Bất động sản ‘ngấm đòn’, hơn 300 sàn môi giới đóng cửa

Ninh Phan |

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã có hơn 300 sàn giao dịch bất động sản của các doanh nghiệp (chiếm 1/3 số sàn giao dịch có trên thị trường) phải đóng cửa trong thời gian gần đây. Đây là những con số thống kê chưa đầy đủ, mang tính chất tương đối nhưng cũng phản ánh được sự khó khăn thị trường bất động sản là rất lớn thời điểm này.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, hàng loạt sàn môi giới bất động sản đang lâm vào tình trạng khó khăn chồng chất. Cụ thể, trong tổng số khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới, hiện có tới 1/3 số sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa vì chủ đầu tư không mở bán sản phẩm.

Cùng với đó, khoảng 500 sàn giao dịch phải tạm dừng hoạt động một phần. Đây là những sàn vẫn còn hàng để bán do vẫn còn hợp đồng bán hàng đã ký kết với chủ đầu tư. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến các doanh nghiệp không mở bán dự án mới.

“Nhiều sàn bất động sản đóng cửa, không có dự án được chào bán, đây là thời điểm mà thị trường thê thảm nhất trong hàng chục năm gần đây.

Thông thường quý đầu năm thì lượng sản phẩm chào bán ra thị trường sẽ không cao bằng quý cuối năm. Thế nhưng, trước giờ không có tình trạng không có sản phẩm nào để chào bán ngay sau Tết Nguyên đán như tình cảnh hiện tại của một số sàn giao dịch”, ông Đính nhấn mạnh.

Ông Đính cho biết, đó là những con số thống kê chưa đầy đủ, mang tính chất tương đối nhưng cũng phản ánh được sự khó khăn thị trường bất động sản là rất lớn thời điểm này.

Bất động sản ‘ngấm đòn’, hơn 300 sàn môi giới đóng cửa - Ảnh 1.

Hơn 300 sàn môi giới bất động sản phải đóng cửa vì khó khăn.

HĐồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng, thị trường bất động sản đang trong tình thế lâm nguy bởi diễn biến dịch Covid-19.

“Đây là một giai đoạn hết sức khác thường của thị trường bất động sản cả nước nói chung, TP.HCM nói riêng. So với nhiều năm trước, thời điểm sau Tết âm lịch là mọi doanh nghiệp đều ra quân rầm rộ, các kế hoạch giới thiệu, bán hàng được tổ chức rình rang.

Tuy nhiên, năm nay toàn bộ thị trường vắng lặng, doanh nghiệp địa ốc huỷ bỏ toàn bộ các kế hoạch ra mắt, giới thiệu, quảng bá dự án do lo sợ sự lây lan dịch bệnh”, ông Châu phân tích.

Ông Châu cho hay, tâm lý khách hàng, người mua nhà và nhà đầu tư hiện nay xuống rất thấp. Thị trường vốn đã khó khăn nay thêm cơn dịch Covid-19 làm mọi khách hàng dường như không muốn ra đường, tránh những nơi đông người, không có một chút động lực tìm hiểu dự án.

Trước thực tế trên, Chủ tịch HoREA cho rằng trong diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Covid-19, cần phải xem xét cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động của dịch.

"Đề nghị UBND TP đề xuất Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động của dịch bệnh về việc cho phép khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vay, cơ cấu các khoản vay, giãn tiến độ nộp thuế... để giúp một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật nhưng đang gặp khó khăn", Hiệp hội đề xuất.

Hàng nghìn công ty địa ốc giải thể, dừng hoạt động

Trước đó, theo số liệu của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh cũng chỉ ra, tính đến hết năm 2019, bất động sản là ngành kinh doanh có số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và giải thể cao nhất với 598 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 36,8% theo năm và 686 doanh nghiệp giải thể, tăng 39,4%.

Theo Savills Việt Nam thì số lượng 686 doanh nghiệp bất động sản giải thể nói trên chủ yếu là những công ty cung cấp dịch vụ môi giới.

Giới phân tích nhận định, xu hướng doanh nghiệp bất động sản nhỏ ngừng hoạt động và giải thể gia tăng trong năm qua đã được dự đoán trước. Đó là hệ quả của sự khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng khi lãi suất gia tăng và hạn chế những chương trình ưu đãi dành cho ngành bất động sản.

Bất động sản ‘ngấm đòn’, hơn 300 sàn môi giới đóng cửa - Ảnh 5.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại