Bất động sản: Tết buồn không chỉ riêng ai!

Hạ Vy |

Đi bán thêm cành đào, chạy xe ôm… để có thêm thu nhập trang trải, môi giới BĐS đang cố gắng để có Tết ấm no sau một năm “số 0” tròn trĩnh trong nghề.

Nỗi buồn môi giới BĐS: Thất nghiệp, không thưởng Tết

Khác với mọi khi, thay vì ngồi trực tại điểm dự án, thời gian gần đây, anh H, ngụ Tp.Thủ Đức, Tp.HCM chủ yếu phụ vợ công việc bán hàng ngoài cửa hàng trái cây. Thời điểm BĐS tốt, anh không biết đến công việc này. Hiện tại, đây lại là nguồn thu nhập nuôi sống cả gia đình.

Theo cách anh H chia sẻ, nguồn tài chính có được từ nghề môi giới và đầu tư BĐS trước đây gần như đã tiêu hết vào những ngày không bán được hàng. Gần nửa năm nay, việc kiếm tiền từ BĐS vô cùng khó khăn khiến anh chật vật chi phí. “Không bán được hàng, không có thu nhập chẳng khác nào thất nghiệp”, anh H cho hay.

Khác với anh H, chị Oanh là làm môi giới trong công ty nhưng cũng sắp nghỉ việc. Nỗi buồn thất nghiệp cộng với nỗi buồn không có tiền cận Tết khiến chị suy nghĩ nhiều về nghề nghiệp. Chị Oanh cho hay, chỉ mong sao công ty có tiền để chi trả đủ khoản hoa hồng đã bán hàng cách đó nửa năm, chứ không mong gì hơn.

Hiện tại, chị Oanh vẫn đăng tin rao bán BĐS nhưng cũng linh hoạt cùng nhóm bạn bán hàng online để kiếm thêm thu nhập. “Cả nhóm đang tính nhập cành đào bán dịp Tết để có thêm thu nhập”, chị Oanh cho hay.

Trong khi đó, làm môi giới BĐS hơn 5 năm nay, anh B, hiện đã đăng kí chạy grab để trang trải cuộc sống sau khoảng thời gian dài không có thu nhập từ BĐS. Theo anh B, xe ôm chỉ là mùa vụ lúc thất nghiệp với nghề.

Tìm hiểu được biết, nhiều môi giới BĐS bất đắc dĩ thất nghiệp, lương cắt, không có thưởng Tết, rơi vào cảnh chật vật, khó khăn. Không ít trường đang phải loay hoay tìm kiếm việc làm thêm dịp cuối năm.

Các sàn giao dịch không bán được hàng hoặc không lấy được tiền của chủ đầu tư khiến việc chi trả lương cho nhân sự gặp khó khăn dịp Tết. Không những không có lương tháng 13, nhiều doanh nghiệp cũng phải “chạy vạy” để đủ chi phí trả lương tháng 12 hoặc khoản hoa hồng trước đó.

Dịp Tết năm nay có lẽ là năm đáng nhớ của môi giới BĐS. Thời điểm cận Tết, hàng nghìn nhân viên môi giới BĐS rơi vào cảnh chật vật khi bị cho nghỉ Tết sớm, thậm chí nghỉ không thời hạn. Việc quay trở lại thị trường trở nên khó khăn khi chưa rõ thời điểm phục hồi.

Nhà đầu tư “thất thủ”

Không chỉ môi giới, nhiều nhà đầu tư BĐS rơi vào cảnh thất nghiệp dài ngày. Không ít trong số đó, bao gồm cả nhà đầu tư mới và nhà đầu tư lâu năm phải kiếm việc khác để làm kiếm thu nhập.

Ngay sau khi thị trường lao dốc, vợ chồng chị H, (Bình Dương) dùng hết số vốn có được từ đầu tư BĐS để mở bán cafe. Vốn là nhà đầu tư có kinh nghiệm trên thị trường, chủ yếu ngồi tại các quán cafe để giao dịch BĐS, hiện vợ chồng chị phải làm “tiếp tân” từng ly cafe cho khách. Chia sẻ về những vất vả hiện tại, chị H cho hay, khó khăn quá phải lăn ra kiếm tiền, nhưng công sức cũng không bõ vì kinh doanh quán nước lúc có khách, lúc vắng tanh.

Ghi nhận cho thấy, số lượng nhà đầu tư BĐS thất nghiệp ngày càng gia tăng. Thị trường trầm lắng khiến việc ra hàng khó khăn, nhiều nhà đầu tư không có việc làm, không có thu nhập nhiều tháng qua.

Không ít nhà đầu tư cố gắng cơ cấu sản phẩm, bán dưới giá vốn để có dòng tiền xoay chuyển nhưng cũng không dễ thanh khoản lúc này. Cận Tết, việc ra hàng lại càng trở nên khó khăn với nhà đầu tư. Tìm hiểu được biết, nhiều nhà đầu tư phải đi vay mượn để vừa gánh sản phẩm, vừa có tiền chi tiêu.

 Bất động sản: Tết buồn không chỉ riêng ai!  - Ảnh 1.

Nhiều nhà đầu tư thất nghiệp dài ngày vì thị trường trầm lắng.

Theo một nhà đầu tư lâu năm, nếu tính trạng này còn tiếp diễn rất dễ dẫn tới bán tháo. Nhiều nhà đầu tư hiện tại đã “chán nản” với thị trường BĐS, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường BĐS nói chung.

“Không ít nhà đầu tư tỏ rõ sự mệt mỏi sau nhiều tháng thị trường không có động lực đi lên rõ ràng, nhất là khi thanh khoản càng tụt dốc vào cuối năm”, nhà đầu tư này cho hay.

Còn với những nhà đầu tư non vốn, trong bối cảnh thắt chặt tín dụng BĐS, nhà đầu tư phải đối mặt với sức ép trả lãi ngân hàng. Cơn sóng “ngộp” theo đó đã xuất hiện ngày càng trên thị trường.

Ghi nhận thực tế trên các diễn đàn giao lưu mua bán bất động sản hiện nay, lượng thông tin chào mời, bán gấp nhà “ngộp”, đất “ngộp”, khách sạn “ngộp”,... đã xuất hiện với tần suất dày hơn trước. Càng về cuối năm, tình trạng này diễn ra càng nhiều.

Doanh nghiệp địa ốc xoay sở

Tình trạng doanh nghiệp BĐS “đuối tài chính”, thiếu vốn là câu chuyện được nhắc nhiều thời gian qua. Nhiều doanh nghiệp “bấm bụng” cắt nhân sự, giảm lương… để gánh bộ máy. Điều này cho thấy, những khó khăn của doanh nghiệp là hiện hữu.

Một số chuyên gia trong ngành nhận định, sắp tới làn sóng doanh nghiệp phá sản, giải thể có thể tăng lên. Nhân sự BĐS thất nghiệp ngày càng nhiều. Điều này đang tạo ra bức tranh màu “xám” cho thị trường BĐS.

Đại diện một doanh nghiệp BĐS phía Nam chia sẻ, từ mô tả chính xác nhất với thị trường BĐS có lẽ là “đột ngột” là bởi vì thị trường diễn biến đi ngược lại hầu hết các dự báo đầu năm 2022. Mở đầu là cú quay xe về việc hạn chế tín dụng vào BĐS, lãi suất điều chỉnh tăng nóng liên tục từ đầu tháng 4.2022. Từ tăng trưởng nóng, thị trường giảm nhiệt nhanh chóng và chuyển sang trạng thái trầm lắng, thanh khoản chậm.

Việc thanh tra, kiểm tra trái phiếu doanh nghiệp BĐS dẫn đến nguy cơ mất khả năng chi trả khi đến hạn ảnh hưởng trực tiếp đến nhà đầu tư. Đỉnh điểm nhất là tình trạng khó khăn về dòng tiền diễn ra ở hầu hết các doanh nghiệp BĐS buộc phải cắt giảm nhân sự, giảm chi phí đầu tư tối đa và việc duy trì hoạt động đã là nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này.

Mới đây, một lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc giãi bày: “Chưa thời điểm nào doanh nghiệp gặp khó như hiện nay. Mức độ khó khăn còn kinh khủng hơn đợt Covid-19. Thiệt hại về tiền bạc hơn 100 tỉ đồng nhưng thiệt hại về nhân sự còn đáng buồn hơn”.

Theo cách vị này chia sẻ, doanh nghiệp phải xoay sở, thay đổi mọi kế hoạch ban đầu. Những khó khăn về tín dụng, thanh khoản gần như đang “bào mòn” sức khoẻ của doanh nghiệp. Việc giảm lương, cắt nhân sự… cũng chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài cần có giải pháp từ thị trường, Chính phủ để điều tiết, để doanh nghiệp BĐS vượt qua khó khăn.

Theo giới chuyên gia, thị trường BĐS năm 2023 phụ thuộc vào các biến số. Đầu tiên, phải kể đến chính sách điều hành các kênh dẫn vốn cho thị trường BĐS bao gồm trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng Ngân hàng hay các quỹ đầu tư tài chính.

Thị trường, doanh nghiệp cần có đủ nguồn lực về tài chính để đảm bảo sự đầu tư và phát triển phù hợp với yêu cầu thực tế. Nếu không kịp thời điều chỉnh, thị trường BĐS năm 2023 vẫn sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

Kế đến các quyết sách tháo gỡ các điểm nghẽn cho thị trường BĐS bao gồm điểm nghẽn về pháp lý dự án thông qua việc điều chỉnh luật và các quy định liên quan phải xây dựng lộ trình cụ thể. Việc triển khai thực thi của bộ máy quản lý nhà nước cũng sẽ đóng góp tích cực nhằm khơi thông nguồn lực để phát triển thị trường. Đây là các vấn đề đã tồn đọng quá lâu và kéo dài dẫn đến sụt giảm nguồn cung, gây áp lực lên mặt bằng giá và hiệu quả kinh doanh do thời gian triển khai dự án kéo dài ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp.

Điều quan trọng không kém đó chính là niềm tin của người dân và NĐT vào chính sách điều hành, quản lý của nhà nước, niềm tin vào tiềm năng của thị trường phải được quan tâm và củng cố. Nếu không giữ vững điều này tâm lý chung của thị trường sẽ tiếp tục thận trọng và thị trường sẽ càng khó có cơ hội phục hồi trong ngắn hạn.

Chia sẻ mới đây, Thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho hay, hiện tại, theo tìm hiểu của Tổ công tác của Thủ tướng, các doanh nghiệp bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn về 5 nhóm vấn đề. Thứ nhất là vấn đề đất đai, giao đất, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất, tính giá đất. Thứ hai là khó khăn về điều chỉnh quy hoạch thực hiện dự án. Khi điều chỉnh quy hoạch thì điều chỉnh giá đất.

Thứ ba là khó khăn các trình tự thủ tục đầu tư. Thứ tư, khó khăn liên quan đến pháp luật về nhà ở, nhất là nhà ở xã hội. Đặc biệt là khó khăn thứ năm, xảy ra rất nhanh, trong một thời gian ngắn như vốn, tín dụng, trái phiếu, khó khăn. Cùng một thời điểm, các doanh nghiệp đáo hạn, đến hạn phải trả trái phiếu doanh nghiệp. Ông cũng cho biết hiện tại nhiều doanh nghiệp nhà thầu xây dựng cho công nhân nghỉ việc.

Thời gian qua, Tổ công tác Chính phủ tập trung giải quyết, hướng dẫn các thủ tục hành chính. Đồng thời, Tổ công tác cũng làm việc ngân hàng, đề nghị nới room tín dụng. Ngân hàng Nhà nước cũng đã nới room tín dụng, tạo thuận lợi bước đầu cho các doanh nghiệp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại