Trump cho Abe "không gian tin tưởng tưởng tượng"
"Lần này, Abe đã phấn khích giành vị trí thứ nhất thế giới", Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) mỉa mai cuộc gặp kéo dài 90 phút giữa Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
"Abe đã trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên hội kiến Trump sau cuộc bầu cử Mỹ", tờ báo Trung Quốc viết.
Trước đó, trong buổi họp báo sau cuộc gặp song phương tại tòa Tháp Trump, New York ngày 17/11, Thủ tướng Abe đã ca ngợi Tổng thống đắc cử Mỹ là "một nhà lãnh đạo đáng tin cậy" và khẳng định có thể thiết lập mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng.
Theo Hoàn cầu, việc ông Abe nhấn mạnh "sự tin tưởng" như vậy chứng tỏ đối với Tokyo, "sự tin tưởng" vô cùng quan trọng, bởi nền tảng của quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật chính là tin tưởng nên nếu tách khỏi điều này, quan hệ hai nước sẽ bị dao động.
"Quan hệ Mỹ - Nhật đã đi được đến bước Abe cần vội vã đi xác nhận sự tin tưởng này", Hoàn cầu mỉa mai.
Báo Trung Quốc dẫn một số nhận định cho rằng, chuyến công du lần này của Thủ tướng Abe mang ý nghĩa "mất bò mới lo làm chuồng". Bởi trong thời gian vận động tranh cử Tổng thống Mỹ, chính quyền Tokyo đã "đặt cược" cho chiến thắng của ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton.
Do vậy, ông Abe tới Mỹ để nhằm xoa dịu tình hình vì đã "xem nhẹ" Tổng thống đắc cử Donald Trump trong thời gian ứng viên đảng Cộng hòa tranh cử.
"Việc Trump đắc cử giúp mở rộng thêm "không gian tin tưởng tưởng tượng vốn có" của mối quan hệ Washington - Tokyo", Hoàn cầu châm biếm.
Đại diện phía Tổng thống đắc cử Donald Trump hiện chưa tiết lộ nội dung cuộc tiếp xúc Mỹ - Nhật hôm 17/11. Ảnh: Internet
Khiến Nhật Bản và đồng minh "leo cây"?
Hoàn cầu nhận định, dù là tuyên bố đe dọa hủy bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay buộc Nhật Bản chấp nhận chi trả toàn bộ khoản phí quân đội Mỹ đóng quân ở nước này của ông Trump đều khiến Abe lo lắng.
Bởi điều này sẽ phá hủy hoàn toàn chiến lược "lôi kéo Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc" của chính phủ Abe.
"Trong mối quan hệ với Mỹ, Nhật Bản đang lựa chọn hình thức trò chơi có tổng bằng không - tức nếu một bên thu được lợi ích thì bên kia sẽ bị thiệt hại tương đương và ngược lại... Tokyo cần định vị chắc chắn vị thế là người anh em nhỏ của Washington", tờ báo Trung Quốc viết.
Theo Hoàn cầu, mấu chốt của sự ổn định trong quan hệ song phương này chính là cán cân đồng minh Mỹ - Nhật trong các chính sách mà Mỹ thúc đẩy ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đặc biệt, đối mặt với sự trỗi dậy của Trung Quốc hiện nay, một Nhật Bản bất an càng phù hợp trở thành "con cờ" nhằm giúp Mỹ kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, từ việc TPP đi vào bế tắc và xu thế ưu tiên phát triển kinh tế trong nước cho thấy mong muốn Tổng thống đắc cử Mỹ tập trung vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Nhật Bản khó có thể thực hiện.
Tờ Hoàn cầu cho rằng, sau cuộc hội kiến song phương hôm 17/11, Abe rất kỳ vọng Trump sẽ tiếp tục thúc đẩy chiến lược Tái cân bằng Châu Á - Thái Bình Dương nhưng lại "không dám tiết lộ dù chỉ một chữ liên quan đến nội dung thực sự của cuộc thảo luận".
"Một trong những mục đích công du New York của Abe chính là trấn an nước Nhật, khiến các đồng minh châu Á của Mỹ tin tưởng rằng, Trump đắc cử sẽ không thay đổi chính sách tại khu vực này" và Hoàn cầu quả quyết rằng, ông Abe đã không thực hiện được điều này.
"Về ý nghĩa, chuyến công du New York của ông Abe đã khiến các đồng minh, các quốc gia ủng hộ chiến lược Tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương "tưởng bở"", tờ báo theo khuynh hướng diều hâu của Trung Quốc mỉa mai.