Đầu tuần này, Tổng thống Joko Widodo tuyên bố rằng 7 công ty, bao gồm LG của Hàn Quốc và Panasonic của Nhật Bản, đã xác nhận sẽ chuyển đến Indonesia. Chỉ 1 công ty từ Hoa Kỳ, nhà sản xuất sản phẩm ánh sáng Alpan, cho biết họ đang chuyển từ Trung Quốc đến Indonesia, theo The Jakarta Post.
Indonesia đang tích cực tìm kiếm nhà đầu tư khi Covid-19 dự kiến sẽ làm suy thoái kinh tế quốc gia này. Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, nơi có 270 triệu dân, trước đó tăng trưởng GDP tương đối ổn định. Không may, họ gặp phải sự gián đoạn chuỗi cung ứng và thương mại vì đại dịch Covid-19.
Cuối cùng, Ủy ban điều phối đầu tư Indonesia (BKPM) đã thành lập một nhóm đặc nhiệm để thu hút đầu tư bên ngoài. Họ được cho là đang đàm phán với các công ty Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc về việc di dời đến các khu công nghiệp đang được phát triển ở Trung Java.
Jakarta Post dẫn lời ông Widodo cho biết 17 công ty đang tìm cách mở các cơ sở tại Indonesia. Dữ liệu từ BKPM cho thấy các công ty này sẽ mang lại tổng vốn đầu tư 37 tỷ USD và sử dụng 112.000 người lao động.
Tuy nhiên, Tổng thống Indonesia đã nhiều lần "than thở" về sự thất bại của Indonesia đối với các công ty nước ngoài. Các công ty này sau đó đã chuyển sang Thái Lan, Việt Nam và Philippines. Các nhà phân tích cho rằng điều kiện kinh doanh không thuận lợi, tình trạng bất ổn của nguồn cung lao động, trình độ lao động thấp, thiếu cơ sở hạ tầng và tham nhũng hệ thống là những trở ngại lớn mà Indonesia phải vượt qua để khiến mình trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.
"Chúng tôi hoan nghênh bất kỳ động thái nào để tăng đầu tư của Mỹ vào Indonesia, nhưng Indonesia vẫn cần cởi mở hơn và cải cách cơ cấu để cạnh tranh cho dòng vốn đó" - Lin Neumann, Giám đốc điều hành của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Indonesia cho biết.
Ông Neumann khẳng định họ sẽ giúp đỡ các công ty Mỹ vào Indonesia, nếu hầu hết các hạn chế được dỡ bỏ, ví dụ như chính sách cấm hoặc hạn chế đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực và tiểu ngành như viễn thông và phân phối rượu.
Ông Luhut Pandjaitan, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư của Indonesia, hồi đầu tháng này cho biết Chính phủ Jakarta đang đàm phán với phía Washington về việc di dời các công ty Mỹ, sau khi Tổng thống Widodo nêu ý tưởng trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ngân hàng Thế giới đã xếp Indonesia ở vị trí 73, đứng sau các nước láng giềng Singapore (2), Malaysia (12) và Thái Lan (21), và Việt Nam (70) về mức độ dễ dàng kinh doanh. Các cuộc điều tra khác nhau cũng chỉ ra rằng năng suất sản xuất của Indonesia kém hơn so với các nước láng giềng Đông Nam Á.
Nhưng dù Indonesia còn nhiều vấn đề cần khắc phục, một số nhà phân tích nói rằng họ vẫn có cơ hội.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh G20 2017 ở Đức. Ảnh: AFP
Người phát ngôn của Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) cho biết nền kinh tế nội địa đang phát triển mạnh mẽ của Indonesia biến họ trở thành một thị trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Ông Alexander Feldman, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Asean, cho biết ông đã nghe thấy sự di dời của các công ty từ Trung Quốc đến Indonesia. "Chắc chắn, điều đó đang xảy ra ở Việt Nam và ở Thái Lan, và Indonesia cũng được nhắc đến như một điểm thay thế tiềm năng", ông nói.
Rajiv Biswas, Kinh tế trưởng châu Á-Thái Bình Dương tại IHS Markit ở Singapore, cho c ăng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể sẽ là động lực tiếp theo cho việc tái cơ cấu lại chuỗi cung ứng. Mang lại lợi ích cho các trung tâm sản xuất Đông Nam Á bao gồm Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Myanmar.
"Những lợi thế mà Indonesia có thể mang lại là thị trường tiêu dùng nội địa rộng lớn. Indonesia dự kiến sẽ là một trong những thị trường mới nổi phát triển nhanh nhất thế giới trong thập kỷ tới, mang đến cơ hội tăng trưởng doanh thu cho một loạt các công ty đa quốc gia trên nhiều lĩnh vực sản xuất và dịch vụ", ông nói.
Khi nhiều công ty đa quốc gia đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất ở châu Á ra ngoài Trung Quốc đại lục, Indonesia có lợi thế khi mức lương sản xuất tương đối thấp và lực lượng lao động quy mô lớn. Đặc biệt là Indonesia sẽ có khả năng thu hút các công ty đang tìm cách sản xuất cho thị trường tiêu dùng nội địa Indonesia.