Bất ngờ trong xung đột ở Ukraine: Vũ khí công nghệ thấp làm lộ điểm yếu phòng không của Nga

Thùy Dương |

Mặc dù quân đội Nga sở hữu kho vũ khí tốt nhất để chống các cuộc tấn công từ trên không, nhưng họ đang gặp khó khăn trong đánh chặn các máy bay không người lái công nghệ thấp hoặc cảm tử từ phía Ukraine. Theo tờ Le Monde, đây là một trong những bất ngờ trong xung đột ở Ukraine.

Bất ngờ trong xung đột ở Ukraine: Vũ khí công nghệ thấp làm lộ điểm yếu phòng không của Nga - Ảnh 1.

Hệ thống S-300 của Nga tại lễ diễu binh của quân đội Iran ở Tehran. Ảnh: Sputnik/TTXVN

Quân đội Nga có các hệ thống phòng không nổi tiếng S-300 và S-400. Đây là các khẩu đội tên lửa đất đối không nhiều lớp, có khả năng phát hiện và tiêu diệt máy bay, tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình từ khoảng cách hơn 300 km và bay tới độ cao rất lớn. Nga tuyên bố rằng S-400 có khả năng theo dõi hàng chục mục tiêu cùng lúc. Đây là những hệ thống nằm trong số những lá cờ đầu của ngành vũ khí Nga và đã được xuất khẩu sang Trung Quốc cũng như Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài S-300 và S-400 được sử dụng chủ yếu để bảo vệ các địa điểm nhạy cảm (kho hậu cần, căn cứ quân sự, trung tâm chỉ huy...), Nga còn có các thiết bị phòng thủ tầm trung và tầm thấp như các hệ thống tên lửa Tor, Buk hay Pantsir. Được gắn trên bánh xe hoặc bệ xe tăng, nhỏ gọn và cơ động hơn, các vũ khí phòng thủ này đi cùng với binh lính trên bộ và bảo vệ họ khi lực lượng phòng bị của kẻ thù áp sát trên không. Theo các chuyên gia quân sự, Nga có khoảng 1.000 hệ thống phòng không loại này.

Tuy nhiên, kể từ sau khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine ngày 24/2, máy bay và tên lửa của Ukraine đã thường xuyên tìm cách chọc thủng “các bong bóng chống tiếp cận” mà Nga thiết lập quanh quân đội hoặc căn cứ quân sự của mình.

Ukraine thường xuyên tìm cách vượt qua các khu vực hạn chế của Nga, mà quân đội gọi là A2/AD (Chống tiếp cận/Chống xâm nhập).

Cụ thể, vào ngày 1/4, hai máy bay trực thăng của lực lượng Ukraine đã tìm cách vượt qua biên giới Nga và tấn công một kho nhiên liệu ở Belgorod, sau đó quay trở lại Ukraine mà không hề hấn gì.

Tiếp đó, vào ngày 31/7 và ngày 20/8, máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công sở chỉ huy Hạm đội Biển Đen của Nga ở Sevastopol, phía Tây Nam của Bán đảo Crimea.

Trong cuộc bao vây nhà máy sản xuất kim loại Azovstal ở Mariupol vào mùa xuân, máy bay trực thăng Ukraine cũng đã 7 lần bổ sung nguồn cung cấp cho quân đội Ukraine đang bị quân Nga bao vây.

Cuộc tấn công đáng chú ý nhất diễn ra vào ngày 9/8 nhắm vào căn cứ không quân Saki của Nga ở Crimea. Nằm cách mặt trận hơn 200 km và là nơi đóng quân của phi đội không quân thuộc Trung đoàn Hàng không Hải quân số 43 của Hải quân Nga, sân bay này là nơi xảy ra một số vụ nổ phá hủy hơn chục máy bay ném bom Sukhoi-24 và máy bay chiến đấu Sukhoi-30.

Có ý kiến cho rằng vụ phá hoại là do người ủng hộ Ukraine hoặc lực lượng đặc biệt đã xâm nhập và gây ra. Nhưng Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, Valerii Zaluzhnyi, tiết lộ vào ngày 7/9 rằng đó là một cuộc tấn công tên lửa. Nói cách khác, các hệ thống phòng không của Nga bảo vệ căn cứ trên đã không thể đánh chặn chúng.

Mới đây nhất, ngày 6/12, một sân bay thứ ba của Nga đã bốc cháy do một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.

Bất ngờ trong xung đột ở Ukraine: Vũ khí công nghệ thấp làm lộ điểm yếu phòng không của Nga - Ảnh 2.

Các máy bay của Nga tại căn cứ Engels-2. Ảnh: Maxar Technology

Các quan chức ở thành phố Kursk của Nga, cách biên giới Ukraine khoảng 90 km về phía bắc, đã công bố những bức ảnh về khói đen phía trên một sân bay sau cuộc tấn công mới nhất. Thống đốc thành phố Kursk cho biết một bể chứa dầu đã bốc cháy, nhưng không có thương vong.

Một ngày trước đó, Nga cho biết họ đã bị máy bay không người lái thời Liên Xô cũ tấn công từ cách đó hàng trăm km. Vị trí bị tấn công là căn cứ không quân Engels-2, nơi đặt phi đội máy bay ném bom chiến lược của Nga và căn cứ không quân ở Ryazan, cách Moskva vài giờ lái xe. Bộ Quốc phòng Nga cho biết 3 quân nhân đã thiệt mạng trong vụ tấn công tại Ryazan.

Ukraine không trực tiếp nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công nhưng cũng không phủ nhận. Ukraine chưa bao giờ công khai thừa nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công bên trong nước Nga.

Video ghi lại vụ nổ tại căn cứ không quân Nga (theo The Sunday Times):

Theo trang meta-defense.fr, để thực hiện các cuộc tấn công trên, một số điểm yếu của thiết bị Nga đã được khai thác.

Đầu tiên, những vụ này dường như được thực hiện bởi máy bay không người lái trinh sát Tu-141 Strizh được cải tiến từ năm 2014. Máy bay không người lái dài 15 mét này nặng 6 tấn, được trang bị động cơ phản lực Tumansky KR-17A, cung cấp lực đẩy 2,5 tấn, cho phép máy bay đạt tốc độ khoảng 1.000 km/h, trên khoảng cách 1.000 km. Những chiếc Tu-141 được sửa đổi để có thể bay ở độ cao thấp, dưới mốc 1.000 mét, nhằm hoạt động dưới tầng phát hiện của các hệ thống phòng không tầm xa của Nga như S-300 và S-400. Trong khi đó, các thiết bị trinh sát đã được thay thế bằng một khối thuốc nổ ước tính khoảng vài chục kg.

Hiện có hai giả thiết giải thích độ chính xác của hai cuộc không kích nói trên. Tu-141 có thể được trang bị hệ thống theo dõi GPS để tấn công các mục tiêu cố định, như trường hợp tấn công kho nhiên liệu Kursk. Tuy nhiên, trong trường hợp của Engels-2 và Dyagilevo, có vẻ như hai lần tên lửa đã bắn trúng gần chiếc xe tải chở nhiên liệu gần một chiếc máy bay. Điều này dường như rất khó xảy ra nếu không có thiết bị dẫn đường. Công nghệ này đã được triển khai trên các tên lửa khác của Ukraine như tên lửa chống tăng Skif được đưa vào trang bị từ năm 2011.

Nhưng điểm đáng chú ý nhất trong các cuộc tấn công là đã đánh bại hệ thống phòng không hùng mạnh của Nga để tấn công các căn cứ không quân có giá trị chiến lược rất cao, cách biên giới Ukraine hàng trăm km.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại