LTS: Quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan trong giai đoạn những năm 50-70 của thế kỷ trước đã trải qua nhiều sóng gió. Nói về thời kỳ này cũng có nhiều tài liệu khác nhau, và thậm chí, mỗi tài liệu cho thấy một góc nhìn hoàn toàn khác.
Dưới đây là một số tài liệu do báo chí Trung Quốc đăng tải. Theo đó, Mao Trạch Đông ủng hộ Tưởng Giới Thạch nắm quyền ở Đài Loan, còn Tưởng đã từng muốn mời Mao đến thăm Đài Bắc nhưng bất thành.
"Mao nhận thấy Tưởng không muốn chia cắt Trung Quốc"
Năm 1950, chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, Mỹ đưa Hạm đội 7 tới tập kết tại khu vực eo biển Đài Loan.
Ngày 26/7, Tổng thống Mỹ bấy giờ là Harry S.Truman cho rằng việc Bắc Kinh thống nhất Đài Loan sẽ ảnh hưởng đến an ninh khu vực châu Á Thái Bình Dương nên đưa ra thuyết "Chưa khẳng định chủ quyền của Đài Loan".
Khi ấy, Tưởng Giới Thạch vô cũng mâu thuẫn. Một mặt, ông ta hy vọng Mỹ giúp đỡ vì với quân đội của mình, Tưởng khó có thể giữ được Đài Loan. Mặt khác, Tưởng lo ngại Washington có ý định chia cắt Trung Quốc nên chưa đưa ra ý kiến đồng thuận.
Cuối cùng, Tưởng quyết định, dù cho Hạm đội 7 có rời đi thì ông cũng duy trì chính sách "Một Trung Quốc".
Ngày 28/6, Tưởng ủy quyền cho Ngoại trưởng Quốc dân đảng Diệp Công Siêu tuyên bố, Đài Loan vẫn tiếp nhận kế hoạch quốc phòng của Mỹ và kế hoạch này không anh hưởng đến lập trường lãnh thổ.
Tháng 12/1954, Mỹ-Đài ký Hiệp ước phòng thủ chung nhằm đối phó Bắc Kinh. Ngày 18/1/1955, nhằm ngăn chặn hợp tác Mỹ-Đài, Trung Quốc đưa quân tấn công đảo Nhất Giang Sơn - eo biển Đài Loan.
Nhân dân nhật báo cho hay, do mâu thuẫn trong lập trường đối đầu với Đại lục khi Mỹ muốn "quốc tế hóa Đài Loan nhằm chia cắt với Trung Quốc đại lục" còn Tưởng vẫn muốn duy trì thống nhất hai bờ nên khi đó, Tưởng đã từ chối hợp tác với Washington trong cuộc chiến chống lại Bắc Kinh.
Tuy nhiên, giới truyền thông quốc tế lúc ấy nhận định rằng, cuộc chiến eo biển Đài Loan 1955 thực chất là ý đồ muốn thống nhất Đài Loan của Mao. Nhưng sự can thiệp của Mỹ đã tạo ra rất nhiều khó khăn, khiến cho kế hoạch này của Bắc Kinh bất thành.
Mao Trạch Đông: "Tưởng Giới Thạch làm Tổng thống Đài Loan thì tốt hơn"
"Sứ giả" Tào Tụ Nhân và vợ. Ảnh: Sina
Cuối những năm 1950, tình hình Đài Loan chuyển biến bất ngờ khi có một số người, bao gồm cả những người thuộc Quốc dân đảng ra tranh cử vị trí "Tổng thống".
Bắc Kinh cho rằng, đây là "âm mưu của người Mỹ" do Washington nhận thấy Tưởng không phối hợp với Nhà Trắng để chống lại Trung Quốc nên đã tìm cách lật đổ Tưởng.
Theo đó, dưới sự trợ giúp của Mỹ, một bộ phận chính trường Đài Loan đã ủng hộ Trần Thành - một chính trị gia có tiếng ở Đài Loan vốn được cho là người sẽ kế nhiệm khi Tưởng qua đời tranh cử vào vị trí "Tổng thống".
Khi đó, Mao Trạch Đông cho biết, "ở Đài Loan, vẫn cứ Tưởng Giới Thạch làm Tổng thống thì tốt". Mao cũng đã từng chia sẻ suy nghĩ này với rất nhiều các chính khách nước ngoài.
Một số ý kiến cho rằng, câu nói của Mao truyền tải thông điệp rất rõ ràng, ĐCSTQ muốn Tưởng làm Tổng thống Đài Loan và chỉ cần Tưởng làm Tổng thống Đài Loan, Bắc Kinh sẽ cho Tưởng một "không gian quốc tế nhất định".
Tào Tụ Nhân - người truyền tin
Theo truyền thông Trung Quốc, do có cùng quan điểm trong việc thống nhất Trung Quốc nên Tưởng có dự định thiết lập kênh liên lạc với Mao và ý tưởng này cũng nhận được sự tán thành từ phía Bắc Kinh.
Ngày 5/5/1956, trong một lần tiếp chính khách nước ngoài, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã đánh tiếng rằng, "nếu Tưởng đồng ý trả Đài Loan về Đại lục thì người dân Trung Quốc sẽ tha thứ cho ông ấy".
Cuối thập kỷ 50- đầu 60, Bắc Kinh-Đài Loan rất nỗ lực trong việc tìm kiếm người trung gian truyền tin. Và đó là Tào Tụ Nhân - một nhà hoạt động văn hóa chính trị nổi tiếng lúc bấy giờ.
Theo lời của Tưởng Giới Thạch, Tưởng Kinh Quốc đã hai lần tìm gặp Tào Tụ Nhân. Một lần, Tưởng Kinh Quốc đã bí mật cử một chiếc tàu quân sự nhỏ đến đón Tào từ Hồng Kông về Đài Loan và đưa ra thương lượng về kế hoạch lập kênh ngoại giao với Bắc Kinh.
Một lần khác, chính Tưởng Kinh Quốc đích thân đến Hồng Kông gặp Tào. Sau khi Tào nhận lời giúp cha con Tưởng liên lạc với Bắc Kinh, Tưởng Giới Thạch đã mời Tào đến Đài Bắc lần nữa.
Trong cuộc tiếp xúc tại Đài Bắc, Tưởng Giới Thạch đã nói với Tào: "Lần này đi Đại lục, anh nhất định phải làm rõ ý định thực sự của Đại lục".
Tháng 7/1956, Tào Tụ Nhân đến Bắc Kinh. Ngày 16/7, Tào có buổi gặp gỡ với Chu Ân Lai tại Di Hòa Viên.
Sau khi nghe Tào truyền đạt lời của Tưởng, Chu đã đề xuất tiến hành phương châm "hợp tác lần ba" với mục đích chính là "thống nhất Trung Quốc".
Đến ngày 3/10, Mao Trạch Đông tiến hành gặp mặt Tào Tụ Nhân tại Hòa Nhân Đường, Trung Nam Hải. Trong cuộc gặp, Mao đã đưa ra hàng loạt dự định mang tính xây dựng về "hợp tác lần ba" đồng thời ông đánh giá, đóng góp tích cực của Tưởng cho lịch sử hiện đại Trung Quốc là rất đáng ghi nhận.
Kể từ đó về sau, Tào Tụ Nhân trở thành "cầu nối liên lạc" giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Bắc Kinh - Đài Bắc sau đó cũng đạt được một số nhận thức chung như: Duy trì thống nhất lãnh thổ hay hai bên đều có thành ý giải quyết vấn đề Đài Loan theo phương thức hòa bình.
Đặc biệt, sau sự kiện Kim Môn - khủng hoảng eo biển Đài Loan lần 2 (1958), Mao qua Tào chuyển lời đến Tưởng rằng, Bắc Kinh sẽ đáp ứng mọi yêu cầu của Đài Bắc chỉ cần Tưởng bắt tay Mao, cô lập Washington.
Tuy nhiên, qua nhiều lần thảo luận, cha con Tưởng vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng.
Đầu thập niên 60, từ những chính sách với Đài Loan của Mao kết hợp với những điều khoản mới, Chu Ân Lai soạn thành bản cương mục, tóm tắt ý tưởng tổng thể về việc thống nhất Đài Loan theo phương thức hòa bình.
Sợ Tưởng hoài nghi, Mao còn nhờ Trương Trị Trung - người có quan hệ thân thiết với Tưởng chuyển thư đến Đài Bắc, nhấn mạnh rõ nội dung của bản thảo trên.
Mao, Chu trong những cuộc gặp sau đó với Tào, tiếp tục nhấn mạnh sáng kiến của Bắc Kinh, đồng thời đề bày tỏ thiện chí, bất cứ điều kiện gì của Tưởng cũng sẽ được Bắc Kinh xem xét kỹ lưỡng.
Tào sau đó đã về Đài Bắc chuyển lời Mao, Chu đến Tưởng. Cha con Tưởng sau khi nghiên cứu chắc chắn đã đưa ra một vài điều kiện dù có điều kiện đồng thuận cũng như trái chiều với Bắc Kinh. Nhưng cuối cùng hai bên cũng đã đạt được sự nhất trí chung về một số vấn đề quan trọng.
Tuy nhiên, sau đó không lâu, cuộc Đại cách mạng văn hóa bùng nổ tại Đại lục (1966). Một số ý kiến công kích sự hợp tác này của Mao-Tưởng khiến quan hệ Trung-Đài bị gián đoạn.
Chương Sĩ Chiêu. Ảnh: Baike
Tưởng từng mời Mao đến Đài Bắc vào cuối đời
Đại cách mạng văn hóa bùng nổ đã làm gián đoạn quan hệ Trung-Đài. Đặc biệt, năm 1968 khi Tưởng nghe nói, Hồng vệ binh đã tới quê ông - Khê Khẩu, Chiết Giang phá bỏ từ đường nên vô cùng tức giận.
Tưởng đã từng yêu cầu con cháu cần ghi nhớ thù này. Tuy nhiên, sau đó, ông lại được tin, Chu Ân Lai đã đến bảo vệ nên mới nguôi lòng.
Những năm cuối đời, Tưởng thường nhớ lại những ngày tháng ông còn ở Đại lục, đồng thời nghĩ đến vấn đề liên lạc Trung-Đài.
Đặc biệt, khi câu nói coi ông là "bạn cũ" giữa cuộc tiếp kiến của Mao với Tổng thống Mỹ Richard Nixon được truyền đến tai, càng khiến Tưởng suy nghĩ day dứt hơn.
Hơn nữa, khi đó, địa vị của Đài Loan ngày càng bị thu hẹp trong khi Trung Quốc ngày càng có sức ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Trước tình hình đó, Tưởng có chút do dự khi nối lại quan hệ với Đại lục bởi ông cho rằng, lúc này nếu chủ động liên lạc thì sẽ giống việc đầu hàng.
Đúng lúc này, Bắc Kinh khôi phục hoạt động kỷ niệm sự kiện 228 - sự kiện bạo loạn tại Đài Loan ngày 28/2/1947.
Theo giới phân tích, đây là hành động chủ động của Bắc Kinh với dự định nối lại quan hệ với Đài Bắc sau thời gian dài bị cắt đứt.
Năm 1975, Bắc Kinh đã cho đặc xá hàng trăm binh lính và điệp viên Đài Loan và cho họ lựa chọn địa điểm để sinh sống.
Biết được điều này nhưng Tưởng vẫn chưa chủ động liên lạc bởi nguyên nhân quan trọng là ông chưa tìm được người truyền tin thích hợp. Tào Tụ Nhân đã mất vào năm 1972.
Vừa hay, Mao Trạch Đông đã phái người tới Đài Bắc. Đó là Chương Sĩ Chiêu - một người có mối
"thâm tình" với cả ĐCSTQ và Quốc dân đảng.
Tuy nhiên, khi ấy Chương đã 92 tuổi, lại mang trọng bệnh, khi mới chỉ kết nối hai bờ ở bước sơ bộ, Chương đã qua đời. Vì thế, quan hệ Trung-Đài vẫn chưa được khôi phục hoàn toàn.
Truyền thông Trung Quốc nhận định, sau đó, Tưởng dường như không từ bỏ nỗ lực nối liền quan hệ hai bờ nên đã dù không tìm được người trung gian thích hợp nhưng vẫn tiến hành một phương thức liên lạc đặc biệt.
Tết năm 1975, Tưởng bí mật tìm đến Trần Lập Phu - một "nguyên lão" của Quốc dân đảng, yêu cầu ông này thông qua các kênh liên lạc bí mật tại Hồng Kông chuyển lời mời Mao Trạch Đông tới thăm Đài Bắc.
Khi đó, cả Mao, Chu đều gặp vấn đề sức khỏe nên không thể đi Đài Bắc. Đích thân Mao đã ủy thác cho Đặng Tiểu Bình đi Đài Loan nhằm nối lại quan hệ hai bờ cũng như thực hiện việc thống nhất Đài Loan.
Nhưng đúng lúc này, Tưởng Giới Thạch lại qua đời vì bệnh tim vào ngày 5/4/1975. Cái chết của Tưởng khiến quan hệ Trung-Đài một lần nữa bị gián đoạn.