Báo ngoại: Vietjet Air lại dùng bikini gây tranh cãi

Lam Thiên |

Theo đánh giá của trang South China Morning Post, cách mà hãng hàng không giá rẻ này đang làm không phù hợp với các thị trường có phần bảo thủ như ở Việt Nam và khu vực.

Mới đây, tờ South China Morning Post của Trung Quốc đăng tải một loạt hình ảnh được cho là nằm trong buổi chụp ảnh lịch mới của hãng hàng không giá rẻ Việt Nam Vietjet Air. Hình ảnh cho thấy tất cả người mẫu đều mặc trang phục bikini, mô phỏng thực hiện công việc của nhiều vị trí như phi hành đoàn, kiểm soát không lưu, kỹ thuật viên, nhân viên bảo trì và tiếp viên hàng không.

Đại diện truyền thông của Vietjet Air cho biết những gợi cảm và nóng bỏng luôn được nhiều hành khách của hãng yêu thích. Hãng cũng gọi những hình ảnh này là "ấn phẩm nóng bỏng dành cho tất cả hành khách và người hâm mộ hàng không" và cũng là nhằm đưa đến quan điểm thú vị về dịch vụ hàng không xuất sắc, đi kèm đội bay hiện đại.

Clip hậu trường chụp ấn phẩm của Vietjet Air

Đánh giá của South China Morning Post cho rằng thật khó để những hình ảnh này trở nên vừa mắt với đại bộ phận khách hàng vốn còn khá bảo thủ tại các thị trường hàng không ở Đông Nam Á, nơi có nhiều người Hồi giáo sinh sống. Cách thức truyền thông của Vietjet Air cũng được tờ này đặt câu hỏi khi hãng một mặt muốn đem đến cái nhìn mới về dịch vụ khách hàng, nhưng những người mẫu được sử dụng trong chương trình quảng bá lại không hề làm việc cho Vietjet Air.

Cụ thể, những cái tên được South China Morning Post nhận diện bao gồm người mẫu 20 tuổi của Mỹ Celine Farach, Á hậu hoàn vũ Tiffany 2017 người Thái Kwanlada Rungrojampa và Á quân Asia’s Next Top Model 2017 Nguyễn Minh Tú.

Vốn nổi tiếng với chiêu thức PR khá lạ lùng, Vietjet Air được thị trường định hình là hãng hàng không giá rẻ có phong cách mới lạ nhất tại Việt Nam. Báo chí quốc tế trong lần đầu tiên viết về hãng bay này cũng từng gọi Vietjet Air là "hãng hàng không bikini". Trong khi đó, CEO của hãng, nữ tỷ phú đôla đầu tiên của Việt Nam Nguyễn Thị Phương Thảo từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn rằng cái tên "hàng không bikini" gắn với Vietjet Air "chỉ là một tai nạn".

Báo ngoại: Vietjet Air lại dùng bikini gây tranh cãi - Ảnh 2.

Vietjet Air vẫn theo định hướng gợi cảm dù từng bị cơ quan quản lý xử phạt hành chính.

Đến nay, có vẻ định hướng gợi cảm vẫn mang lại hiệu quả trong việc thúc đẩy nhận diện thương hiệu và doanh số cho Vietjet Air, bởi dù mới ra mắt từ tháng 12/2011, Vietjet Air hiện sở hữu lịch khai thác tới 300 chuyến mỗi ngày, có đội bay 49 chiếc Airbus A320 và A321, chiếm 40% thị phần bay nội địa tại Việt Nam.

Dẫu vậy, những hình ảnh gắn liền với bikini cũng mang lại không ít rắc rối cho hãng. Bằng chứng là vào hồi tháng 8, khi VietJet Air tuyên bố về thỏa thuận để mở đường bay giữa Việt Nam và Jakarta, đại sứ Indonesia tại Việt Nam từng khẳng định tiếp viên của hãng này sẽ không mặc bikini.

Thực tế, khá nhiều hãng hàng không quốc tế từng chịu chỉ trích liên quan đến trang phục của tiếp viên hàng không. Tuần trước, đồng phục bó sát của nữ tiếp viên của hai hãng hàng không AirAsia và Firefly bị nghị sĩ Malaysia Abdullah Mat Yasim chỉ trích là "quá hở hang", tờ Straits Times cho biết.

Ở Nhật, hãng hàng không Skymark Airlines gặp rắc rối khi ra mắt đồng phục váy ngắn vào năm 2014. Hiệp hội Tiếp viên Hàng không Nhật Bản thời điểm đó cho rằng việc đó có thể khuyến khích các hành vi quấy rối tình dục.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại