Tiến sĩ Peter Ben Embarek
Cụ thể, bình luận về giả thiết virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có thể lây từ dơi sang người, Tiến sĩ Peter Ben Embarek cho biết bệnh nhân số 0 có thể là nhà khoa học hoặc nhân viên nghiên cứu về dơi tại phòng thí nghiệm tại Vũ Hán.
"Một nhân viên bị nhiễm bệnh ngoài thực địa trong quá trình lấy mẫu là một trong các khả năng. Đó là khi virus nhảy từ dơi sang người. Trong trường hợp đó, khả năng có thể rơi vào một nhân viên phòng thí nghiệm hơn là một người dân làng ngẫu nhiên, hay một người thường xuyên tiếp xúc với dơi nào đó", ông Embarek nói.
Tiến sĩ Peter Ben Embarek trả lời phỏng vấn của đài truyền hình Đan Mạch
Tuy nhiên, vị tiến sĩ này cũng bổ sung thêm rằng các chuyên gia của WHO đã không tìm thấy bằng chứng trực tiếp nào chứng minh cho giả thuyết này.
Tuyên bố mới nhất của ông Embarek có nhiều khác biệt so với kết luận trước đó của đoàn chuyên gia WHO được cử tới Vũ Hán, trong đó nói rằng giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là "cực kỳ khó xảy ra".
Tuy nhiên, chia sẻ với đài TV 2 Đan Mạch, ông Embarek cho biết, kết luận rằng khả năng virus rò rỉ "cực kỳ khó xảy ra" đã được đưa ra sau hai ngày đàm phán căng thẳng với các nhà khoa học Trung Quốc - những người ban đầu muốn bác bỏ hoàn toàn giả thuyết này.
Hơn nữa, mặc dù các nhà điều tra được cho phép tiếp cận Viện Virus học Vũ Hán (WIV), Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của thành phố Vũ Hán và được phía Trung Quốc giải đáp các thắc mắc, nhưng "chúng tôi không được xem xét bất cứ tài liệu nào cả", ông Embarek nói.
KẾT LUẬN BAN ĐẦU CỦA NHÓM ĐIỀU TRA ĐƯỢC WHO CỬ ĐẾN VŨ HÁN
Ngày 9/2/2021, trong cuộc họp báo ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, để báo cáo về những phát hiện sau 2 tuần điều tra về nguồn gốc của dịch bệnh ở địa điểm này, Tiến sĩ Embarek và đoàn chuyên gia của WHO đã tuyên bố khả năng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm của Viện Nghiên cứu Virus Vũ Hán là "gần như không thể".
Theo đó, ông Embarek cùng các đồng nghiệp trong đoàn điều tra cho rằng con đường lây nhiễm qua vật chủ trung gian (động vật) là khả thi nhất, do đó các nhà khoa học cần đào sâu nghiên cứu cụ thể hơn về khả năng này.
Ông Embarek nói: "Những phát hiện của chúng tôi đã chứng minh rằng giả thuyết về việc virus 'rò rỉ' từ phòng thí nghiệm là điều gần như không thể. Do đó các nghiên cứu trong tương lai về nguồn gốc của virus [SARS-CoV-2] không nên tập trung vào hướng này".
Giải thích thêm về lí do đoàn điều tra của WHO cho rằng khả năng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm của Viện Nghiên cứu Virus Vũ Hán là "gần như không thể", ông Embarek cho biết ông và các đồng nghiệp đều nhất trí rằng Viện Nghiên cứu Virus Vũ Hán ở trong tình trạng rất tốt, và "rất khó xảy ra sự rò rỉ từ một nơi như vậy".
Việc xảy ra tai nạn trong phòng thí nghiệm "là điều cực kỳ hiếm gặp", ông Embarek nói.
Tuy nhiên, chuyên gia này nói rằng trong quá khứ điều này đã từng xảy ra trên thế giới, do đó dù khả năng rất thấp nhưng WHO không loại bỏ giả thuyết này, bởi một thực tế đáng chú ý là Vũ Hán là nơi đầu tiên báo cáo về các ca nhiễm COVID-19 liên quan đến một địa điểm không xa phòng thí nghiệm này.
WHO ĐỀ XUẤT TIẾP TỤC ĐIỀU TRA VÀ PHẢN ỨNG CỦA TRUNG QUỐC
Nguồn gốc của đại dịch COVID-19 đến nay vẫn là vấn đề gây tranh cãi giữa Trung Quốc và phương Tây. Phía Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc và giả thuyết virus SARS-CoV-2 là nhân tạo hay rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
Tại buổi họp báo thường kỳ ngày 5/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã bình luận rằng "thân phận" của những người mang danh "nhà khoa học quốc tế" yêu cầu điều tra về nguồn gốc COVID-19 cần được xem xét lại.
Theo đó, ông Uông nhấn mạnh rằng đây không phải lần đầu tiên những người mang danh "các nhà khoa học quốc tế" đưa ra yêu cầu điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Ngày 16/7, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đề xuất cử một nhóm chuyên gia khác đến Trung Quốc để thực hiện giai đoạn hai của cuộc điều tra truy xuất nguồn gốc của virus SARS-CoV-2, với lý do giai đoạn đầu tiên của cuộc điều tra đã bị ảnh hưởng vì thiếu dữ liệu thô trong vài ngày đầu tiên sau khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc.
WHO cũng đã kêu gọi phía Trung Quốc minh bạch đối với cuộc điều tra.
Tuy nhiên, trước lời kêu gọi này, phía Trung Quốc đã kiên quyết phản đối và lên án những tiêu chí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đối với giai đoạn hai điều tra nguồn gốc Covid-19 là sự xúc phạm.
"Cho tới ngày 31/12/2019, Viện Virus học Vũ Hán chưa bao giờ nghiên cứu hay tiếp xúc với virus SARS-CoV-2. Viện Virus học Vũ Hán chưa bao giờ tổng hợp, tạo ra hay làm rò rỉ virus này ra bên ngoài. Bên cạnh đó, không có nhân viên hay nghiên cứu sinh nào của viện mắc Covid-19 cho tới thời điểm đó", đại diện Ủy ban Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc cho hay trong một cuộc họp báo.
"Các nhà khoa học đều nhất trí rằng Covid-19 có nguồn gốc tự nhiên. Các chuyên gia đã công bố nhận định trên cho biết không có bằng chứng nào về nguồn gốc nhân tạo của Covid-19 và sự rò rỉ virus này khỏi phòng thí nghiệm", đại diện Ủy ban Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc cho biết.
Mới đây, trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh hôm 29/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tiết lộ rằng nước này đã đệ trình phương án điều tra nguồn gốc COVID-19 giai đoạn 2 do WHO dẫn đầu.
"Đó là một kế hoạch chuyên nghiệp dựa trên khoa học", ông Triệu nói. "Các nghiên cứu đã được tiến hành ở giai đoạn một, đặc biệt là những nghiên cứu đã có kết luận rõ ràng, không nên lặp lại trong giai đoạn hai".
"Chúng ta nên để các nhà khoa học tìm hiểu về nguồn gốc của virus nhằm ngăn ngừa rủi ro trong tương lai, và kiên quyết từ chối chính trị hóa, can thiệp chính trị quá trình điều tra", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh./.