Infonet xin giới thiệu sơ lược bài bình luận có tựa đề “Việt Nam hội nhập toàn cầu: Giờ là lúc hội nhập trong lĩnh vực tài chính” được đăng tải trên tờ Inquirer của Philippines hôm 6/11.
Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong hội nhập với nền kinh tế toàn cầu và đạt được nhiều thành tựu khi luôn có mức tăng trưởng kinh tế cao trong vòng 30 năm qua.
Đã mười năm kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Hiện nay Việt Nam có quan hệ thương mại với khoảng 200 quốc gia, vùng lãnh thổ và có quan hệ đầu tư với 114 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Việt Nam cũng đang thảo luận về bốn FTA khác gồm Hiệp hội Hợp tác Kinh tế Khu vực Toàn diện (RCEP), FTA ASEAN - Hồng Kông (Trung Quốc), và FTA với Hiệp hội Thương mại Tự do Châu Âu và FTA với Israel.Việt Nam đã ký kết hoặc đang tham gia đàm phán rất rất nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương (FTA), bao gồm các thỏa thuận FTA thế hệ mới với quy mô lớn và có các cam kết ở tầm cao như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Việc tăng cường các mối quan hệ kinh tế toàn cầu cũng giúp xây dựng các mối quan hệ tài chính sâu rộng hơn. Quá trình tự do hóa thuế quan thông qua các FTA của Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ. Việt Nam đang sẵn sàng mở cửa các dịch vụ tài chính để thực hiện các cam kết cũng như thực hiện những cải cách cấu trúc kinh tế toàn diện.
Việt Nam là một ngôi sao đang nổi trên bản đồ kinh tế toàn cầu. Từ một trong những nền kinh tế phát triển kém nhất thế giới, Việt Nam đã trở thành một trong những nước có thu nhập trung bình. Trong thập kỉ qua, tổng sản phẩm quốc nội tăng trưởng trung bình 6,29%/năm; năm 2017 dự kiến sẽ đạt 6,7%.
Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong hội nhập kinh tế toàn cầu.
Xuất khẩu có thể vượt hơn 200 tỷ USD, gấp 4,4 lần so với năm 2006. Trong khi đó, trong 10 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã thu hút được 28,24 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết tháng 9/2017, vốn hóa thị trường chứng khoán tháng 9 đã lên tới 93% GDP, mức cao nhất kể từ khi thị trường được thành lập vào năm 2000.
Ông Wayne Golding Obe, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC, cho biết, Việt Nam đang có chiến lược đúng đắn. Ông nói: “ Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Việt Nam đang chứng minh với thế giới và các thành viên APEC rằng Việt Nam đang phát triển và đang hội nhập”.
Là chủ nhà của APEC năm 2017, Việt Nam nêu ra bốn ưu tiên cho hợp tác tài chính, nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các thành viên khác cũng như các tổ chức tài chính quốc tế: Đầu tư dài hạn vào cơ sở hạ tầng; Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận, Tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai, và Tài chính bao trùm.
Khu vực Châu Á Thái Bình Dương được coi là khu vực quan trọng nhất trong thời đại của chúng ta với 21 nền kinh tế bao gồm các nước dẫn đầu như Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản và hầu hết các nền kinh tế đang phát triển năng động như Hàn Quốc, Indonesia, Philippines và Việt Nam. Năm 2015, các nền kinh tế thành viên của APEC chiếm 57% sản xuất và 46,5% thương mại toàn cầu.
Tăng cường hội nhập tài chính trong khu vực được cho là sẽ tạo thuận lợi cho tăng trưởng thương mại và đầu tư trong khu vực cũng như thúc đẩy các lĩnh vực khác như phát triển tài chính sâu rộng hơn và tăng nguồn tài chính cho cơ sở hạ tầng.
Với vai trò là người ủng hộ hội nhập kinh tế toàn cầu, hồi tháng 1/2016, Việt Nam đã thông qua Chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước, tận dụng các điều kiện toàn cầu thuận lợi để biến Việt Nam thành một đất nước công nghiệp hóa hiện đại, nâng cao mức sống, nâng cao uy tín của đất nước trên toàn cầu.
Cùng với các nền kinh tế thành viên APEC khác, Việt Nam luôn tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực tài chính trong khuôn khổ các FTA song phương và đa phương. Trong khuôn khổ song phương, Việt Nam đã tích cực hợp tác với các nền kinh tế khác trong các lĩnh vực như thuế và hải quan. Việt Nam đã ký 76 hiệp định tránh đánh thuế hai lần, trong đó có nhiều hiệp định với các nền kinh tế thành viên APEC. Một thỏa thuận tương tự với Mỹ đang chờ phê chuẩn.
Tự do hoá các dịch vụ tài chính và tăng cường hợp tác tài chính sẽ mang lại lợi ích cho các nền kinh tế bằng cách loại bỏ các rào cản bảo vệ và cải thiện việc tiếp cận các tổ chức, công ty tài chính nước ngoài, tạo sân chơi bình đẳng, nâng cao chất lượng dịch vụ và thu hút vốn nước ngoài tốt hơn.