Bất ngờ rộ tin 50.000 quân Trung Quốc tập kết gần biên giới Mỹ-Canada, bị đánh bom tử thương

Hải Võ |

Tài khoản Twitter có gần 50.000 người theo dõi mới đây đăng tải thuyết âm mưu tuyên bố hàng vạn binh sĩ Trung Quốc đã tập kết ở bang Maine của Mỹ, gần biên giới với Canada.

Hình ảnh các lựu pháo được vận chuyển ở bang Maine vào tháng 10/2020 (Nguồn: Twitter)

Hình ảnh các lựu pháo được vận chuyển ở bang Maine vào tháng 10/2020 (Nguồn: Twitter)

Bác bỏ thuyết âm mưu về 5 vạn lính Trung Quốc

Tài khoản @stormis_us đăng tải trên Twitter hôm 14/12: "Chiến đấu cơ F-16 bị bắn hạ ở bang Michigan và hiện giờ tôi tin rằng trên thực tế có 50.000 lính Trung Quốc đã bị đánh bom và tử thương. Tại biên giới bang Maine và Canada."

Tờ Military Times (MT, Mỹ) ngày 15/12 đã lập tức bác bỏ tin đồn kể trên và tuyên bố không có binh sĩ nào thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) tại Maine, đồng thời lên án các thuyết âm mưu vô căn cứ.

Thuyết âm mưu của @stormis_us bắt nguồn từ tấm ảnh lan truyền hồi tháng 10 vừa qua, mà theo MT là hình ảnh các lựu pháo tân trang lại được vận chuyển bằng tàu hỏa tại Maine.

Bất ngờ rộ tin 50.000 quân Trung Quốc tập kết gần biên giới Mỹ-Canada, bị đánh bom tử thương - Ảnh 1.

Thuyết âm mưu về "lính Trung Quốc ở biên giới Maine-Canada" được lan truyền bởi một tài khoản có hàng chục nghìn người theo dõi trên Twitter

Tài khoản nói trên có gần 50.000 người theo dõi và nhiều người dùng mạng đã tin vào nội dung mà nó đăng tải. Một số người coi những bức ảnh được chia sẻ là "bằng chứng" cho thấy quân đội Mỹ phản ứng trước "cuộc xâm lược của Trung Quốc" đối với Canada.

MT khẳng định không có sự hiện diện của PLA bên trong lãnh thổ Canada. Ngoài ra, chiếc tiêm kích F-16 bị rơi ở Michigan thuộc về Vệ binh quốc gia bang Wisconsin, Mỹ, gặp nạn hôm 8/12 vừa qua trong khi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện định kỳ, chứ không phải bị bắn hạ. Phi công Durwood "Hawk" Jones tử vong trong vụ tai nạn.

Đe dọa với Mỹ

Bất chấp thuyết âm mưu đã bị kênh địa phương của đài CBS bác bỏ, nhiều người sử dụng Twitter vẫn gợi ý liên hệ với cư dân ở thị trấn Jackman, bang Maine, nhằm... kiểm tra thực hư.

Quan chức thị trấn Jackman, bà Victoria D. Forkus xác nhận "Không có xung đột quân sự xung quanh Jackman trong thời gian gần đây".

Thiếu tá Carl Lamb, người phát ngôn Vệ binh quốc gia bang Maine, cũng bác bỏ thuyết âm mưu về lính Trung Quốc đóng quân ở biên giới Mỹ-Canada.

"Vệ binh quốc gia Maine không hề biết có sự điều động lực lượng như vậy," ông nói.

"Cục quản lý quân sự bang Maine đã tiến hành việc sửa chữa số lựu pháo này, nhưng công việc đã hoàn thành vào 2 năm trước. Gần đây, chính phủ liên bang quyết định vận chuyển số pháo này ra khỏi Maine."

Bất ngờ rộ tin 50.000 quân Trung Quốc tập kết gần biên giới Mỹ-Canada, bị đánh bom tử thương - Ảnh 2.

(Ảnh: Twitter)

Theo MT, các chuyên gia về thông tin nhận xét rằng dù các thảo luận về việc "lính Trung Quốc đóng ở Canada" chứa đầy yếu tố ảo tưởng, song các thông tin sai lệch như thế cũng tạo ra mối đe dọa thực sự.

Dave Lapan, Phó chủ tịch truyền thông của Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng Mỹ (BPC), đại tá Thủy quân lục chiến về hưu, từng phục vụ tại Bộ Quốc phòng và Bộ An ninh nội địa, nói: "Đây là việc mà chúng tôi thường xử lý với các đối thủ [của Mỹ]. Có thể một trong số [tin đồn] được tạo ra bởi đối thủ của chúng ta."

"Ngay cả nếu thông tin này không phải do họ tạo ra (đối thủ của Mỹ) thì ít nhất nó cũng bị phóng đại... Tất cả đối thủ đều tham gia vào cuộc chiến thông tin chống lại chúng ta."

Thuyết âm mưu lan truyền tại Mỹ xuất hiện giữa bối cảnh quan hệ Trung Quốc-Canada lao dốc, xoay quanh vụ xét xử giám đốc tài chính hãng Huawei bà Mạnh Vãn Châu.

Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Sajjan xác nhận hôm 13/12 rằng các quân nhân nước này không còn tham gia đào tạo cho quân đội Trung Quốc. Trước đó, nhà lập pháp bảo thủ James Bezan chất vấn Thủ tướng Justin Trudeau về lý do Canada vẫn duy trì mối liên hệ này với Bắc Kinh.

Vào năm 2013, chính quyền tiền nhiệm của Canada đã ký một kế hoạch hợp tác quân sự với Trung Quốc để tăng cường phối hợp song phương. Chính quyền Trudeau mời PLA tham gia huấn luyện chung với quân đội Canada tại căn cứ ở Petawawa, Ontario, vào năm 2019.

Theo Thời báo Hoàn Cầu, chính quyền ông Trudeau không thực sự muốn chứng kiến quan hệ song phương lao dốc và ảnh hưởng đến thương mại. Tờ báo Trung Quốc tin rằng Canada có mức độ phụ thuộc cao vào thị trường của nền kinh tế số 2 thế giới và sự xói mòn quan hệ chính trị chắc chắn sẽ gây ra hậu quả với liên hệ về kinh tế. Tuy nhiên, hồi tháng 9 vừa qua Ngoại trưởng Francois-Philippe Champagne của Canada tuyên bố nước này đã bước ra khỏi các vòng đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc, được khởi động 4 năm trước.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại