Động thái được ghi nhận là nhằm hỗ trợ các nhóm vũ trang đối lập ở Syria cố thủ trước chiến dịch tấn công quy mô lớn của quân đội chính phủ - được sự hậu thuẫn từ các lực lượng đồng minh Nga và Iran.
Reuters ngày 12/9 dẫn lời các quan chức cấp cao trong phe nổi dậy cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi thêm viện trợ quân sự cho lực lượng đối lập mà họ hậu thuẫn ở trong và xung quanh tỉnh Idlib, sau khi hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo Nga-Thổ-Iran ở Tehran hồi tuần trước thất bại trong việc đạt thỏa thuận tránh chiến dịch công kích của quân chính phủ Syria.
Một chỉ huy của Quân đội Syria Tự do (FSA) giấu tên nói "Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết viện trợ quân sự để phục vụ một cuộc chiến trường kỳ, dai dẳng". Nhân vật này đã có những cuộc trao đổi bí mật với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian gần đây.
Số vũ khí được chuyển số lượng lớn vào Syria trong những ngày qua bao gồm cả đạn dược và các tên lửa Grad.
"Các khí tài và đạn dược này sẽ giúp [phe đối lập] cầm cự và bảo đảm các nguồn cung cấp cho chúng tôi không bị cạn kiệt trong một cuộc chiến tiêu hao," viên chỉ huy cho biết.
Một chỉ huy nổi dậy khác nói, "Người Thổ Nhĩ Kỳ đang bảo đảm họ (quân đối lập) có đủ đạn dược để duy trì [cuộc chiến] trong thời gian dài".
Đại diện chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ chưa lên tiếng về thông tin kể trên.
Tổng thống Nga Putin (trái) và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan bắt tay tại hội nghị thượng đỉnh Tehran ngày 7/9 (Ảnh: Kirill Kudryavtsev/Reuters)
Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đang bảo trợ khoảng 3.5 người tị nạn Syria. Nước này cảnh báo một chiến dịch quân sự lớn của quân đội Syria ở Idlib sẽ làm tăng đột biến làn sóng tị nạn tràn qua biên giới. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cảnh báo điều này sẽ trở thành thảm họa nhân đạo và rủi ro về an ninh đối với Ankara.
Tại hội nghị thượng đỉnh Tehran hôm 7/9, ông Erdogan đề xuất một cơ chế ngừng bắn tạm thời, theo đó 12 nhóm vũ trang, bao gồm nhóm khủng bố Hayat Tahrir al-Sham (HTS), sẽ phải giao nộp vũ khí cho các nhóm vũ trang được Ankara bảo trợ. Các nhóm hạ vũ khí sẽ được di chuyển tới vùng đệm do "phe đối lập ôn hòa" kiểm soát. nằm dưới sự giám sát của lực lượng đối lập "ôn hòa".
Tuy nhiên, đề xuất của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã bị người đồng cấp Nga Vladimir Putin "dội nước lạnh", khi ông Putin tuyên bố "chính phủ hợp pháp của Syria có quyền và phải giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ đất nước".
Tổng thống Putin giải thích, ông phản đối thực thi cơ chế ngừng bắn bởi các nhóm khủng bố như Mặt trận al-Nusra hay tàn dư Nhà nước Hồi giáo (IS) ở tỉnh Idlib không phải là một phần trong các vòng hòa đàm.
Thứ trưởng ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hưởng ứng lập trường của ông Putin, chỉ ra rằng với tình hình hiện nay, "không còn cách nào khác hơn là phải diệt trừ tận gốc những kẻ khủng bố tại Idlib".
Nhiều nguồn tin phương Tây theo dõi sát diễn biến xung đột 7 năm qua ở Syria tin rằng mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ không phải là tạo một phòng tuyến cho thành trì nổi dậy cuối cùng trên biên giới hai nước.
Theo al-Monitor, Ankara hy vọng thuyết phục được chính quyền tổng thống Syria Bashar al-Assad rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng dựng lên một phòng tuyến như vậy để cản trở chiến dịch Idlib.
"Họ (Thổ Nhĩ Kỳ) muốn nắn gân [chính quyền Assad]," nguồn tin giấu tên nói.