Số lượng những người "siêu giàu" trên sàn chứng khoán cũng ngày càng nhiều thêm. Nếu như cách đây vài năm chỉ có khoảng hơn 10 người nắm giữ lượng cổ phiếu trị giá từ 1.000 tỷ trở lên thì đến cuối năm 2017 đã tăng lên hơn 50 người và đến cuối năm 2018 đã hơn 60 người.
Cuộc đua cho 1 vị trí trong Top 10 người giàu nhất cũng "khốc liệt" chưa từng thấy: Nếu như năm 2016, chỉ cần sở hữu tối thiểu 2.500 tỷ đồng là đã đủ để đứng trong Top 10 người giàu nhất thì sang năm 2017, tiêu chuẩn đã tăng gần gấp đôi lên 5.000 tỷ đồng và con số năm nay thậm chí đã lên đến 8.000 tỷ đồng.
Trước việc ngày càng nhiều doanh nhân thay vì trực tiếp sở hữu cổ phần mà chuyển sang sở hữu qua các công ty đầu tư của cá nhân, chúng tôi quyết định mở rộng phạm tính toán giá trị tài sản của các doanh nhân bao gồm cả phần sở hữu gián tiếp thông qua các công ty này.
Điều này sẽ giúp phản ánh sát hơn khối tài sản thực sự mà các doanh nhân này đang sở hữu. Trong bảng xếp hạng năm ngoái, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, Tổng giám đốc Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ tịch Vicostone Hồ Xuân Năng là những người có khối tài sản tăng thêm đáng kể khi được cộng thêm lượng cổ phiếu sở hữu gián tiếp.
Một sự bổ sung đáng kể theo phương pháp tính toán mới này là hai lãnh đạo chủ chốt của Masan Group: Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang và Phó Chủ tịch Hồ Hùng Anh.
Với việc tính thêm sở hữu gián tiếp thông qua CTCP Masan và Công ty Hoa Hướng Dương - 2 doanh nghiệp đang sở hữu tổng cộng 45% cổ phần của Masan Group (MSN), mỗi người hiện đang nắm khối tài sản trị giá khoảng 20.000 tỷ đồng.
Qua đó, ông Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang lần lượt thay thế ông Trịnh Văn Quyết và Trần Đình Long ở vị trí người giàu thứ 3 và thứ 4 trên sàn chứng khoán.
Nhờ sự mở rộng phạm vi tính toán này, tổng cộng 10 người giàu nhất sàn chứng khoán đang sở hữu lượng cổ phiếu trị giá 320.000 tỷ đồng, tăng 54.000 tỷ so với năm trước.
Với khối tài sản trị giá xấp xỉ 178.000 tỷ đồng (7,7 tỷ USD – cao hơn 1 tỷ USD so với số liệu của Forbes), chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng không chỉ tiếp tục là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam mà còn tương đương với tổng tài sản của 17 người tiếp theo trong danh sách người giàu.
Khối tài sản này bao gồm 27,4% cổ phần Vingroup sở hữu trực tiếp và lượng sở hữu gián tiếp qua CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam – công ty do nắm quyền kiểm soát và sở hữu 92,88% cổ phần.
Năm 2018, cổ phiếu VIC đã gấp rưỡi, qua đó đưa Vingroup trở thành doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất thị trường.
Năm qua cũng là năm đầy ắp các sự kiện đáng nhớ của Vingroup như VinHomes lên sàn với thương vụ chào bán thành công huy động 1,35 tỷ USD; chuỗi sự kiện ra mắt ô tô và xe máy điện VinFast; giới thiệu mô hình VinCity; ra mắt điện thoại Vsmart, đại học VinUni, dược phẩm VinFa, thành lập VinTech và định hướng đưa Vingroup trở thành tập đoàn công nghệ...
Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo [vị trí thứ 2 - #2] tiếp tục là người phụ nữ giàu nhất trên TTCK với khối tài sản 26.200 tỷ đồng. Bên cạnh Vietjet, đầu năm 2018, nữ tỷ phú này đã đưa thêm 1 doanh nghiệp lên sàn là HDBank.
Trong Top10 còn có 2 phụ nữ khác là hai nữ Phó Chủ tịch của Vingroup là bà Phạm Thu Hương [#7] - vợ ông Phạm Nhật Vượng và bà Phạm Thúy Hằng [#9] tiếp tục đứng trong Top10 với lượng cổ phiếu trị giá lần lượt là 14.400 tỷ và 9.600 tỷ đồng.
Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long xuống vị trí thứ 5 với khối tài sản giảm 10% xuống 16.500 tỷ đồng. Đầu năm nay, ông Long đã lọt vào danh sách tỷ phú đô la của Forbes với tài sản 1,3 USD. Nhưng việc cổ phiếu HPG giảm rất mạnh trong thời gian gần đây thì ông Long đã không còn trong danh sách tỷ phú.
Người chứng kiến tài sản giảm mạnh nhất là chủ tịch FLC Group Trịnh Văn Quyết [#6], giảm từ 58.900 tỷ xuống còn 15.600 tỷ đồng, chủ yếu do cổ phiếu FLC Faros giảm rất mạnh trong năm.
Trong năm 2018, FLC được nhắc đến chủ yếu với việc thành lập hãng hàng không Bamboo Airways. Hãng hàng không non trẻ này đã được cấp giấy phép bay và chuẩn bị thực hiện chuyến bay đầu tiên.
Một cái tên khác trong Top 10 là chủ tịch Viconstone Hồ Xuân Năng [#10] cũng chứng kiến tài sản giảm 42% xuống còn 8.100 tỷ đồng.
Cái tên còn lại trong Top 10 là chủ tịch Novaland Group Bùi Thành Nhơn [#8] có tài sản tăng 29% lên 12.300 tỷ đồng. Năm 2017, ông Nhơn là người "buồn" nhất trong Top 10 khi cổ phiếu NVL chỉ tăng 5% trong khi hầu hết các cổ phiếu lớn đều tăng gấp rưỡi đến gấp đôi.
Các vị trí từ 11 đến 20 có đến 6 người là người thân của những người trong Top10. Ba trong số này là người thân của chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh gồm: bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (vợ - vị trí thứ 12), bà Nguyễn Thị Thanh Tâm (mẹ - #13) và ông Hồ Anh Minh (con trai - #17).
Ngoài ra, em dâu ông Hồ Hùng Anh là bà Nguyễn Hương Liên [#24] cũng nắm giữ lượng cổ phiếu Masan và TCB trị giá hơn 2.400 tỷ đồng.
Từng đứng trong Top 10 năm ngoái, bà Vũ Thị Hiền - vợ ông Trần Đình Long - rơi xuống vị trí thứ 14 còn bà Nguyễn Hoàng Yến - vợ chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang - đứng ở vị trí thứ 19. Đứng vị trí thứ 20 là ông Bùi Cao Nhật Quân, con trai chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn.
4 doanh nhân còn lại trong Top 20 gồm có Chủ tịch Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài [#11], Chủ tịch Bất động sản Phát Đạt Nguyễn Văn Đạt [#15], chủ tịch Vĩnh Hoàn Trương Thị Lệ Khanh [#16], cổ đông sáng lập Thế giới Di động Trần Lê Quân [#18]. Trong 4 người này thì đáng chú ý nhất là bà Trương Thị Lệ Khanh với tài sản tăng 70% nhờ sự thăng hoa nói chung của ngành xuất khẩu thủy sản trong năm qua.