Bất ngờ sản phẩm bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, từng bị Liên Xô cấm trong quá khứ

Hữu Hiển |

Nhật báo kinh doanh RBK (Nga) mới đây trích dẫn số liệu từ Cơ quan Thống kê Nhà nước Nga Rosstat cho biết, kẹo cao su đã đứng đầu danh sách các mặt hàng thực phẩm có giá bán lẻ tăng mạnh nhất ở Nga trong năm vừa qua.

Bất ngờ sản phẩm bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, từng bị Liên Xô cấm trong quá khứ - Ảnh 1.

Giá kẹo cao su tăng mạnh nhất

Theo số liệu của Rosstat, trong tháng 3/2023, giá trung bình của một gói kẹo cao su là 39 rúp (11.600 VNĐ), cao hơn 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là tốc độ tăng giá kẹo cao su nhanh nhất trong 10 năm qua tại Nga, giữa những mặt hàng thực phẩm khác bị ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát là bơ thực vật, dưa chuột và kem.

Theo các đại diện ngành hàng được trích dẫn bởi RBK, giá kẹo cao su đã tăng lên do lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga. Việc nhập khẩu các nguyên liệu chính để sản xuất kẹo cao su cũng như việc cung cấp vật liệu đóng gói đã bị hạn chế. Các nhà sản xuất kẹo cao su của Nga được cho là không thể bù đắp cho sự thiếu hụt.

Các nhà sản xuất kẹo cao su tại Nga bao gồm: Wrigley - công ty con của Mars có trụ sở tại Mỹ - chuyên sản xuất các loại kẹo cao su Orbit và Wrigley's; công ty Eclipse - Mondelez sản xuất kẹo cao su Dirol; còn công ty Perfetti Van Melle sản xuất kẹo Mentos.

Sau khi Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, Mars tuyên bố rằng, họ sẽ thu hẹp quy mô kinh doanh ở Nga và tập trung vào “vai trò thiết yếu trong việc nuôi sống” người dân. Và Mars đã tạm dừng các hoạt động xuất nhập khẩu vào Nga.

Mondelez có trụ sở tại Mỹ cũng đã “thu hẹp quy mô tất cả các hoạt động không thiết yếu” và ngừng đầu tư mới vào Nga, đồng thời “giúp duy trì tính liên tục của nguồn cung cấp thực phẩm” tại quốc gia này.

Perfetti Van Melle – công ty liên doanh Ý-Hà Lan - không tiết lộ thông tin và vẫn duy trì hoạt động tại Nga.

Bất ngờ sản phẩm bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, từng bị Liên Xô cấm trong quá khứ - Ảnh 2.

Tháng 3/2023, giá trung bình của một gói kẹo cao su là 39 rúp (11.600 VNĐ), cao hơn 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: RT

Cơn sốt kẹo cao su trong quá khứ

Theo trang Russia Beyond, trong suốt một thời gian dài tại Liên Xô trước đây, kẹo cao su nếu không bị cấm thì cũng không nhận được sự hoan nghênh, bởi nó thể hiện “lối sống” phương Tây, một sản phẩm do người Mỹ sản xuất.

Chỉ một số ít người ở Liên Xô biết đến và từng ăn kẹo cao su trong quá trình đi du lịch hoặc sinh sống ở nước ngoài. Những công dân bình thường sẽ không có cơ hội tiếp cận, và xem sản phẩm này là một món ăn xa xỉ.

Đặc biệt, một thảm kịch xảy ra vào ngày 10/03/1975 càng khiến các nhà lãnh đạo Xô Viết có thêm thành kiến đối với kẹo cao su.

Ngày hôm đó, đội hockey thiếu niên Canada tới thi đấu giao hữu với đội tuyển Liên Xô. Những chiếc kẹo cao su được phát miễn phí đã gây ra sự phấn khích tột độ tại nhà thi đấu Sokolniki ở Moskva - nơi đang có mặt hàng nghìn khán giả.

Tình trạng chen lấn, dẫm đạp lên nhau để tranh giành kẹo cao su đã khiến 21 người tử vong, hầu hết là thiếu niên.

Theo trang Russia Beyond, “cơn sốt kẹo cao su” vẫn còn tiếp diễn trong Thế vận hội 1980 ở Moskva khi chính quyền Xô Viết tiếp tục tẩy chay kẹo cao su.

Bất ngờ sản phẩm bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, từng bị Liên Xô cấm trong quá khứ - Ảnh 3.

Những loại keo cao su do Liên Xô sản xuất. Ảnh: Russia Beyond

Kẹo cao su của Liên Xô

Theo trang Russia Beyond, sau thảm họa tại nhà thi đấu Sokolniki ở Moskva, Liên Xô bắt đầu tự sản xuất kẹo cao su. Họ muốn chứng tỏ mình cũng có thể đi theo xu hướng toàn cầu và không nhất thiết phải sử dụng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ phương Tây.

Từ năm 1976, kẹo cao su được sản xuất rộng khắp Liên Xô, từ vùng Kavkaz tới Baltic. Kalev ở Estonia và Rot-Front ở Mosvka là hai nhà máy sản xuất kẹo cao su đầu tiên tại nước này.

Loại kẹo cao su Liên Xô đầu tiên mà người dân nước này được thưởng thức có vị cam, bạc hà, dâu tây và cả vị cà phê.

Nhưng với người phương Tây, kẹo cao su Liên Xô quá mềm, mất hương vị quá nhanh và khó thổi bóng, nên họ không đánh giá cao các loại kẹo cao su này.

Sau khi Liên Xô tan rã, kẹo cao su cùng với nhiều loại thực phẩm, đồ uống phương Tây tràn ngập thị trường Nga. Vào những năm 1990, ăn kẹo cao su, đặc biệt là sưu tập vỏ kẹo, trở thành trào lưu của trẻ em Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại