Theo Sputnik, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bật đèn xanh bán 8 máy bay tiếp liệu KC-46A Pegasus cho Israel kèm theo phụ tùng và thiết bị hỗ trợ. Nếu thỏa thuận trị giá 2,4 tỉ USD này được Quốc hội Mỹ thông qua, Israel khả năng sẽ nhận được chiếc KC-46A Pegasus đầu tiên vào năm 2023.
Cũng theo Bộ Ngoại giao Mỹ, việc bán các máy bay tiếp liệu KC-46A Pegasus không chỉ giúp Israel tăng cường an ninh quốc gia mà còn hỗ trợ lớn cho chính quân đội Mỹ.
“Thương vụ này sẽ hỗ trợ chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ bằng cách cho phép Israel liên kết năng lực với các loại vũ khí mà Mỹ đã triển khai trong khu vực, cũng như giúp vũ khí Mỹ có thể được sử dụng ở mọi nơi trong thời chiến”, Sputnik dẫn tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Mỹ.
Tuy nhiên, các quan chức chức Mỹ lại cho rằng thương vụ cung cấp máy bay tiếp liệu KC-46A Pegasus cho Israel “sẽ không làm thay đổi cán cân quân sự nền tảng trong khu vực”. Tuy nhiên, động thái của Mỹ sẽ giúp tăng cường đáng kể năng lực để Israel đối đầu với Iran .
Hiện nay, vũ khí “khủng nhất” nằm trong kho của quân đội Israel là các tiêm kích F-35I Adir với phạm vi hoạt động tối đa là 2.500 km. Trong khi quãng đường di chuyển một chiều giữa Israel và Iran dài khoảng 1.800 km.
Điều này có nghĩa nếu không sử dụng tên lửa tầm xa hoặc máy bay tiếp liệu KC-46A Pegasus hay các bình nhiên liệu dự phòng, tiêm kích F-35I Adir sẽ bị giới hạn về khả năng tấn công nhằm các vị trí nằm trên lãnh thổ Iran như cơ sở hạt nhân.
Trong khi đó, Israel cũng có vài máy bay tiếp liệu trong kho nhưng tất cả đều được chuyển đổi khác với mục đích sử dụng ban đầu như máy bay vận tải Lockheed Martin C-130H và máy bay dân sự Boeing 707 với tuổi thọ 60 năm và hiện không còn nằm trong biên chế.
Điều này khiến các máy bay tiếp liệu của Israel khó có khả năng sống sót nếu bay vào khu vực nguy hiểm, nhưng đối với KC-46A Pegasus lại là chuyện khác. Nếu thương vụ được thông qua, Israel sẽ là quốc gia đầu tiên được Mỹ chuyển giao máy bay tiếp liệu KC-46A Pegasus.
Máy bay tiếp liệu KC-46A được phát triển trên khung thân máy bay thương mại Boeing-767. Đáng nói, KC-46A là một trong 3 loại vũ khí được không quân Mỹ ưu tiên mua sắm bên cạnh tiêm kích F-35 và máy bay ném bom tầm xa tàng hình LRS-B. Không quân Mỹ dự kiến mua 179 máy bay KC-46A mới để thay thế phi đội KC-10 và KC-135 đang có trong biên chế.
Trong đó, máy bay KC-46A có thể mang theo 96 tấn nhiên liệu và thực hiện tiếp nhiên liệu cho tất cả máy bay cánh cố định. Tốc độ tiếp nhiên liệu lên tới hơn 4.500 lít/phút. Ngoài ra, KC-46A còn có khả năng tháo khoang chứa nhiên liệu để chuyển thành máy bay vận tải quân sự thông thường.
Lâu nay, Tel Aviv nhiều lần lên tiếng đe dọa sẽ triển khai mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân . Trái lại, Iran lại khẳng định không theo đuổi phát triển loại vũ khí hủy diệt, dù Tehran không ngại công khai tuyên bố tiêu diệt Israel là một trong những mục tiêu của quốc gia này.
Hồi giữa tháng Hai, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Seyyed Abbas Mousavi nhấn mạnh, quân đội nước này sẽ có hành động nghiền nát và khiến Israel phải hối tiếc vì có động thái làm leo thang căng thẳng ở Syria và Trung Đông.
Tuyên bố của ông Mousavi được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Israel Naftali Bennett yêu cầu Iran rút quân khỏi lãnh thổ Syria.
“Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ có hành động nghiền nát và khiến Israel phải hối tiếc trước bất cứ hành động khiêu khích hay động thái dại dột từ chính quyền Israel gây ảnh hưởng tới lợi ích của Iran ở Syria và ở Trung Đông”, Sputnik dẫn tuyên bố của ông Mousavi được đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Iran.
Ông Mousavi nhấn mạnh thêm, các lực lượng Iran “hiện diện ở Syria theo lời mời và tuân theo thỏa thuận đã ký kết với chính phủ Syria nhằm chiến đấu chống lại các nhóm khủng bố được Mỹ và Israel hậu thuẫn”.