"Bảo vật" có nguồn gốc từ Việt Nam: Chưa đầy 1% người Trung Quốc biết đến, giá thành cực cao

An An |

Sa nhân từ Việt Nam được truyền vào Trung Quốc với vai trò là một loại gia vị, sau đó nó trở thành loại thuốc quý.

"Bảo vật" trên mặt đất

Đất là nơi con người sinh sống, gieo trồng, gặt hái, bốn mùa xoay vần đều dựa vào đất để nuôi sống gia đình. Có rất nhiều thứ mọc ra từ lòng đất nhưng chúng không hề tầm thường, thậm chí chúng là bảo vật, vừa dùng làm thực phẩm vừa để làm thuốc. Có thời điểm, người ta trồng được nó nhưng lại không đủ tiền để mua nó.

Bảo vật quý giá này chính là sa nhân - loại cây thân thảo, nhìn gần giống như cây gừng nhưng rễ không phát triển thành củ mà bò lan dưới lớp đất mỏng.

Sa nhân là một đặc sản của thành phố Dương Xuân, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, là mặt hàng có Chỉ dẫn Địa lý Quốc gia Trung Quốc, danh tiếng vang dội, giá cả cực cao, có thời điểm giá 1kg sa nhân lên tới 7.600 NDT (gần 26 triệu VND).

Sa nhân đắt như vậy là nhờ giá trị y học của nó. Các trước tác y học Trung Quốc như Đại từ điển y học, Đại từ điển y học Trung Quốc, Bản thảo cương mục đều mô tả sa nhân có vị thơm cay, tính ấm, có tác dụng hành khí, kiện tỳ, dưỡng vị.

Tương truyền, vào thời Càn Long nhà Thanh, một phi tần thường xuyên bị đau chướng bụng, nhiều năm không khỏi, các ngự y đều bó tay, triều đình liền sai người đi tìm danh y, thuốc tốt. Sau đó, có người tiến cử sa nhân từ Quảng Đông vào cung. Sau khi uống, vị phi tần đã khỏi bệnh. Do đó, hoàng đế ra lệnh Quảng Đông phải cống nạp sa nhân làm dược liệu hàng năm.

Bảo vật có nguồn gốc từ Việt Nam: Chưa đầy 1% người Trung Quốc biết đến, giá thành cực cao - Ảnh 1.

Quả sa nhân còn tươi trông giống quả thanh mai. Ảnh: Sina

Vẻ ngoài của sa nhân tươi khá giống quả thanh mai. Sau khi phơi khô, sa nhân sẽ chuyển từ màu đỏ sang màu vàng nâu, rất dễ bảo quản. Do giá thành rất đắt và chỉ những người am hiểu về thuốc bắc mới biết đến tác dụng kỳ diệu của sa nhân nên số người biết đến nguyên liệu này ở Trung Quốc chưa đến 1%.

Cách dùng sa nhân rất đơn giản. Không giống như các loại thuốc Đông y khác phải trải qua các công đoạn như phơi khô, xay nhỏ, đun sắc uống, người ta chỉ cần bóc vỏ hạt sa nhân rồi pha nước để uống hoặc ăn trực tiếp cũng rất hiệu quả. Nhiều người sẽ chọn hầm sa nhân với thịt gà hay sườn heo.

Đặc biệt món canh sa nhân hầm phù hợp với mọi lứa tuổi, kể cả phụ nữ mang thai cũng có thể ăn được nhiều hơn, bởi sa nhân có tác dụng an thai. Do đó, sa nhân được coi là báu vật trong làng y học.

Mọc hoang ở vùng rừng núi Việt Nam

Trên thực tế, sa nhân có nguồn gốc từ Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia... Từ thời xa xưa, sa nhân từ Việt Nam được truyền vào Trung Quốc với vai trò là một loại gia vị, sau đó nó trở thành loại thuốc quý.

Ở nước ta, trước đây, cây sa nhân mọc hoang nhiều ở vùng rừng núi, dưới những tán cây lớn râm mát, tiếng Tày còn gọi là mác nẻng, tiếng Thái là co nénh. Vào mùa hè, người dân thường hái quả sa nhân, bóc vỏ lấy hạt bên trong, phơi khô làm thuốc.

Trong Đông y, sa nhân có nhiều loại nhưng sa nhân tím và sa nhân trắng được ưa chuộng nhất vì có giá trị dược liệu cao.

Ngày nay, sa nhân được người dân miền núi phía Bắc nước ta nhân giống, trồng thành công, thu hoạch sản lượng lớn, đem về lợi nhuận rất cao.

Chia sẻ với Dân Việt, anh Lý Văn Sai, dân tộc Dao (Cao Bằng) cho biết, ban đầu, anh trồng thử nghiệm 800 cây sa nhân tím với giá 10.000 đồng/cây.

Sau 3 năm, cây bắt đầu cho quả. Từ năm thứ 5 trở đi, vườn sa nhân của anh cho năng suất khoảng 700 - 800 kg quả sa nhân khô/ha, giá bán quả sa nhân từ 280.000 - 300.000 đồng/kg quả khô, 40.000 - 60.000 đồng/kg quả sa nhân tươi.

Sa nhân hiện đã trở thành cây trồng xóa đói giảm nghèo ở nhiều tỉnh miền Bắc nước ta.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại