Báo Nga: Việt Nam sẽ mua siêu xe tăng Armata?

Tuấn Vũ |

Với ưu thế về công nghệ cao và giá thành, rất có thể trong tương lai, siêu xe tăng Armata của Nga sẽ có mặt trong lực lượng tăng thiết giáp Việt Nam.

Ưu thế giá thành

Theo Phó giám đốc của Tập đoàn Uralvagonzavod, ông Vyacheslav Khalitov, Nga sẽ sản xuất loạt tăng Armata vào năm 2018 và dòng tăng này sẽ có giá rẻ đến không ngờ.

"Chúng tôi có kế hoạch sản xuất hàng loạt xe tăng Armata vào trong năm 2018. Chi phí của Armata chắc chắn sẽ thấp hơn các mẫu xe tăng của phương Tây hiện nay", ông Khalitov tiết lộ.

Được biết, ngay trước khi ông Khalitov tiết lộ những thông tin trên, khi trả lời hãng Sputnik, ông Oleg Siyenko, Giám đốc tập đoàn Uralvagonzavod đã tiết lộ thông tin giật mình về mức giá của T-14 Armata.

Cụ thể, mức chi phí để sản xuất hàng loạt xe tăng T-14 Armata sẽ là 250 triệu rúp/chiếc (tương đương 3,7 triệu USD) - mức giá thấp hơn nhiều so với dự kiến ban đầu (7,5 triệu USD). Với mức gia này, T-14 Armata trở nên rất cạnh tranh với các đối thủ tới từ Mỹ và châu Âu trên thị trường xuất khẩu.

Theo Sputnik, các đối thủ cạnh tranh với xe tăng Armata, như Leopard 2 của Đức, M1 Abrams của Mỹ và Challenger 2 của Anh có chi phí đắt đỏ hơn nhiều (từ 6,8 đến 8,6 triệu USD/chiếc). Chỉ xe tăng chủ lực Type 99 của Trung Quốc là có giá rẻ hơn, với chi phí khoảng 2,6 triệu USD.

Mức giá thấp của Armata, được nhà sản xuất quảng bá là chiếc tăng hiện đại nhất thế giới, chủ yếu nhờ việc đồng ruble mất giá tới 50% so với đồng USD, tính từ đầu năm 2014, Sputnik cho biết.

 Báo Nga: Việt Nam sẽ mua siêu xe tăng Armata?  - Ảnh 1.

Siêu tăng Armata.

Theo ông Victor Murakhovski, một thành viên trong hội đồng chuyên gia thuộc Ủy ban Công nghiệp - Quốc phòng Nga, thông số kỹ thuật của T-14 Armata vượt trội hơn đáng kể so với đối thủ Mỹ.

"Nếu so sánh thông số kỹ thuật trên giấy tờ, hiệu quả hỏa lực và mức độ bảo vệ của lớp giáp trên Armata vượt trội hơn Abrams từ 30-40%.

Về giá cả, cần lưu ý rằng khi mua xe tăng, còn có các chi phí đi kèm về đạn dược, cơ sở bảo dưỡng, đào tạo kíp xe…

Vì điều này, giá một chiếc xe tăng sẽ đắt đỏ hơn nhiều nếu xét trên từng đơn vị riêng lẻ", ông Murakhovski giải thích và cho biết thêm, chính vì vậy mức giá của Armata được đưa ra là rất hấp dẫn đối với khách hàng.

Lộ khách hàng tiềm năng

Với mức giá rất cạnh tranh của siêu tăng Armata được Nga tiết lộ, rõ ràng trong tương lai, dòng tăng này của Nga sẽ là ưu tiên mua sắm của nhiều khách hàng, đặc biệt đối với những quốc gia đã dành sự quan tâm đến dòng tăng này. Trong số này có Ấn Độ, Ai Cập, Việt Nam và Trung Quốc.

Thông tin về những khách hàng quan tâm đến tăng Armata được hãng tin RIA hồi đầu tháng 8/2016 dẫn nguồn tin quân sự Nga cho biết.

Tuy nhiên theo RIA, với trường hợp của Trung Quốc, Nga sẽ yêu cầu nước này phải ký vào một số văn bản cam kết về vấn đề bản quyền nếu Bắc Kinh muốn sở hữu dòng tăng thế hệ mới này của Nga.

Trong khi đó, Ấn Độ cũng muốn mua Armata theo cách riêng của mình. Theo ông Samir Patil, chuyên gia của Trung tâm phân tích Gateway House (Ấn Độ): "Ấn Độ muốn mua hệ thống chiến đấu vạn năng thế hệ mới Armata hoặc các bộ phận của nó để sau đó dựa trên đó chế tạo xe tăng của mình".

"Ấn Độ đang có các kế hoạch phát triển xe tăng của mình là dự án FICV (Future Infantry Combat Vehicle - Xe chiến đấu bộ binh tương lai). Nên tôi nghĩ rằng, nếu ngân sách cho phép, Ấn Độ có thể mua Armata hay ít ra là một số bộ phận của nó để nghiên cứu và sau đó sử dụng để chế tạo xe tăng của mình", ông Patil nói.

Ngoài ra, ông cũng cho rằng, mua tăng Armata có cái lợi là khung gầm này thích hợp để chế tạo hàng loạt xe chiến đấu. "Nên tôi nghĩ rằng, Ấn Độ sẽ muốn mua một khung gầm như vậy cho quân đội của mình", ông Patil nhận định.

"Nga là nước duy nhất mà Ấn Độ đang có các dự án cùng phát triển vũ khí. Đó là các dự án máy bay chiến đấu thế hệ 5 và máy bay vận tải MTA.

Tôi nghĩ rằng, Ấn Độ quan tâm đến khả năng thành lập liên doanh phát triển xe tăng mới còn vì nó phù hợp với sáng kiến "Make in India" của Thủ tướng Modi. Chương trình này nhằm tìm kiếm các đối tác nước ngoài để cùng phát triển và sản xuất", ông Patil nhấn mạnh.

Trước đó, Tổng giám đốc Uralvagonzavod, nhà sản xuất Armata, ông Oleg Sienko thông báo, nhà máy đã mời các quan chức Ai Cập đến dự triển lãm vũ khí tổ chức vào tháng 9/2015 tại Nga để xem trình diễn khả năng của tăng Т-14 Armata.

Uralvagonzavod đang tính toán các phương án bán Т-14 ra nước ngoài. Sau đó, khi ở thăm Cairo, Bộ trưởng Công thương Nga Denis Manturov cho hay, Nga sẵn sàng thảo luận với Ai Cập việc bán xe tăng Armata sau khi hoàn thành kế hoạch cung cấp xe tăng thế hệ mới theo chương trình vũ khí nhà nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại