Barcelona trong cơn đại loạn: "Thủ phạm" là Messi và những đồng euro?

Nam Khánh |

Động thái sa thải Ernesto Valverde, cũng như cuộc xung đột giữa Messi và giám đốc thể thao Eric Abidal chính là những triệu chứng của sự trì trệ đã kéo dài rất lâu tại Camp Nou.

1. Vào hôm thứ Ba tuần trước, khi Lionel Messi lên tiếng đả kích công khai giám đốc thể thao của Barcelona, Eric Abidal, cuộc khủng hoảng của đội bóng xứ Catalan đã chính thức hình thành.

Nhưng câu chuyện này còn chứa đựng rất nhiều các vấn đề đáng quan tâm hơn nữa, thay vì chỉ là một cuộc đụng độ giữa những cái tôi và công tác quản lý yếu kém tại Camp Nou. Đây là một câu chuyện rất đặc trưng về bóng đá hiện đại, về những vấn đề thường gặp với các thiên tài và về những khó khăn mà cái thứ gọi là “bản sắc” sẽ gây nên.

Có lẽ khía cạnh kì lạ nhất của câu chuyện này là đã phải mất một thời gian rất, rất lâu, mọi chuyện tại Barcelona mới đi đến cái tình thế như hiện tại, và đó chính là một lời nhắc nhở khác về cái sự thật rằng, trong thế giới bóng đá hiện đại, dù cho có được điều hành bởi một sự bất lực đến đáng kinh ngạc, các “siêu câu lạc bộ” vẫn có thể giành được những danh hiệu lớn, đạt được những thành công hoành tráng.

Sự rời rạc trong cấu trúc hệ thống đội hình của Barca đã được phơi bày ra một cách rất rõ ràng trong nhiều năm qua. Hết lần này đến lần khác, các đối thủ mà họ chạm trán ở các vòng knock-out của Champions League đã liên tục khai thác một cách thoải mái ở họ những khoảng trống mênh mông mà đáng lẽ ra phải có sự hiện diện của các tiền vệ.

Đó chính là cái cách mà Paris Saint-Germain đã nghiền nát Blaugrana với tỷ số 4-0 trong trận lượt đi của vòng 16 đội Champions League 2017, và cũng là yếu tố then chốt đã giúp Juventus quật ngã họ với tỷ số chung cuộc 3-0 trong vòng đấu tiếp theo.

Đó là cái cách mà AS Roma và Liverpool đã lội ngược dòng thành công trước họ dù cho cách biệt là lên đến 3 bàn thua, và cũng là chiếc chìa khóa đã giúp ngay cả một Chelsea “tầm thường” cũng có thể khiến họ trông như vô cùng “mong manh dễ vỡ” tại Stamford Bridge vào năm 2018, dù cho trận đấu đó đã kết thúc với tỷ số hòa 1-1.

Một hàng tiền vệ già nua, chậm chạp, và bất lực trong việc đáp ứng những yêu cầu mà cái kỷ nguyên của pressing này đã đề ra chính là vấn đề rõ ràng nhất, nhưng nó có lẽ không phải là vấn đề đáng lo ngại nhất. Có hai vấn đề rất lớn khác đang tồn tại vào thời điểm này, và cả hai đều đã đặt ra những nghi ngờ về các yếu tố cốt lõi của bản sắc tại Barcelona.

2. Đầu tiên chính là Lionel Messi. Một thập kỷ trước, anh đã từng là một cầu thủ không hề ngần ngại trong việc thường xuyên thể hiện hình ảnh của một “gã công nhân”. Anh có thể không phải là người pressing máu lửa nhất, nhưng anh luôn sẵn lòng góp sức cùng các đồng đội trong việc đó.

Vào mùa giải 2009/2010, Messi đã thu hồi bóng trung bình 2,1 lần mỗi trận tại La Liga thông qua những pha xoạc bóng hoặc cắt đường chuyền. Đó đúng thật là một mùa giải đặc biệt hiếm có, nhưng ngay cả trong những năm sau đó, con số kia cũng đã dao động ở mức 1.2 và 1.3.

Kể từ khi Pep Guardiola ra đi, con số đó đã thay đổi theo chiều hướng giảm dần. Vào mùa giải trước là 0.5, còn mùa giải này, tính đến thời điểm hiện tại, là 0,8.

Barcelona trong cơn đại loạn: Thủ phạm là Messi và những đồng euro? - Ảnh 1.

Lionel Messi đã không còn thể hiện được sự máu lửa, cần mẫn và năng nổ trên sân cỏ như trong quá khứ ở cái tuổi 32.

Messi luôn là một thiên tài của nghệ thuật tối giản – một phần quan trọng đã tạo nên sự vĩ đại của anh chính là khả năng thường xuyên nhìn ra những phương án có độ khó thấp nhất – nhưng sự máu lửa, cần mẫn và năng nổ trên sân cỏ của anh đã thật sự giảm sút theo thời gian.

Đây không nhất thiết phải là một sự chỉ trích. Có thể việc giữ sức và tập trung tâm trí để quan sát, thăm dò những thời điểm mất cảnh giác, cũng như các khoảng trống mà hàng phòng ngự đối phương để lộ ra, chính là những yếu tố cần thiết để Messi có thể đạt được hiệu quả tối đa ở khía cạnh sáng tạo.

Cầu thủ người Argentina đã bước sang tuổi 32, nhưng anh vẫn chưa hề cho thấy bất kì dấu hiệu quá rõ ràng nào về sự chậm lại trong khâu ghi bàn hoặc kiến tạo. Tuy nhiên, trong khi tài năng phi thường của anh đang khỏa lấp đi những “vết nứt” ở cỗ máy Barcelona, thì có lẽ nó cũng phải chịu trách nhiệm cho ít nhất là một vài “vết nứt” trong số đó.

Nói ra cái sự thật sau đây không phải là để đổ lỗi, nhưng cũng không thể phớt lờ nó: Sự chói sáng của một cá nhân có thể trở thành một “vấn đề” trong một tập thể.

Khi tiền đạo người Argentina thuộc biên chế Juventus, Paulo Dybala, thừa nhận trước thềm Copa America 2019 về sự chật vật của anh trong việc đá cặp với Messi, những lời mà anh nói đã được mặc định là bằng chứng cho thấy sự rạn nứt giữa hai người họ, nhưng đồng thời, cũng có thể xem nó chỉ đơn giản là lời tuyên bố về một sự thật quá hiển nhiên.

Thật khó để thi đấu bên cạnh một ai đó kiệt xuất đến phi thường như thế, bởi vì sự cám dỗ của việc chỉ cần đưa quả bóng cho anh ta làm hết mọi việc là quá mạnh mẽ.

Không phải ngẫu nhiên mà Barcelona đang bắt đầu phải đối mặt với những vấn đề tương tự như ở Argentina. Và ánh hào quang của Messi không chỉ tạo nên sự mất cân bằng ở trên sân cỏ.

Có thể khẳng định rằng, cầu thủ người Argentina là một nhân vật mà bạn không thể không giành cho anh ta một sự “nuông chiều” tuyệt đối: Liệu có vị huấn luyện viên nào dám loại bỏ anh ra khỏi đội hình, chứ chưa nói đến việc bán anh đi?

Vấn đề không chỉ là những hậu quả mang tính chính trị của việc khai trừ anh, mà còn là về việc vào bất kì thời điểm nào trong bất kì trận đấu nào, anh cũng đều có thể bất ngờ vượt qua một lúc 4 cầu thủ và sút tung lưới đối phương, để rồi qua đó biến một kết quả tưởng chừng như sẽ rất tệ hại thành một cái kết tuyệt vời. Nhưng không một cầu thủ nào nên được nắm giữ quyền lực của một giám đốc thể thao.

Thứ đã khiến cho các vấn đề trở nên lớn hơn, với cả Barcelona lẫn Argentina, chính là sự thiếu vắng gần như hoàn toàn của một đường lối lãnh đạo đúng đắn. Cả câu lạc bộ xứ Catalan và liên đoàn bóng đá Argentina đều dường như không hề có tầm nhìn hay một kế hoạch nào.

Tại Barcelona, vấn đề đó còn mang tính nghiêm trọng hơn nữa bởi tính chất bất thường của một câu lạc bộ bóng đá và cũng là bởi sự khó khăn trong việc tìm kiếm người thay thế cho một nhà cầm quân cực đoan và vô cùng đặc biệt như Pep Guardiola.

Barcelona trong cơn đại loạn: Thủ phạm là Messi và những đồng euro? - Ảnh 2.

Thiếu vắng một đường lối lãnh đạo đúng đắn, mất phương hướng, không hề có một tầm nhìn hay kế hoạch nào ngoài việc tiếp tục ý lại vào Messi và sự giàu có của mình chính là những vấn đề của Barcelona ở hiện tại.

Trong những lời chỉ trích của Zlatan Ibrahimovic về Barcelona, rất nhiều trong số đó là nhắm vào Guardiola, và đáng nhớ nhất chính là khi ngôi sao người Thụy Điển miêu tả các cầu thủ Barcelona giống như những cậu học sinh ngoan ngoãn, nghe lời “ông giáo” của mình một cách tuyệt đối.

Đó là một lời chế nhạo chứa đựng một thông điệp, một cái sự thật sâu sắc hơn bề ngoài của nó rất nhiều: Chuyện gì sẽ xảy ra khi “ông giáo” ra đi? Một lớp học đã từng tuân lệnh tuyệt đối một nhà lãnh đạo tôn sùng chủ nghĩa hoàn hảo đến mức cực đoan, một lớp học đã từng gặp rất nhiều khó khăn trong việc dung nạp những kẻ ngoại đạo, sẽ làm gì trong trường hợp đó?

Quả thực là vấn đề nan giải đối với bất kì câu lạc bộ nào đã được thấm nhuần vào tư tưởng một cách sâu sắc về thứ bóng đá mà họ nên đi theo, một khi kiến trúc sư của cái phong cách đó ra đi, nhưng có lẽ, nó còn đặc biệt nghiêm trọng tại Barcelona hơn bất cứ đội bóng nào khác, nơi mà một thứ phong cách bóng đá “hậu chủ nghĩa Cruyffian” đã được đan xen hoàn toàn vào bản sắc của họ.

Luis Enrique đã từng mang đến một giải pháp ngắn hạn, triển khai một cây đinh ba lừng danh trên hàng công của cái đội hình đã đoạt được chức vô địch Champions League 2015 và tránh xa những nguyên tắc, định nghĩa cực kì khắc khe của “triết lý Guardiola”.

Nhưng Suarez ngày càng lớn tuổi và phải liên tục ngồi ngoài vì những chấn thương, trong khi Neymar đã ra đi để theo đuổi những tham vọng của riêng anh, một thương vụ chuyển nhượng bom tấn đáng lẽ ra đã cho phép Barcelona có thể tái xây dựng lại hàng tiền vệ và hàng thủ, nhưng thay vào đó, nó lại dẫn đến những động thái chỉ mang cái bề ngoài phô trương, hào nhoáng.

Vậy, Barcelona nên làm gì vào lúc này? Tiêu tiền mạnh tay hơn nữa, nhưng lần này là vào đúng người? Hay cố gắng tái lập lại một hệ thống thuộc “chủ nghĩa Guardiola”?

Barcelona trong cơn đại loạn: Thủ phạm là Messi và những đồng euro? - Ảnh 3.

Thật kỳ lạ, Barca có đội hình về lý thuyết đắt giá bậc nhất thế giới nhưng mọi đồng đội gần như chỉ nhìn vào Messi mà đá

Cách tiếp cận dựa trên nền tảng là kiểm soát bóng của Quique Setién đã mang đến một cảm giác hơi cổ xưa. Việc nhất nhất tôn sùng một thứ lý tưởng sẽ không bao giờ là một giải pháp.

Ngoài tài năng, Pep Guardiola cũng đã gặp rất nhiều may mắn tại Barcelona khi được thừa hưởng một đội hình bao gồm 7 cầu thủ kiệt xuất được đôn lên từ học viện của chính đội bóng này, những người hiểu rất rõ triết lý của ông, và vào một cái thời điểm mà những sự thay đổi khác nhau trong luật và khía cạnh kinh tế của môn thể thao này đã khiến thế giới thụ cảm cuộc cách mạng của ông một cách dễ dàng.

Nhưng bóng đá đã tiếp tục thay đổi. Thời điểm hiện tại đang là một kỷ nguyên được trị vì bởi pressing và chuyển đổi trạng thái. Ngay cả Guardiola cũng đã phải thay đổi. Trong khi đó, Barcelona – thiếu vắng đi một đường lối lãnh đạo đúng đắn, bị trì trệ, hoàn toàn ỷ lại vào tài năng phi thường của Messi và sự giàu có của họ - đang càng lúc càng “lạc nhịp” với thế giới.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại