một trong những người soạn thảo bài phát biểu cho ông Obama, nhận xét trong một cuộc phỏng vấn, “đây là một lý do tại sao ở nhiệm kỳ thứ hai, ông Obama ít sử dụng cụm từ ‘Để tôi nói rõ…’’ hơn”.

Tuy nhiên, bà Jamieson chỉ ra, ông Trump không giống như những Tổng thống khác, bởi vì ông thích nói một cách ngẫu hứng về những vấn đề có kết quả rõ ràng. Cách tiếp cận này đã dẫn tới một loạt những câu nói ưa thích của ông chủ Nhà Trắng hiện tại nhưng nên được hiểu theo nghĩa khác, ví dụ như: “nhiều người đang nói”, theo ngôn ngữ của ông Trump có nghĩa là “tôi hy vọng nhiều người đang nói việc này bởi vì tôi muốn bạn tin vào điều đó”; “mọi người không biết” có nghĩa là “tôi vừa mới tìm ra”, và trong một số trường hợp “tin tôi đi” lại mang ý nghĩa “tôi thực sự nghi ngờ”.

Khác với những người tiền nhiềm thường gắn với cách tiếp cận đã lên kịch bản trước và “đảm bảo họ nắm rõ, kết quả nào có thể đạt được, và cách phát ngôn giúp họ có được kết quả đó”, với ông Trump, “chức năng báo hiệu” là không rõ ràng, khiến lời nói của người đứng đầu đất nước phần nào bị giảm sức mạnh, bà Jamieson cho biết.

Còn Matt Latimer, chuyên gia ngôn ngữ, từng tham gia soạn bài phát biểu cho Tổng thống Bush, phân tích: trong khi ông Trump đã có được những chiến thắng lớn về chính sách và kinh tế (như cắt giảm thuế…), có lẽ việc sử dụng cách nói ngẫu hứng sẽ phù hợp hơn cho một Tổng thống xuất thân từ giới kinh doanh và cả… showbiz như ông. Khi đề cập đến hạn chót cho của tiến trình thương lượng với Iran, ông Trump nói với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron theo một phong cách không thể Hollywood hơn rằng: “Không ai biết tôi sẽ làm gì vào ngày 12, mặc dù ngài Tổng thống đây có một ý tưởng khá tốt – nhưng chúng ta hãy chờ xem”.

Tuy nhiên, ông Latimer cũng cảnh báo, thái độ này của Tổng thống Trump có thể sẽ không kéo dài lâu, nhất là khi các cuộc thương lượng đang không ngừng tiếp diễn. “Phong cách tự do chỉ có hiệu quả khi mọi việc đang đi theo chiều hướng tốt”, chuyên gia ngôn ngữ nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại