Trong buổi xét xử sơ thẩm sáng ngày 11/1 xoay quanh vấn đề xác định sai phạm của việc chuyển tiền tạm ứng cho PVC và đánh giá mức độ thiệt hại của PVN.
Bị cáo Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng ban quản lý dự án nhiệt điện Thái Bình 2, nêu những lý do phải chuyển tiền tạm ứng theo yêu cầu của lãnh đạo PVN dù biết rõ Hợp đồng 33 không đầy đủ cơ sở.
Đại diện PVN cho hay, đến thời điểm này PVN vẫn chưa có yêu cầu bồi thường thiệt hại. Đồng thời, tòa án sẽ quyết định những thiệt hại xác định tại đây để bảo vệ quyền lợi của PVN và Nhà nước.
PVN cũng báo cáo số tiền tạm ứng thu hồi đã là lớn hơn con số 1.115 tỷ đồng mà cáo trạng nêu.
17h21, Luật sư Đào Hồng Đăng, người bào chữa thứ ba cho bị cáo Đinh La Thăng cho biết, hoàn toàn đồng ý với lời bào chữa của hai luật sư trước và ông chỉ đề nghị, HĐXX xem xét có sự phân định rõ ràng, ai là người làm trái, giữa người chủ trương và người thực hiện.
Theo quan sát của PV qua màn hình tại phòng báo chí, các bị cáo ngồi khá ngay ngắn theo dõi các luật sư trình bày lời bào chữa cho bị cáo Thăng.
Bị cáo Đinh La Thăng ngồi ở cuối hàng dành cho các bị cáo. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh ngồi hàng đầu tiên, mặc áo khoác màu trắng thỉnh thoảng chống hai tay xuống ghế theo dõi các luật sư nêu ý kiến.
LS đề nghị xem xét lại tội danh của ông Thăng
16h10, các luật sư đã tiến hành bào chữa cho thân chủ.
Luật sư Phan Trung Hoài cho rằng, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa ông Đinh La Thăng đã nghiêm túc nhận trách nhiệm, kể cả trách nhiệm về những sai phạm của các cán bộ sai phạm dưới quyền. Luật sư sau đó đã bày tỏ lời cảm ơn ông Đinh La Thăng, vợ và hai con gái đã tin cậy luật sư.
"Trong cái rét cắt da, cắt thịt của mùa đông Hà Nội, ông Đinh La Thăng nói với tôi và luật sư Nguyễn Huy Thiệp, Đào Hữu Đăng vẫn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự công tâm, xem xét của cơ quan điều tra, viện kiểm sát luận tội. Điều này khiến chúng tôi ấm lòng", ông Hoài chia sẻ.
Luật sư Hoài đề nghị HĐXX, VKS xem xét bản chất, nguyên nhân, bối cảnh vụ án, hành vi khách quan, nhận thức chủ quan, những vấn đề cần làm rõ thêm để xác định khoản thiệt hại. Cùng với sự thành tâm nhận trách nhiệm người đứng đầu để xem xét lại tội danh cố ý làm trái với ông Thăng.
"Ông có dấu hiệu của hành vi khác, trách nhiệm khác. Trách nhiệm của ông là thiếu kiểm tra, giám sát nhưng chúng tôi xin phép không xác định tội danh", luật sư Hoài nêu.
LS Hoài đề nghị HĐXX, các cấp, cơ quan tiến hành tố tụng khi xét xử vụ án liên quan đến hành vi góp vốn 800 tỷ đồng của PVN và OceaBank có xem xét hướng xử lý phù hợp để đảm bảo tránh gây bất lợi cho ông Thăng.
VKSNDTP Hà Nội luận tội và đề nghị mức án 14- 15 năm tù đối với bị cáo Đinh La Thăng
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, đã nêu bản bào chữa cho ông Đinh La Thăng. LS Thiệp nói, theo phân cấp quản lý với vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của HĐTV, trong đó, ông Đinh La Thăng là Chủ tịch là phải kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện, triển khai các Nghị quyết, quyết định mà HĐTV ban hành.
Ông Đinh La Thăng là người đại diện HĐTV ban hành các Nghị quyết liên quan đến việc ký thầu, triển khai dự án…Đương nhiên, trách nhiệm của ông Đinh La Thăng và HĐTV phải kiểm tra, giám sát Nghị quyết này.
Nếu làm đúng làm đủ trách nhiệm như quy định thì chắc rằng, không có hậu quả, không có việc một loạt các cán bộ bị truy tố.
"Đây là những điều ông Đinh La Thăng trăn trở, đã gửi tâm tư của mình đến HĐXX là nếu trong phạm vi có thể là xin tha cho anh em đó, vì thực hiện những việc mà do nóng vội, sức ép của tiến độ dẫn đến có vi phạm. Đó là điều tôi rất muốn HĐXX quan tâm…", luật sư Thiệp nêu.
Trước khi dừng quan điểm bào chữa của mình, luật sư đề nghị, chờ sự tranh luận đến từ Viện kiểm sát với nội dung cụ thể: Đưa ra căn cứ để chứng minh có sự chỉ đạo của ông Đinh La Thăng về các việc cụ thể như quy kết, là việc chỉ định thầu, chỉ đạo ký HĐ 33 và chỉ đạo tạm ứng tiền cho PVC trái quy định, căn cứ xác định khoản lãi trong hậu quả phạm tội.
Cùng với đó, đưa ra các căn cứ để xác định thiệt hại.
Thứ nhất lãi suất áp dụng là lãi suất tiền gửi có kỳ hạn trong khi tiền tạm ứng được chuyển từ tài khoản tiền gửi, thanh toán của PVN. Và trong tình trạng nguyên đơn dân sự chưa có yêu cầu bồi thường thiệt hại, không có đơn yêu cầu. Vậy, đây có phải tình trạng buộc PVN phải tiếp nhận một cách chủ động.
Với nội dung, quy kết như vậy thì căn cứ vào đâu, quy định PL nào để đưa lãi vào làm thiệt hại.Thứ ba, một nội dung được diễn biến nhưng không cập nhật là trước khi khởi tố, toàn bộ số tiền tạm ứng được thu hồi hết gốc.
Đến ngày hôm nay, báo cáo cuối cùng số tiền thu hồi cao hơn số tiền tạm ứng hơn 124 tỷ. Khi đã thu được phần cao hơn thì số tiền ứng ra là tiền gốc thì số tiền này là tiền gì?
Luật sư cũng cho biết, đã nhận được một số ý kiến của các công dân, người dân, rất mong HĐXX xem xét, đánh giá ông Đinh la Thăng là người như thế nào trước khi đưa mức hình phạt.
Chưa đầy 10 ngày, PVC rút của PVN 1.000 tỷ đồng
15h30, đại diện VKS công bố xong bản luận tội và đề nghị mức án.
Theo đại diện VKS, mặc dù biết rõ PVC đang gặp khó khăn rất lớn về tài chính và chưa có năng lực, kinh nghiệm để thi công những dự án nhiệt điện lớn nhưng bị cáo Đinh La Thăng, với vai trò của Chủ tịch HĐTV PVN vẫn giao cho PVC thực hiện gói thầu EPC Dự án NBNĐ Thái Bình 2 theo hình thức chỉ định thầu.
Chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày, thông qua việc chi tạm ứng, PVC đã rút của PVN 1000 tỷ đồng trên tổng số hơn 1.312 tỷ tạm ứng trái quy định. Sau đó PVC đã sử dụng không đúng mục đích số tiền hơn 1115 tỷ đồng, gây thiệt hại cho PVN 119 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, để có tiền chi tiêu cá nhân, Trịnh Xuân Thanh cùng với Vũ Đức Thuận đã đề ra chủ trương và giao cho Nguyễn Anh Minh chỉ đạo Lương Văn Hoà cùng thuộc cấp lập khống hồ sơ thiết kế, dự toán thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán 4 hạng mục, rút số tiền hơn 13 tỷ đồng.
Tại phiên toà, hầu hết bị cáo đều khai nhận hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, bị cáo Đinh La Thăng không thừa nhận trách nhiệm như cáo buộc.
Tuy nhiên, căn cứ vào tài liệu thu thập được, lời khai của nhân chứng, người liên quan, kết luận giám định cùng các tài liệu chứng cứ khác có đủ cơ sở khẳng định hành vi phạm tội của các bị cáo.
Đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh không thừa nhận việc chỉ đạo dùng sai mục đích tiền tạm ứng; không thừa nhận việc chỉ đạo lập khống hồ sơ thi công để rút và chiếm đoạt tiền của PVC, nhưng căn cứ lời khai của các bị cáo khác tại phiên toà, lời khai của nhân chứng và chữ ký của chính bị cáo trên các tài liệu hợp thức hồ sơ khống có đủ cơ sở quy kết hành vi phạm tội của bị cáo.
Như vậy có đủ cơ sở khẳng định, việc VKSTC truy tố các bị cáo về tội "Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và tội "tham ô tài sản" là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Đại diện VKS nhận định, hành vi phạm tội của các bị cáo là biểu hiện một phần của tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, không chỉ thiệt hại lớn về kinh tế mà còn tác động xấu đến chính trị, xã hội, gây bức xúc trong dư luận, làm suy giảm niềm tin của nhân dân.
Mọi hành vi vi phạm pháp luật, những là hành vi liên quan đến tội phạm tham nhũng đều phải bị xử lý. Tài sản tham nhũng phải được thu hồi. Công lý phải được thực thi, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
VKS đề nghị 14-15 năm tù với ông Đinh La Thăng, chung thân cho Trịnh Xuân Thanh
14h30, đại diện Viện kiểm sát mở đầu phần tranh luận bằng bản quan điểm luận tội với các bị cáo.
Đại diện VKS đề nghị xử phạt bị cáo Đinh La Thăng mức 14 - 15 năm tù với tội Cố ý làm trái các quy định Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị đề nghị 13 -14 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và chung thân về hành vi tham ô. Tổng hợp hình phạt là chung thân.
Lời khai của bị cáo Trịnh Xuân Thanh ngày xét xử thứ 2
Trịnh Xuân Thanh quanh co, chối tội, ông Thăng chưa nghiêm túc nhận ra hành vi trái pháp luật
Đại diện VKS cho rằng, bị cáo Đinh La Thăng đã lợi dụng vị trí là người cao nhất của Tập đoàn để đề ra chủ trương, chỉ định PVC làm tổng thầu, dù biết PVC không đủ năng lực và kinh nghiệm.
Bị cáo Đinh La Thăng đã chỉ đạo PVC ký hợp đồng 33 trái quy định và căn cứ hợp đồng này tạm ứng cho PVC để Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo khác sử dụng không đúng mục đích, gây thiệt hại cho PVN gần 120 tỷ đồng.
Bị cáo chỉ nhận trách nhiệm của người đứng đầu, chưa nghiêm túc nhận ra hành vi trái pháp luật của mình. Tuy nhiên, bản thân bị cáo chưa có tiền án tiền sự, đã nhận một phần trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu nên có thể xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.
VKSNDTP Hà Nội luận tội và đề nghị mức án chung thân đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh, quá trình thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã chỉ đạo bị cáo Vũ Đức Thuận ký hợp đồng không đúng quy định, sử dụng tiền tạm ứng không đúng mục đích. Bị cáo cũng chỉ đạo các bị cáo khác lập hợp đồng khống chiếm đoạt hơn 13 tỷ đồng. Bị cáo không thành khẩn, quanh co, chối tội. Tuy nhiên, bị cáo có tình tiết giảm nhẹ là đã khắc phục hậu quả.
Bị cáo Phùng Đình Thực, dù biết PVC không đủ năng lực nhưng cùng ông Đinh La Thăng và Nguyễn Quốc Khánh ký hợp đồng 33 không đúng quy định. Tại phiên tòa bị cáo đã khai báo không thành khẩn, đổ lỗi cho cấp dưới, cần có hình phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên, bị cáo phạm tội lần đầu, quá trình công tác có nhiều thành tích nên cần xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.
Mức án đề nghị của VKS cho các bị cáo như sau:
1. Ông Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN): 14- 15 năm tù
2. Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam PVC): 13-14 năm tù về tội cố ý làm trái, tù chung thân về tham ô tài sản. Hình phạt chung là tù chung thân.
3. Vũ Đức Thuận (nguyên TGĐ PVC): 8- 9 năm tù về tội cố ý làm trái ; 18-19 năm tù về tội tham ô tài sản. Tổng hợp từ 26-28 năm tù.
Các bị cáo đề nghị tội Cố ý làm trái:
1. Phùng Đình Thực (nguyên TGĐ PVN): 12-13 năm tù.
2. Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban tài chính kế toán và Kiểm toán PVN): 10-11 năm tù.
3. Nguyễn Ngọc Quý (nguyên Phó chủ tịch HĐQT PVC): 8-9 năm tù.
4. Nguyễn Mạnh Tiến (nguyên Phó TGĐ PVC): 7-8 năm tù.
5. Phạm Tiến Đạt (nguyên Kế toán trưởng PVC): 6-7 năm tù.
6. Trương Quốc Dũng (nguyên phó TGĐ PVC): 17-18 tháng tù về tội cố ý làm trái
7. Trần Văn Nguyên (nguyên Kế toán trưởng Ban Quản lý Dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2): 2-3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 4-5 năm.
8. Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó TGĐ PVN): 10-11 năm tù.
9. Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó TGĐ PVN): 10-11 năm tù.
10. Vũ Hồng Chương (nguyên Trưởng Ban quản lý Dự án điện lực Dầu khí Thái Bình 2): 2-3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 4-5 năm.
11. Lê Đình Mậu (nguyên Phó Trưởng Ban Kế toán và Kiểm toán PVN): 7-8 năm tù về tội cố ý làm trái
Nhóm 8 bị cáo phạm tội tham ô:
1. Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó TGĐ PVC): 18- 19 năm tù.
2. Lương Văn Hòa (nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC): 13-14 năm tù.
3. Nguyễn Thành Quỳnh (Giám đốc Kỹ thuật Công nghệ, Tổng Công ty CP Miền Trung - Công ty Cổ phần (Đà Nẵng): 8-9 năm tù.
4. Bùi Mạnh Hiển (nguyên Chánh Văn phòng PVC): 13-14 năm tù.
5. Các bị cáo Lê Thị Anh Hoa (GĐCông ty TNHH MTV Quỳnh Hoa); Nguyễn Đức Hưng (nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán, Ban điều hành Vũng Áng - Quảng Trạch); Lê Xuân Khánh (nguyên Trưởng phòng kinh tế Kế hoạch, Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch); Nguyễn Lý Hải (nguyên Trưởng phòng kỹ thuật, Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch) bị đề nghị từ 30-36 tháng tù treo, thử thách 5 năm.