Trang Sina của Trung Quốc vừa có bài bình luận về việc Quân đội Pakistan tiếp nhận trực thăng tấn công tiên tiến AH-1Z Viper do Mỹ sản xuất và đang giữ vai trò phương tiện yểm trợ hỏa lực đường không chủ yếu dành cho Thủy quân lục chiến Mỹ.
Họ cho biết vào tháng 4/2015, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố thông tin về việc bán cho Pakistan 15 chiếc AH-1Z Viper kèm theo 1.000 tên lửa chống tăng AGM-114 Hellfire với trị giá hợp đồng là 952 triệu USD. Theo kế hoạch đã nhận 3 chiếc đầu tiên trong năm 2017 và 9 chiếc tiếp theo trong năm 2018.
Cần nói thêm rằng Trung Quốc là đồng minh thân cận nhất của Pakistan, nước này đã cung cấp cho người láng giềng Nam Á rất nhiều vũ khí trang bị hiện đại, thậm chí là với chất lượng không thua kém gì hàng nội địa, bởi vậy Bắc Kinh dĩ nhiên chẳng thể vui mừng khi Islamabad bỏ qua trực thăng WZ-10 để lựa chọn AH-1Z.
Trực thăng vũ trang AH-1Z Viper của Thủy quân lục chiến Mỹ
AH-1Z Viper (còn được gọi bằng cái tên Zulu Cobra) là phiên bản hiện đại nhất của dòng trực thăng vũ trang AH-1 Cobra nổi tiếng. AH-1Z là bước phát triển tiếp theo dựa trên AH-1W, chính thức vào biên chế Thủy quân lục chiến Mỹ từ năm 2012. Đáng chú ý hơn, nó được thiết kế song song với UH-1Y Venom cho nên giữa hai máy bay có tới 80% các chi tiết chung.
Biến thể AH-1Z đã nâng cấp hệ thống điều khiển hỏa lực cũng như thông tin liên lạc công nghệ số để đáp ứng tốt hơn yêu cầu tác chiến trong chiến tranh hiện đại. Bên cạnh đó tính năng bay cũng đã cải thiện đáng kể thông qua việc sử dụng rotor chính lắp cánh quạt 4 lá (các phiên bản trước dùng loại 2 lá).
Nhờ động cơ mới Electrix T700-GE-401C mạnh mẽ hơn, chiếc trực thăng hạng nhẹ này đạt tới tốc độ lớn nhất 337 km/h, tầm hoạt động 425 km hoặc vươn xa 715 km khi mang thêm bình nhiên liệu phụ.
Vũ khí của AH-1Z Viper gồm 1 pháo nòng xoay 20 mm trước mũi với cơ số 750 viên đạn, các giá treo ngoài mang được tên lửa chống tăng AGM-114A/B/C Hellfire và cả phiên bản chống tàu AGM-114F, ngoài ra các bình rocket Hydra cỡ 70 mm là trang bị không thể thiếu.
AH-1Z Viper là chiếc trực thăng vũ trang nhỏ, nhẹ và cực kỳ đáng sợ
Mặc dù Trung Quốc "tiếc nuối" khi WZ-10 không được Quân đội Pakistan lựa chọn nhưng nếu nhìn lại thì có thể hiểu được vì sao quốc gia Nam Á này lại từ chối đồng minh thân thiết nhất.
Pakistan đã vận hành dòng AH-1 Cobra từ năm 1984 khi được Mỹ viện trợ 20 chiếc AH-1S đã qua sử dụng. Tiếp đó đến giai đoạn 2007 - 2010, họ lại tiếp tục cung cấp cho Islamabad lần lượt 12 và 14 chiếc AH-1F nhằm đổi lấy sự trợ giúp của Pakistan trong việc tiêu diệt các phần tử khủng bố trên đất Afghanistan.
Do đã vận hành dòng trực thăng hạng nhẹ này từ 30 năm qua và quá quen thuộc trong công tác đảm bảo kỹ thuật, nên chẳng có gì ngạc nhiên khi AH-1Z Viper đánh bật WZ-10 khỏi vùng đất vẫn được coi là "sân sau" của Trung Quốc.
Trực thăng vũ trang AH-1 Cobra của Quân đội Pakistan