Ngày 21/6/2023, các nước Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí thông qua gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga, bao gồm các biện pháp nhằm chống lách cấm vận, mở rộng danh sách các pháp nhân bị trừng phạt, hạn chế việc cung cấp dầu qua nhánh phía nam của đường ống Druzhba và cấm nhập cảnh đối với các xe tải chở hàng hóa của Nga.
Như vậy, kể từ khi Nga mở "Chiến dịch quân sự đặc biệt" vào Ukraine 24/2/2022 đến nay, Mỹ và hơn 40 nước khác đã áp đặt tổng cộng 14 nghìn lệnh trừng phạt chống Moscow. Đây là các biện pháp trừng phạt toàn diện và khốc liệt chưa từng có trong lịch sử đối với Nga.
Kinh tế Nga gặp rất nhiều khó khăn nhưng không sụp đổ. Chính phủ Nga đã có nhiều biện pháp thích nghi với tình hình mới, phá thế bao vây, cấm vận và tình hình dần dần đi vào ổn định.
Kinh tế Nga không sụp đổ vì cấm vận
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine, kinh tế Nga đã trải qua một cú sốc nghiêm trọng. Các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ và các nước EU, kỳ vọng các biện pháp trừng phạt khốc liệt này sẽ dẫn đến "hậu quả nghiêm trọng và nguy hiểm" đối với nước Nga.
Các nhà kinh tế dự đoán giá trị đồng rúp sẽ giảm tới mức kỷ lục so với đồng đô la Mỹ, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga sẽ giảm tới 15% trong năm 2022 và sẽ còn tiếp tục giảm mạnh trong năm 2023, kinh tế sẽ suy sụp.
Ngay cả Bộ kinh tế Nga cũng có lúc đã dự đoán tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ sụt giảm hơn 12%, vượt quá mức giảm sau khi Liên Xô tan rã và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 1998.
Tháng 4/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Nga sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, suy thoái kinh tế sâu có thể xảy ra vào năm 2022, GDP dự kiến sẽ giảm 11,2% và ít có khả năng phục hồi trong hai năm tới.
Tuy nhiên, tình hình này đã không xảy ra. Mặc dù năm 2022 là một năm đầy khó khăn và thách thức đối với nền kinh tế Nga nhưng nó đã không sụp đổ và vận hành tốt hơn nhiều so với dự kiến.
Kinh tế Nga đã không sụp đổ. Ảnh: CFP
Thời kỳ khó khăn nhất đã qua, Nga bắt đầu phục hồi
Theo Tổng cục thống kê Liên bang Nga, năm 2022, kinh tế Nga chỉ giảm 2,1%, thấp hơn so với dự kiến mặc dù phải chi phí lớn cho chiến dịch quân sự và hậu quả các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.
Ông Chris Weaver, người đã làm việc hơn 25 năm với tư cách là cố vấn chiến lược và đầu tư ở Nga nói: "Trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến, mọi người ở Nga đều hoang mang về số phận của nền kinh tế Nga. Bản thân tôi cũng đã bi quan về khả năng chống đỡ của nền kinh tế Nga năm 2022. Tuy nhiên, từ tháng 5/2022, mọi thứ bắt đầu tăng tốc với tốc độ nhanh chóng, điều tồi tệ nhất đã không xảy ra".
Trong cuộc họp với Tổng thống Vladimir Putin ngày 4/7/2023, Thủ tướng Mikhail Mishustin cho biết: "Nền kinh tế của Nga tiếp tục phục hồi một cách tự tin, bất chấp các lệnh trừng phạt và tất cả những trở ngại đặt ra trước mặt đất nước chúng ta. Các số liệu cho thấy 5 tháng đầu năm nay GDP của Nga đã tăng 0,6%. Điều hết sức quan trọng là tháng 5 năm nay GDP tăng trưởng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái".
Ông nói thêm: "Chúng tôi hy vọng GDP sẽ đạt được mức tăng trưởng hơn 2% vào cuối năm nay. Điều quan trọng ở đây là ngành sản xuất nổi lên như một động cơ. Tỷ lệ lạm phát vào đầu tháng 7 chỉ ở mức 3,4% và cả năm sẽ không vượt quá 5%. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong lịch sử dao động trong khoảng 3,1 - 3,2%".
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng các chỉ số của nền kinh tế Nga khẳng định nước Nga có đủ khả năng vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây. Riêng ngành ngân hàng Nga năm 2022 đã đạt được lợi nhuận lên tới 203 tỷ rúp.
Ngoài ra, khối lượng trao đổi thương mại bằng đồng đồng rúp kể từ tháng 12 năm ngoái đã tăng gấp đôi, sản lượng ngũ cốc năm 2022 đạt hơn 150 triệu tấn và xuất khẩu mặt hàng quan trọng này đạt mức kỷ lục 60 triệu tấn, góp phần to lớn giúp nước Nga vượt qua các lệnh cấm vận.
Nga tìm được nhiều khách hàng mới ở châu Á. Ảnh: BBC
Các nhân tố giúp kinh tế Nga đứng vững trước trừng phạt
Trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến, EU áp đặt lệnh cấm vận đối với dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ từ Nga nhưng các lệnh cấm vận này chỉ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 12/2022 nên thực sự không ảnh hưởng tới tình hình trao đổi thương mại giữa hai phía trong năm 2022.
Các công ty Nga vẫn tiếp tục xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt sang một số nước châu Âu và thu được một khoản tiền lớn do các thương nhân châu Âu không chỉ mua các nguồn năng lượng của Nga để sử dụng mà còn để tích trữ đề phòng khả năng thiếu hụt trong tương lai. Đây là cơ hội giúp Nga giảm đáng kể tác động từ cấm vận của phương Tây đối với dự trữ ngoại hối của mình.
Mặt khác, Moscow cũng tìm được nhiều khách hàng mới, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, hai nền kinh tế khổng lồ đã tăng mạnh khối lượng nhập khẩu dầu của Nga, đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn góp phần tăng nguồn tài chính, giúp duy trì sự ổn định của nền kinh tế Nga.
Ngày 20/6/2023, Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố riêng trong tháng 5/2023, Trung Quốc đã nhập khẩu 2,29 triệu thùng dầu/ngày từ Nga, tăng gần gấp đôi so với tháng 2/2022.
Ấn Độ là nhà nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba trên thế giới sau Trung Quốc và Mỹ, đồng thời là nước nhập khẩu chính các nguồn năng lượng của Nga. Đầu năm 2022, thị phần của Nga trong nhập khẩu dầu của Ấn Độ chỉ chiếm 0,2%, đến tháng 3/2023 tỷ lệ này đã chạm mốc cao kỷ lục mới, tăng lên hơn 20%, tương đương 1,64 triệu thùng/ngày.
Ngoài ra, các nước nhóm nền kinh tế mới nổi (BRICS) và nhiều nước khác đã bắt đầu chuyển sang dùng đổng tiền địa phương thay cho đồng USD trong thanh toán các hợp đồng thương mại với Nga, mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ thương mại với Moscow, giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ.
Kinh tế Mỹ và châu Âu gặp nhiều khó khăn
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nói, đến nay các biện pháp trừng phạt đã chứng minh rõ ràng là chúng gây hậu quả nặng nề cho châu Âu hơn là cho Nga.
Kinh tế Mỹ và phương Tây lại gặp nhiều khó khăn. Ảnh: think.ing.com
Một nghiên cứu mới đây cho thấy gần 190 ngân hàng Mỹ đứng trước khả năng sụp đổ, xét thực tế là người gửi tiền hiện nay đang có động cơ rút tiền lớn.
Nước Mỹ đang chứng kiến sự phá sản của các ngân hàng lớn. Từ đầu năm tới nay đã có 3 ngân hàng phải tuyên bố phá sản gồm First Republic Bank (FRB), Silicon Valley Bank (SVB), Signature Bank (SB). Đây là vụ sụp đổ lớn thứ hai trong lịch sử ngân hàng Mỹ sau Washington Mutual (2008). Cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tờ USA Today dẫn một nghiên cứu cho thấy, khoảng 186 ngân hàng đang đứng trước nguy cơ phá sản. Người gửi tiền ồ ạt rút tiền khỏi các ngân hàng vì lo lắng tiền gửi của họ không được bảo hiểm. Gửi tiền không được bảo hiểm có nghĩa người gửi chấp nhận mất một phần tiền nếu ngân hàng sụp đổ. Điều này thúc đẩy người gửi rút tiền của mình khỏi các ngân hàng, dẫn đến sự phá sản dây chuyền.
Lạm phát là vấn đề nan giải đối với Mỹ và các nước châu Âu. Tháng 3/2023, lạm phát ở 20 quốc gia khu vực đồng Euro vẫn ở mức cao 6,9%. Tỷ lệ lạm phát ở Mỹ đã giảm, nhưng vẫn ở mức 4,9%. Trong khi đó, giá cả nhiều mặt hàng ở Mỹ và châu Âu tăng mạnh lên 7,5%.
Văn phòng thống kê Eurostat của EU mới đây công bố tỷ lệ thất nghiệp ở lục địa già hiện nay lên tới 6,6%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Mỹ là 14,7%.
Theo báo cáo của Tổng quan Dân số Thế giới - World Population Review, Nga nằm trong danh sách các quốc gia mắc nợ công thấp nhất, chỉ chiếm 17,8% GDP. Trong khi đó chỉ số này ở Mỹ là 121,7%, tính theo con số tuyệt đối tương đương khoảng 32 nghìn tỷ USD, ở khu vực đồng euro là 90,9%, ở Đức là 66,5%, và ở Pháp là 111,1%.
Triển vọng nền kinh tế Nga
Có nhiều ý kiến khác nhau về tương lai của nền kinh tế Nga. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây dự báo năm 2023 kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 0,3%, trong khi một số dự báo khác nói rằng GDP Nga sẽ giảm 2%.
Tổng thống Putin khẳng định các chỉ số kinh tế của Nga là tốt hơn mong đợi. Ảnh: AP
Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin khẳng định nền kinh tế Nga tiếp tục phục hồi bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Tổng thống Putin khẳng định các chỉ số kinh tế của Nga là tốt hơn mong đợi.
Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga Maxim Reshetnikov cho biết đến cuối năm 2023, Nga sẽ nằm trong số các quốc gia dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế, dự kiến 1,2%.
Trong báo cáo mới đây về Triển vọng kinh tế thế giới, IMF đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Nga. Theo các chuyên gia IMF phân tích, năm 2022, kinh tế Nga chỉ suy giảm 2,2%, thấp hơn mức dự báo 3,4% và năm 2023 sẽ tăng trưởng dương. IMF kỳ vọng kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 0,3% vào năm 2023, cao hơn 2,6% so với dự báo vào tháng 10 năm ngoái. Năm 2024, nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 2,1%, cao hơn 0,6% so với dự báo tháng 10 cùng kỳ.
Nếu dự báo của IMF thành hiện thực trong năm 2023 thì tăng trưởng kinh tế của Nga sẽ tăng trưởng nhanh hơn kinh tế Pháp, Đức và Anh. IMF và Goldman Sachs dự báo năm 2023, kinh tế Pháp chỉ đạt được mức tăng trưởng nhẹ dưới 0,3%, Đức 0,2% và Anh sẽ tăng trưởng âm 1,2%.
Kinh tế Mỹ theo dự báo năm 2023 cũng chỉ có thể tăng trưởng ở mức 1,4%. Cũng theo IMF, kinh tế Nga được dự báo sẽ cải thiện trong hai năm tới và đạt mức tăng trưởng 2,1% vào năm 2024.
IMF cho biết thêm, năm 2022, GDP của Nga đạt 2,3 nghìn tỷ USD, giúp nước này lần đầu tiên kể từ năm 2014 vươn lên chiếm vị trí thứ 9 trong danh sách 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới sau Mỹ (25,46 nghìn tỷ USD), Trung Quốc (17,94 nghìn tỷ USD), Nhật Bản (4,17 nghìn tỷ USD), Đức (4,07 nghìn tỷ USD), Ấn Độ (3,4 nghìn tỷ USD), Anh (3,07 nghìn tỷ USD), Pháp (2,78 nghìn tỷ USD).
Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã ca ngợi nền kinh tế Nga đứng vững được trước các lệnh trừng phạt. Các chuyên gia của quỹ giải thích rằng, năm 2022, Nga đạt được kết quả khả quan là do hoạt động xuất khẩu dầu mỏ ổn định, giá cao và ngành dầu khí ghi nhận lợi nhuận kỷ lục.
Theo quỹ này yếu tố chính tạo nên khả năng phục hồi của nền kinh tế Nga là Nga đã tìm được thị trường mới cho các sản phẩm của mình thay cho các nước áp đặt lệnh trừng phạt. Đây là tiền đề cho kinh tế Nga phục hồi và phát triển trong những năm tới.